Mô hình trường tiểu học xanh thí điểm tại Tam Kỳ

HOÀNG LIÊN 01/03/2018 07:25

(QNO) - Sở KH&CN vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trường tiểu học xanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ”, do ThS. Nguyễn Bình Khánh (Trung tâm Tư vấn phát triển năng lượng, Viện Khoa học năng lượng) chủ nhiệm. 

Triển khai từ tháng 9.2016 tới 11.2017 với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, đề tài nghiên cứu ứng dụng chuyển giao một số công nghệ tiên tiến về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời nối lưới có tiềm năng lớn ở Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng. Đề tài đã khảo sát thực tế một số trường tiểu học xanh trên địa bàn Tam Kỳ; khảo sát, thu thập dữ liệu về hiện trạng trang thiết bị và tiêu thụ điện năng của hơn 20 trường học tại Quảng Nam. Khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống chiếu sáng trong lớp học, điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng lớp học của 20 trường được lựa chọn. Qua đó, cải tạo một phòng học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) thành phòng giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức, kiến thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo cho đội ngũ cán bộ và học sinh của trường theo công nghệ chiếu sáng lớp học tiên tiến từ Belarus.

Được biết, mô hình chiếu sáng tự động điều khiển quang thông sử dụng giải pháp điều khiển điện áp bằng senso cảm biến ánh sáng tác động vào mạch điều khiển điện áp của biến áp tự ngẫu cho đèn Led do Viện Khoa học năng lượng nghiên cứu và chế tạo bước đầu đã đạt yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật. Mô hình được triển khai tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản với hai nội dung chính: lắp đặt trạm điện mặt trời nối lưới công suất 3kWp tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (diện tích 24m2 không bị che khuất và thuận hướng, vị trí lắp đặt tủ điều khiển kết nối với lưới điện) và hệ thống chiếu sáng lớp học tiêu chuẩn, tự động điều khiển quang thông. Giàn pin điện mặt trời được lắp đặt tại trường có công suất 3.000Wp, 1 interver công suất 6.000Wp, hằng năm cung cấp một lượng điện khoảng 3.676,49kWh phục vụ cho các nhu cầu phụ tải, chiếm khoảng 10% nhu cầu điện hằng năm của trường.

Trạm điện mặt trời nối lưới gồm các tấm pin mặt trời nhập khẩu tiêu chuẩn Nhật Bản với công suất kWp, 1 bộ chuyển đổi DC-AC và tủ điều khiển, màn hình LCD kích cỡ trên 49’’, bộ máy tính đính kèm màn hình 21’’. Mô hình chiếu sáng tiêu chuẩn tiết kiệm điện năng công suất 288W sau thời gian lắp đặt và vận hành cho thấy mô hình hoạt động ổn định và được đánh giá tích cực. Ước tính, mô hình giúp tiết kiệm một lượng điện năng khoảng 430kWh/phòng/năm so với hệ thống chiếu sáng cũ… Qua so sánh, phòng học có sử dụng mô hình giúp tiết kiệm điện hơn phòng học không sử dụng mô hình là 0,8kWh/ngày. Suy tính, mỗi năm, mô hình giúp tiết kiệm được 430-450 kWh/năm/1 phòng học tại trường.

Theo ThS. Nguyễn Bình Khánh, Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng có tiềm năng rất tốt về năng lượng mặt trời cần được nghiên cứu, sử dụng phục vụ cấp điện tại chỗ nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, đặc biệt là đối với các hộ tiêu thụ điện chủ yếu về ban ngày như: cơ quan công sở, trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Việc đầu tư trạm điện mặt trời nối lưới quy mô phân tán cho các trường học tại Quảng Nam sẽ cho phép giảm chi phí tiền điện và quan trọng hơn là tạo cơ sở thực tiễn để giáo dục nhận thức về tăng trưởng xanh cho tuổi học trò…

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN