Bay
Cuộc tọa đàm về thu hút đầu tư tại vùng trọng điểm kinh tế miền Trung diễn ra hôm 5.3 được nhiều báo (Công Thương điện tử, Thanh Niên, Lao Động, Pháp luật Việt Nam…) đặc biệt chú ý đưa tin. Lợi thế của 7 tỉnh miền Trung được các tỉnh đem ra giới thiệu quảng bá, xúc tiến mời gọi doanh nghiệp và đối tác Hoa Kỳ. Công việc xúc tiến đầu tư đòi hỏi sự năng động từ khâu khảo sát ban đầu, đến khâu tập hợp thông tin dựa trên mục tiêu của nhà đầu tư cho đến giai đoạn dự án đi vào hoạt động chính thức nên các tỉnh đều có tính toán kỹ lưỡng. Doanh nghiệp và địa phương hai phía Việt Nam và Mỹ đang cố gắn kết với nhau để tìm được những mục tiêu chung, lợi ích chung, bắt đầu từ bài toán kinh tế.
Ước muốn trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của Quảng Nam được đại diện chính quyền tỉnh đưa ra tại tọa đàm xúc tiến đầu tư do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức. “Theo tính toán của các chuyên gia, với bán kính 3.000km, sân bay Chu Lai có thể bao phủ đến được các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… nên chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư để biến sân bay Chu Lai trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho các nước Đông Nam Á và châu Á” - Báo Điện tử Chính phủ dẫn lời ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Để ước muốn trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho các nước Đông Nam Á và châu Á, quả thực là quá khó với tình hình hiện nay về nguồn vốn và cạnh tranh thị phần. Và nếu không nhìn thấy được một lộ trình cụ thể, nhiều người sẽ cho đó là mục tiêu không tưởng. Vì thế, Quảng Nam đã có những bước đi thận trọng, trong đó có việc đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai đến năm 2030. Đề nghị này của Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (nằm trong Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030, QĐ số 236/QĐ-TTg, ngày 23.2.2018).
Sân bay Chu Lai trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam là căn cứ không quân của Không lực Việt Nam Cộng hòa và Không lực Hoa Kỳ; máy bay quân sự thường cất cánh, hạ cánh ở đây. Những cánh bay ấy đã lùi xa hơn 40 năm. Hai đường tuyến tính thời gian giữa quá khứ và tương lai cứ chạy mải miết về hai đầu. Hiện tại là chấm son ở giữa hai đường tuyến tính đó. Không có sự phân biệt bạn thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn. So sánh tương quan các điều kiện thuận lợi cũng như hiểu biết của các đối tác hiện nay, nếu doanh nghiệp phía Hoa Kỳ đầu tư vào sân bay Chu Lai, sẽ là tín hiệu tốt. Doanh nghiệp nào tiềm lực đủ mạnh để khai thác tối đa lợi thế của sân bay Chu Lai, đương nhiên được Quảng Nam ưu tiên. Nên vẫn cứ chờ một giấc mơ bay lên.
CBL