Bao giờ xứng danh... Thu Bồn?

Ghi chép của TRUNG VIỆT 03/03/2018 09:07

“Chợ chiều nhiều khế, ế chanh/ Nhiều cô gái tốt nên anh chàng ràng” (ca dao). Đứng trước chợ đầu nguồn Thu Bồn, tôi nhớ hai câu trên, lại nhớ ông Trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Chiều chưa muộn, mà xem ra... ế. Mới tết mà, đồ ăn còn đầy, thịt thà rau rác chưa hết, giỏi lắm thì tới kiếm con cá ăn cho đỡ ngán. Gái lạ cũng không, chợ quê hút nẻo, lấy đâu mà quen với lạ. Nhớ ông Bùi Giáng, vì lý lịch... chợ Thu Bồn này, có đoạn phải dời chỗ tọa lạc bởi lở sông, mà người bỏ tiền ra mua đất dời chợ là ông Bùi  Khải, một bá hộ cùng tộc với Trung niên thi sĩ.

 Lễ hội Bà Thu Bồn.Ảnh: T.V
Lễ hội Bà Thu Bồn.Ảnh: T.V

1. Thưa thớt. Cũ càng những người và chỗ ngồi. Một bà bán rau ủ dột: “Kiếm mấy đồng qua ngày, cũng bà con trong vùng, chợ ở quê mà chú, mùa ni nhà ai cũng có rau. Thuế hả, nộp phí chứ thuế chi, bán buôn chi mà thuế”. Những dãy bàn trống, nhôm nhoam. Có bà ngồi ngáp, phì phò thuốc lá. “Còm cõi bà già chợ huyện/ Khóc thời con gái thuốc lào say” (Lưu Quang Vũ). Không biết ngày xưa bà có khóc không, chứ cư dân làng này như bao người dân cắm dùi ở đất thượng nguồn Thu Bồn, nổi nênh dâu bể qua bao biến thiên, nhưng bám riết giữ tên làng, dẫu có đói no chi kệ. Ra tết, cả nước rộn ràng lễ hội. Làng Thu Bồn cũng sắp  chuẩn bị cho lễ Bà Thu Bồn. Chuyện kể, gốc tích Bà Thu Bồn, cả tên làng, có lẽ khỏi nhắc lại, bởi bao lớp áo văn hóa phủ lên đó, lên mạng tìm cái ào là ra. Tôi phóng xe về, chỉ  nghĩ một điều, Quảng Nam có lễ hội Bà Thu Bồn là lớn nhất, có con sông Thu Bồn là sông mẹ, thì cái làng có tên Thu Bồn, nếu uống rượu vô cãi lộn “tên làng mô là sang nhất, xếp thứ nhất”, dứt khoát là lấy làng ni đầu bảng. Vậy làng ni giờ có chi độc đáo, làm ăn ra sao? Một đồng nghiệp thở hắt ra điện thoại “miếng ruộng, lũy tre làng chứ có cái chi”.

Mộ Bà Thu Bồn ngày trước nằm trong làng Thu Bồn, nhưng sau khi chia địa giới hành chính ra, thì bây giờ thuộc thôn Thu Bồn Đông. Tôi hỏi anh Hồ Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Duy Tân huyện Duy Xuyên cái ý đó, rằng, ngoài cái... vỏ ngôn ngữ Thu Bồn là đặc biệt rồi, thì Thu Bồn Đông có chi đặc biệt ngoài chuyện là nơi có mộ, có lễ Bà Thu Bồn? “Đây là thôn có đất màu mỡ nhất xã, vì nằm sát sông” - anh nói - “lúa, rau tốt lắm; bên kia là chợ Phú Thuận của Đại Thắng; có chợ Thu Bồn; bến đò; nhưng anh biết đó, làm nông nghiệp 100%, rồi buôn bán nhỏ, lại ở vị trí  khu tây của huyện, nội lực yếu, sống đủ ăn là may rồi, tỷ lệ hộ nghèo hơn 6%, nhưng nói giàu thì không có đâu, bởi đầu ra bấp bênh, đời sống cứ bình bình”. “Không kinh doanh lớn?”. “Thì cũng bán buôn dọc hai bên đường, nộp phí là chính”. “Tiềm năng có không?”. “Có, nhưng bí lắm”.

2. Anh kể rằng, mới đây họp quy hoạch kinh tế xã hội của huyện, anh hỏi: “Răng các anh quên Duy Tân? Tôi nhớ từ 2008 đã đưa vào quy hoạch Làng Thương mại  dịch vụ lăng Bà Thu Bồn, diện tích 20ha, treo miết tới chừ, dân hỏi, tôi biết đường đâu trả lời”. Thế là đưa vô. “Tại sao treo lâu?”. “Thì không có tiền mà”. “Nếu thực hiện quy hoạch, liệu có mở ra cơ hội cho phát triển không?”. “Có chứ, sẽ khiến thương mại, du lịch phát triển, cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh, rồi  nâng tầm lễ hội Bà Thu Bồn, nhất là nơi mộ bà thành nơi du lịch tâm linh, nhưng cũng ngán, sợ người ta lợi dụng tâm linh hành nghề mê tín. Bà con, dịp lễ hội là buôn bán được, ước làm răng câu chuyện làm ăn đó rộn ràng quanh năm để đời sống khá hơn”.

