Ngôi nhà thứ hai
Đơn vị thận nhân tạo ở Khoa Thận nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, các bệnh nhân dù trường kỳ chiến đấu với bệnh tật nhưng vẫn luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Đó là nhờ sự tận tụy và quan tâm đặc biệt của đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây đã tiếp sức cho họ...
Kỹ thuật viên tiến hành thủ thuật chạy thận nhân tạo cho một bệnh nhân. Ảnh: THU SƠN |
Bắt đầu ca chạy thận đầu tiên trong ngày từ lúc 7giờ sáng, bệnh nhân cảm thấy yên tâm trước những lời hỏi thăm về tình hình sức khỏe, hay những câu chuyện về đời sống thường nhật, những lời động viên của các y, bác sĩ dành cho mình. Anh Phạm Viết Hiền ở tại xã Tam Dân (Phú Ninh) là bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở đơn vị thận nhân tạo của Khoa Thận nội tiết hơn 10 năm nay. Anh quen thuộc và nhớ tên tất cả y, bác sĩ của đơn vị không chỉ vì họ là những người đã điều trị cho anh, mà còn bởi các y, bác sĩ, điều dưỡng ở đây đã tạo động lực và niềm hy vọng để anh chiến đấu với bệnh tật trong hơn một thập kỷ qua. Anh Hiền chia sẻ: “Các y, bác sĩ ở đây phục vụ bệnh nhân rất tận tình. Bác sĩ thường xuyên động viên bệnh nhân cố gắng, lạc quan, để giữ sức khỏe ổn định. Trong quá trình điều trị bệnh, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì chính các y bác sĩ đã tiếp thêm nhiều động lực cho tôi trong suốt quá trình điều trị”.
Bà Huỳnh Thị Thảo, bệnh nhân ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ kể: “Tôi chạy thận được 4 năm rồi, tuần chạy 3 lần. Bác sĩ ở đây phục vụ bệnh nhân chu đáo, sống hòa đồng với người bệnh và còn thường xuyên hát cho bệnh nhân nghe để chúng tôi có tâm lý thoải mái nhất, giảm bớt sự mệt mỏi, đau đớn khi bắt đầu ca chạy thận”. Đơn vị thận nhân tạo hiện có 11 bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ cho hơn 120 bệnh nhân. Các cán bộ, nhân viên ở đây làm việc liên tục 16 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày để lọc máu cho các bệnh nhân. Không chỉ làm tốt chuyên môn trong quá trình điều trị, cán bộ, nhân viên ở đây còn nhớ rõ tên, quê quán, hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân để kịp thời động viên từng trường hợp. “Bệnh thận nhân tạo rất đặc biệt, bệnh nhân coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình vì một tuần họ phải điều trị ở đây 3 lần. Vì vậy, bệnh nhân và nhân viên ở đây luôn có sự gắn kết, yêu thương lẫn nhau. “Chúng tôi coi bệnh nhân như người thân của mình, rất gần gũi, tạo không khí thân thiện và lắng nghe những tâm tư của họ để phục vụ nhằm giúp họ yên tâm điều trị” - điều dưỡng - kỹ thuật viên Lê Uy Vũ tâm sự.
Ca chạy thận cuối cùng trong ngày bắt đầu từ 16 giờ 30 và kết thúc sau đó 3 giờ đồng hồ, nhưng điều dưỡng, kỹ thuật viên - những người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân vẫn vui vẻ nhiệt tình với công việc. Tiếng cười nói, tiếng hát, những lời thăm hỏi ân cần và sự tận tụy đối với người bệnh của cán bộ nhân viên đơn vị thận nhân tạo đã mang lại niềm vui, hy vọng và mang lại sự sống cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Họ đã thực hiện tốt sứ mệnh “từ mẫu” của người “lương y”.
LÊ THU - QUANG SƠN