Nhịp thơ xuân giao hòa...
Xưa nay, mùa xuân vẫn được xem là mùa giao hòa những tâm hồn đồng điệu. Điều ấy lại tiếp tục được minh chứng bằng những dòng thơ miên man suốt cuộc xuân này...
Quang cảnh buổi ra mắt tập thơ “Tạ” của nhà giáo-nhà thơ Trương Vũ Thiên An. Ảnh: BẢO ANH |
1.Phát hành từ cuối tháng 1.2018 nhưng mãi đến ngày 1.3 này, nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh mới tổ chức ra mắt tập thơ riêng thứ 2 của mình - tập “Biết đâu sẽ nhớ” - với người yêu thơ quê nhà. Anh bảo không phải do bận rộn với những công việc cần làm trước tết mà cái chính là vì anh muốn tập thơ của mình được trình làng vào đúng đỉnh điểm của “mùa thơ”. Anh giãi bày: “Xưa nay, người làm thơ, người yêu thơ vẫn thường chọn mùa xuân, mà đặc biệt là vào dịp tết Nguyên tiêu, để ngâm vịnh thơ ca. Tôi muốn tập thơ của mình được hòa điệu vào không khí thơ ca, tinh thần thơ ca ấy...”. Và thật sự, tập thơ của Thái Bảo - Dương Đỳnh đã có sự hòa điệu rất nên thơ trong một chương trình thơ - nhạc với sự tham dự của đông đảo hội viên Câu lạc bộ Thơ - nhạc Sông Tranh, của các nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ đến từ Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...
Cũng với lý do tương tự, in xong từ trước tết gần một tháng nhưng đến mùng 5 tháng giêng, một nhóm văn sĩ quê Việt An (Bình Lâm, Hiệp Đức) mới tổ chức trình làng ấn phẩm của mình. Ba tập sách không cùng thể loại, gồm thơ (Hương đời - Huỳnh Việt An), bút ký (Nốt trầm quê ngoại - Thân Yên Nguyễn) và lý luận phê bình (Cùng trong một tiếng tơ đồng - Nguyễn Tấn Ái) cùng xuất hiện trong một buổi ra mắt nhưng không hề chỏi mà trái lại, rất hòa điệu, ấm cúng, thân tình... Những trang văn mềm mại, những câu thơ tươi tắn lần lượt được cất lên trong sự đồng cảm nguyên xuân của những người tâm giao suốt từ chiều cho đến tận khuya ngay bên bờ hồ thủy lợi Việt An bảng lảng khói sương... Không khí văn nghệ giao hòa, nồng nàn, đồng cảm, rất thơ và rất xuân ấy cũng có thể tìm thấy ở buổi ra mắt tập thơ “Tạ” của Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Trương Vũ Thiên An diễn ra vào chiều mùng 8 Tết (23.2). Ngoài bạn bè, đồng nghiệp, bạn thơ, buổi ra mắt còn có sự tham dự của khá đông cựu học sinh và học sinh khối chuyên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nơi Trương Vũ Thiên An đang công tác. Anh tâm sự: “Có lẽ đây là thời điểm mà mọi người dễ mở lòng ra với thơ hơn cả. Và đây cũng chính là cơ hội để tôi và thơ tôi được “Tạ” lòng với cuộc đời, với những tâm hồn tri kỷ, tri âm...”.
2. Khi những tập thơ xinh xắn và nồng nàn sắc xuân đang tiếp tục tìm đến với người yêu thơ và những tâm hồn đồng điệu thì đây đó, những sân thơ Nguyên tiêu lại được mở ra. Sau mấy lần phải “nhịn thèm” vì những lý do khác nhau, năm nay Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Quảng Nam lại có được một ngày hội thơ Nguyên tiêu cho riêng mình vào ngày 11 tháng Giêng. Bằng lòng yêu thơ say đắm, đông đảo hội viên của câu lạc bộ đã bất chấp những trở ngại do tuổi tác, cùng nhau tìm về điểm hẹn thơ ca ở Thăng Bình để gặp gỡ, chuyện trò, ngâm vịnh... Còn tại Đại Lộc - nơi có phong trào thơ ca sôi nổi nhất cả tỉnh hiện nay, chương trình thơ Nguyên tiêu với chủ đề quê hương và tình yêu được mở ra không chỉ cho những người làm thơ đã có “danh phận” mà cho cả những người mới vừa ghé chân vào địa hạt tinh tế này. Từ trên sân khấu rực rỡ ánh đèn đến những hàng ghế dành cho người dự khán, khoảng cách dường như bị xóa nhòa. Các nhà thơ đến từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, TP.Hồ Chí Minh... cùng những người làm thơ chân quê từ các câu lạc bộ thơ ở Đại Lộc đều hòa vào những câu chuyện thơ, không gian thơ một cách hồn hậu, tự nhiên...
Trong khi đó, từ chỗ chỉ tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, lần này Hội VHNT TP.Tam Kỳ thực hiện hội thơ Nguyên tiêu theo phương thức “mở”. Thay vì chỉ “đăng đàn” đọc và ngâm những bài thơ đã được chuẩn bị sẵn theo kịch bản, hội thơ lần này chủ yếu để trình diễn những bài thơ vừa được ứng tác sau khi đưa nhau du ngoạn, vãn cảnh hồ Phú Ninh. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ - Phó Chủ tịch Hội VHNT Tam Kỳ cho biết, bằng cách làm này, thơ thật sự được thăng hoa cùng đất trời cây cỏ và trở nên nóng hổi, tươi tắn hơn...
BẢO ANH