Ngó ra ngoài Bắc, hễ ra tết là tràn ngập khói nhang, mê tín ngút trời, cầu tài lộc chức tước đủ thứ, phản ánh sinh động nhất của cái gọi là lụn bại văn hóa. Tôi định nói với anh rằng, không sợ, phải chặn ngay từ đầu, nếu làm, để biến nơi đây thành nơi ngưỡng vọng cái tên một con người gắn liền với một con sông mẹ của xứ sở, mà trầm tích văn hóa của nó không thua kém bất kỳ con sông nào. Tôi nhớ Phó Giáo sư Vương Hữu Lễ dân Hội An, dạy ngôn ngữ ở Huế, khi tôi tham bác ông về sông Hương, ông có nói ý rằng, Thu Bồn quê mình không thua kém đâu, vấn đề là không ai viết nổi cho thiên hạ nể! “Cựa quậy lắm, nhưng khó đủ thứ, em làm chủ tịch xã mà mang mặt đi xin tiền miết, dị lắm, làm chi cũng xin. Nhớ năm đó xã làm lễ lập Quỹ vận động vì người nghèo, em làm Phó chủ tịch HĐND xã, chở ông Chủ tịch MTTQ xã đi xin tiền. Tổ chức lễ Bà Thu Bồn cũng xin”. Nghe tới đây, tôi ngớ ra. “Chứ răng anh, xã hội hóa mà, đâu dám đụng ngân sách, năm ngoái xin được 50 triệu; năm ni còn một tháng nữa nên chưa đi xin”. Rồi anh kể rằng, ngay trong việc bài trí mộ bà cũng phải xin tùm lum, dù đó là di tích cấp tỉnh, phải có tiền sắm chứ ngó trống trải đâu chịu được. Binh đao bát bộ, vì bà là nữ tướng, cũng xin; cái kiệu cũ nát, cũng xin, vừa rồi đã ký hợp đồng với làng mộc Kim Bồng để họ làm kiệu, sau khi tham khảo ý kiến của giới nghiên cứu.

Bao giờ chợ Thu Bồn mới nhộn nhịp?
Bao giờ chợ Thu Bồn mới nhộn nhịp?

3. Thiệt khó. Vùng tây Duy Xuyên điều kiện để phát triển vươn lên, duy nhất là làm du lịch, nhưng hãy ngó Mỹ Sơn mà xem, muốn làm như Hội An, Huế, đâu phải dễ. Muốn làm mà dân không giàu, thì đố! Dân muốn giàu ngay đất quê mình, thì chính quyền phải tạo ra cơ hội cho họ. Ngân sách xã thu tại chỗ mỗi năm chỉ 200 triệu đồng, riêng đò qua Đại Lộc là 100 triệu, nhưng vừa rồi phải bớt cho người ta 20 triệu, vì họ nói chừ có cầu Kiểm Lâm rồi, xe chạy qua cầu ầm ầm, ít người đi đò lắm. “Chừ mà có cầu bắc từ chợ Thu Bồn qua chợ Phú Thuận, giải quyết đường đi cho dân vùng ni và vùng B Đại Lộc thì làm ăn sẽ khá hơn, nhưng chắc không được, cái cầu Giao Thủy nói 40 năm rồi mới làm được”. Màu cũ nát với dòng chữ buồn như giọt nước mưa “Chợ Thu Bồn” ám tôi. “Làm nông thôn mới sẽ làm chợ”. “Vẫn chợ cũ chứ?”. “Dạ, mở rộng 600 - 800m2 nữa, hiện diện tích là 1.200m2”. Tôi thở phào. Tại diễn đàn Quốc hội, tôi chưa nghe ai phản biện cái áp đặt vô lý, là làm nông thôn mới, bắt buộc phải có chợ, tào lao hết sức, làm ăn cà giựt, đầu ra không có, ba bốn xã mới có cái chợ, chưa nói thói quen họp chợ là đặc điểm cố hữu của làng quê Việt, họ biết chọn một điểm thuận lợi để bán buôn, đằng này trên núi cũng chợ, dưới biển, trên gò cũng chợ, đốt ngân sách, cuối cùng để bò trâu vô nằm...

“Mà có cái ni, em thấy lạ quá, là tại răng, cùng cái tên là lễ hội Bà Thu Bồn, nhưng bên Quế Trung cũng làm, bên ni cũng làm, mà bên ni là nơi có mộ được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1997; lễ hội cũng được công nhận sớm hơn; còn bên kia là dinh vốn là chỗ dừng chân? Một lễ hội, nhưng hai địa giới hành chính nằm trong một tỉnh”. “Tại răng không lên tiếng?”. “Cái năm tổ chức lấy ý kiến, ông chi đó là phó giám đốc ở Sở VH-TT&DL chủ trì, em làm HĐND nên không được mời, mấy ông ở đây đi họp, im re, em hỏi tại sao không kêu tôi, ổng nói không phải thành phần dự! Bên Nông Sơn làm 11 - 12.2 âm lịch, còn bên ni là 10 - 12.2 âm lịch. Em học Việt Nam học ra, cái chi không biết, chứ cái ni dứt khoát không thể không biết, tức thiệt!”. Tôi xin chuyển lời này cho ai đó ở sở lo chuyện lễ nghi trên, trả lời giúp anh Tuấn.

Sắp tới lễ hội Bà Thu Bồn rồi. Lễ tan, là hết. Biết tới bao giờ, làng này xã này mới giàu, không hổ danh, và xứng đáng với danh quá sang Thu Bồn?

Ghi chép của TRUNG VIỆT

Ghi chép của TRUNG VIỆT