Giám sát dịch bệnh khi chuyển mùa
Thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi rút có cơ hội phát triển. Vì vậy, cần phải chú ý đến các thay đổi này để có cách ứng phó kịp thời tránh mắc bệnh khi giao mùa.
Phụ huynh cần tiêm phòng cho trẻ đúng lịch, tránh các bệnh trong thời điểm giao mùa. Ảnh: N.DƯƠNG |
Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ở thời điểm hiện tại, các bệnh thường gặp khi chuyển mùa đã giảm hẳn, chưa phát hiện một ổ dịch bệnh mới nào trên địa bàn toàn tỉnh. “Thời điểm giao mùa chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút đang sống trong cộng đồng có thể phát triển, lây lan. Các bệnh chủ yếu như: sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu, tay chân miệng, cảm cúm sẽ xuất hiện ở thời điểm này hầu như đã giảm hẳn. Nhất là dịch sốt xuất huyết, đây là thời điểm sinh trưởng nhanh của bọ gậy và lây lan dịch bệnh ở thời điểm năm trước nhưng nay chỉ lác đác vài trường hợp cả tỉnh, chưa phát hiện một ổ dịch bệnh nào” - ông Hoàn nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, số lượng trẻ mắc các bệnh như: sởi, tay chân miệng... cũng đã giảm hẳn so với thời điểm trước. “Giai đoạn trước, trong và sau tết, nhiều trẻ em mắc phải các bệnh về đường hô hấp là chủ yếu, do có đợt lạnh đột ngột, kéo dài. Còn thời điểm này cũng đã giảm nhiều” - bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết. Đồng thời bác sĩ Thoại cũng khuyến cáo với các bậc phụ huynh cần cẩn thận để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong thời điểm giao mùa này. Do trời bắt đầu chuyển nắng, vì vậy cần chú ý đến thức ăn hay điều kiện sinh hoạt của trẻ phải được đảm bảo, tránh những đồ ăn nguội, vì trời nắng có thể sinh ra vi khuẩn nhanh hơn; tránh cho trẻ tiếp xúc, chơi dưới ánh mặt trời nhiều vì dễ bị cảm sốt...
Ông Trần Văn Hoàn cho biết, đối với các dịch bệnh khác vẫn có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra nên cần chú ý tiêm phòng cho trẻ em đúng ngày, đúng lịch để tránh bệnh có thể phát tán. “Mùa đông xuân là điều kiện tốt nhất để các bệnh do siêu vi trùng có thể lây lan, nhất là bệnh cúm theo mùa. Chính vì vậy cần chú ý tiêm phòng để tránh mắc phải. Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng không có vắc xin dành cho bệnh cúm, nhưng đây là bệnh thường xảy ra nhất vào mùa này. Các loại cúm như: cúm A H1N1, H3N2 hay cúm B đều đã có vắc xin phòng bệnh. Nếu có điều kiện, các bậc phụ huynh nên đưa con em đến các cơ sở y tế để tiêm phòng là tốt nhất” - ông Hoàn cho biết thêm.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh thời điểm này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tiến hành ra quân dọn sạch môi trường, rà soát danh sách để tiêm chủng đầy đủ cho người dân địa phương. Có những mũi tiêm cần phải tiêm nhắc lại lần 2 nên nhiều phụ huynh vẫn còn bỏ sót như bệnh sởi phải tiêm 2 lần: 1 lần vào lúc trẻ 9 - 11 tháng tuổi, lần 2 từ 18 - 24 tháng tuổi. Nếu không tiêm đủ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. “Quan điểm của chúng tôi là không chủ quan trước tình hình này, phải luôn ở thế chủ động sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản đề nghị trung tâm y tế các địa phương nhanh chóng triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý những vùng, những ổ dịch đã tồn tại trước đây phải chủ động kiểm soát, xử lý triệt để. Thời gian tới, chúng tôi đã có kế hoạch, chương trình kết hợp với các ban ngành tại địa phương để ra quân tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt lưu tâm đến dịch sốt xuất huyết như những năm trước” - ông Hoàn thông tin.
NGUYỄN DƯƠNG