Thực hiện công tác bình đẳng giới ở miền núi: Khó trăm bề
Thực hiện bình đẳng giới (BĐG) trong thực tế không hề dễ dàng, nhất là ở khu vực miền núi của tỉnh. Kế hoạch, nhiệm vụ được triển khai nếu có cũng chỉ đến cấp huyện và rất khó đến được cơ sở.
Phụ nữ ở miền núi thường gánh vác việc gia đình. |
Trong những chuyến công tác miền núi, nhiều người đều chứng kiến hình ảnh phổ biến đàn ông chỉ có ngồi chơi, uống rượu; trong khi đó phụ nữ vừa cõng củi sau lưng vừa địu con trước ngực. Câu trả lời thường được cán bộ miền núi trả lời qua loa rằng do phong tục tập quán nên phải theo. Bao đời nay, ở miền núi của tỉnh, đi làm, nuôi con đều do một tay người phụ nữ bươn chải. Câu chuyện mà ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kể về người phụ nữ Cơ Tu ở huyện này khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Ông nói rằng phụ nữ Cơ Tu, khi được cưới về nhà chồng hiển nhiên trở thành lao động chính của nhà chồng. Phụ nữ lấy chồng mà đủ tuổi, có giấy đăng ký kết hôn nếu gặp bất trắc còn được pháp luật bảo vệ. Nếu phụ nữ chưa đủ tuổi mà kết hôn sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bởi hệ lụy của nạn tảo hôn khu vực miền núi là câu chuyện đau lòng lâu nay; đơn cử nếu ly hôn thì phụ nữ luôn chịu thiệt thòi như phải nuôi con, không được chia tài sản trong quá trình chung sống... Dù thực tế còn nhiều bất cập về BĐG đối với phụ nữ miền núi nhưng vẫn chưa có giải pháp thiết thực, cụ thể. Bởi thay đổi quan niệm này không phải một sớm một chiều mà phải từ trong nhận thức, nếp sống hằng ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn, BĐG ở vùng cao rất khó thực hiện. Chị Hòa chia sẻ: “Ở miền núi, phụ nữ không chỉ là trụ cột lao động chính của gia đình mà còn phải chăm sóc con cái. Ngay cả lúc lên rẫy họ phải địu con theo. Thậm chí khi chúng tôi đi vận động kế hoạch hóa gia đình cũng phải lựa chọn đối tượng nữ để triển khai thuận tiện hơn. Bởi rất khó vận động kế hoạch hóa gia đình đối với nam giới”. Thêm một rào cản của người làm công tác BĐG ở miền núi, đó là địa hình xa xôi, cách trở nhưng không có cán bộ ở cơ sở. Mỗi xã có thể có một cộng tác viên hưởng chế độ phụ cấp để làm công tác trẻ em và BĐG, nhưng chế độ phụ cấp không bao nhiêu, phải đi lại nhiều để vận động nên họ không mặn mà. Nhiều mục tiêu thực hiện công tác BĐG đã được thực hiện nhưng chỉ ở các huyện đồng bằng, khu vực miền núi rất gian nan. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng liên quan, nhất là công tác cán bộ cơ sở. Từ đó mới tạo sự kết nối, vận động tuyên truyền các chính sách về BĐG, dân số - kế hoạch hóa gia đình, quyền cơ bản của trẻ em... kịp thời, sâu sát từng gia đình. Bởi thay đổi nếp sống, cách nghĩ của người dân khu vực miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần lộ trình dài và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ cộng đồng.
LÊ DIỄM