Cầu nối nghĩa tình

LÊ NĂNG ĐÔNG 02/03/2018 09:54

Thành lập từ tháng 3.1998, đến nay vừa tròn 20 năm, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam thực sự là cầu nối tình cảm của những người con xứ Thanh xa quê và góp phần vun đắp nghĩa tình anh em Thanh Hóa - Quảng Nam ngày một phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (thứ 2, bên trái) cùng đại diện Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam thăm, tặng quà  gia đình hội viên nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (thứ 2, bên trái) cùng đại diện Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam thăm, tặng quà gia đình hội viên nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12.3.1960, tại thị xã tỉnh lỵ Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa), lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Sau đó, các địa phương của hai tỉnh lần lượt tổ chức lễ kết nghĩa: Hội An - Thanh Hóa, Đại Lộc - Tĩnh Gia, Điện Bàn - Hoàng Hóa, Thăng Bình - Đông Sơn, Hòa Vang - Quảng Xương, Quế Sơn - Thọ Xuân, Tam Kỳ - Triệu Sơn, Duy Xuyên - Nông Cống. Đây là sự kiện chính trị tạo ra giá trị tinh thần và vật chất to lớn động viên cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh thực hiện thắng lợi đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.

Kết nối những người con xa quê

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ là con em Thanh Hóa tiếp tục ở lại mảnh đất Quảng Nam lao động, công tác. Đồng thời tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường cho Quảng Nam nhiều đoàn cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo bổ sung cho cơ quan, ban ngành của tỉnh. Sau này, các thế hệ con em Thanh Hóa tiếp tục vào học tập, công tác và sinh sống trên quê hương Quảng Nam… Từ tâm lý, tình cảm những người con xa quê muốn giao lưu, gặp gỡ, trao đổi tâm tình, ôn lại những kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, cũng như giúp đỡ đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn… vào cuối năm 1994, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Sau khi tỉnh Quảng Nam tái lập không lâu, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam thành lập và buổi họp mặt đầu tiên của hội diễn ra vào ngày 1.3.1998. Đến nay hội có đến hàng nghìn hội viên, tập trung ở các chi hội Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Nam Giang…, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn Quảng Nam.
Ông Nguyễn Như Chính - Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam cho hay, từ khi thành lập đến nay đã tròn 20 năm, tổ chức hội vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, với nhiều nội dung, hình thức phong phú và ý nghĩa như: gặp mặt đầu xuân thường niên; thăm hỏi gia đình chính sách nhân các ngày lễ tết; thăm hỏi, động viên hội viên, gia đình khó khăn, hoạn nạn; tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập… Hội còn lập sổ tiết kiệm tặng một số gia đình chính sách tại quê nhà Thanh Hóa. “Hội đã thực sự trở thành nơi tập hợp, kết nối những người con Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, công tác tại Quảng Nam nhằm chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống và công việc, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống đoàn kết anh hùng của xứ Thanh, xứ Quảng” - ông Chính nói.

Trong những năm qua, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam đã vận động, quyên góp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 2 trường hợp ở xã Tam Hòa (Núi Thành) và phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ) với tổng số tiền 60 triệu đồng. Hằng năm, nhân sự kiện gặp mặt đầu xuân, hội đều tổ chức tuyên dương khen thưởng động viên con em hội viên có thành tích xuất sắc trong học tập, với mức 200 - 300 nghìn đồng/trường hợp.

Dấu ấn nghĩa tình

Một trong những hoạt động hết sức có ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đó là nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2012), Ban liên lạc Hội đồng hương đã tiến hành xác minh mộ liệt sĩ là con em quê hương Thanh Hóa đang nằm tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Quảng Nam. Việc xác minh, khảo sát, được thực hiện một cách có hệ thống, cụ thể và chính xác để tạo thuận lợi cho gia đình, thân nhân vào thăm viếng. Việc làm ý nghĩa này đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo hai tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn Quảng Nam. Kết quả, Ban liên lạc đã tiến hành xác minh, khảo sát, vẽ sơ đồ gần 300 mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang xã, thị trấn trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có 50 mộ liệt sĩ mới phát hiện nhưng chưa có hồ sơ quản lý. Thành viên Ban liên lạc đã thống kê, đối chiếu thông tin hồ sơ quản lý, thông tin của gia đình liệt sĩ để tổng hợp cung cấp cho cơ quan chức năng. Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc có ý nghĩa này.

Đại tá Phạm Văn Ngạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, những ngày về hưu luôn háo hức kể cho con cháu nghe những câu chuyện về mối tình kết nghĩa Quảng Nam - Thanh Hóa, về những chiến công của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, về tình đồng chí, đồng đội, tình người trong kháng chiến của người con Thanh Hóa trên chiến trường Quảng Nam. “Trong thời gian tới, Ban liên lạc hội cần tiếp tục giáo dục truyền thống kết nghĩa, những trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ của hai tỉnh, để từ đó các thế hệ thứ hai, thứ ba những người con Thanh Hóa được sinh ra, lớn lên, đang công tác, học tập trên mảnh đất Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, chung tay xây dựng tỉnh Quảng Nam kết nghĩa - quê hương thứ hai của mình ngày càng giàu đẹp” - ông Ngạnh nhấn mạnh.

Trên quê hương Quảng Nam hôm nay vẫn đang có nhiều người con của quê hương Thanh Hóa ra sức học tập, lao động, chiến đấu trên các mặt trận để cùng xây dựng quê hương thứ hai thêm giàu đẹp. Nỗ lực đó cũng chính là sự nối tiếp truyền thống cha anh, những người đã sát cánh chiến đấu, hy sinh vì Quảng Nam yêu thương, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang “Quảng - Thanh chung sức diệt thù/Mối tình đoàn kết nghìn thu không mờ”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

LÊ NĂNG ĐÔNG