Tạo môi trường cho trẻ phát triển
Để tạo được môi trường cho trẻ phát triển toàn diện cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội để mang lại hiệu quả tích cực.
Các diễn đàn lắng nghe ý kiến trẻ em đều được các em tham gia sôi nổi. Ảnh: D.L |
Lắng nghe trẻ em
Tại TP.Hội An, hoạt động vì trẻ em đang là mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, trong đó nổi bật là chương trình Diễn đàn trẻ em. Mỗi xã, phường của Hội An trong năm 2017 đều được hỗ trợ 2 triệu đồng để tổ chức diễn đàn đối thoại. Bà Lê Phương Đức - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết: “Khi tổ chức đối thoại giữa trẻ em với lãnh đạo thành phố, chúng tôi chọn không gian gần gũi để dễ dàng kết nối, sẻ chia. Theo đó, làng gốm Thanh Hà hay những địa điểm du lịch được ưu tiên lựa chọn để trẻ có thể vừa đối thoại với lãnh đạo thành phố, vừa tham gia sinh hoạt các trò chơi dân gian, thi vẽ tranh... Qua diễn đàn, các em đã mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng của bản thân để các đồng chí lãnh đạo lắng nghe. Như trẻ em mong muốn có sân chơi thì thành phố đầu tư sân chơi, mong muốn có địa điểm sinh hoạt thì thành phố tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ trẻ em...”. Ngoài ra, hàng năm thành phố đều lấy ý kiến trẻ em thông qua mẫu phiếu, để các em ghi ý kiến, tổng hợp và giải quyết nhu cầu của các em như điểm vui chơi, giải trí, xây dựng trang web... Trẻ em còn tự khởi xướng và thành lập câu lạc bộ Kỹ năng trẻ em vào tháng 7.2017, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với ngành giáo dục TP.Hội An xây dựng mô hình nâng cao kỹ năng tư vấn cho trẻ em ở cộng đồng và trường học.
Theo bà Đức, thành công lớn của Hội An là đã tổ chức được các câu lạc bộ quyền trẻ em trong trường học. Các câu lạc bộ có quy chế hoạt động, đăng ký cụ thể nội dung, ngày sinh hoạt hằng tháng. Khi tổ chức sinh hoạt, những đề xuất, kiến nghị của trẻ em được các xã, phường và Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An tổng hợp gửi đến lãnh đạo thành phố để kịp thời giải quyết. Cuối năm, Hội An tổng kết, đánh giá và khen thưởng các câu lạc bộ hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Hội An còn tổ chức cho các câu lạc bộ giao lưu để các thành viên trao đổi kinh nghiệm và cách tổ chức sinh hoạt sinh động, hiệu quả hơn. Thành phố còn tổ chức cho các em tham quan bảo tàng thành phố để nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa và sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi này.
Vì một xã hội tốt đẹp hơn cho em
Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, mục tiêu hành động năm 2018 sẽ tập trung xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em. Ông Thùy cho biết: “Các cấp, ngành và địa phương cần vào cuộc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em; chủ động phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột và bị xao nhãng; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Xã hội bây giờ có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em, vì vậy bảo vệ trẻ em cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng”. Trong năm này, tỉnh đặt mục tiêu phải giảm 0,15% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt so với năm 2017. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời. Một số mục tiêu cụ thể là: 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; hơn 86% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn duy trì bộ máy tổ chức và hoạt động của Ban bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và đưa hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động có hiệu quả; hơn 85% gia đình, nhà trường, cộng đồng và trẻ em được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em.
Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện không chỉ ngày một ngày hai mà là cả quá trình. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong năm này như truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tuyên truyền giảm thiểu, ngăn chặn trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; có biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em… ở các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là miền núi cao, trẻ em người dân tộc thiểu số. Các hình thức truyền thông đều phải có sự tham gia trẻ em, gia đình, giáo viên và cộng đồng dân cư. Các mô hình bảo vệ trẻ em đã hoạt động hiệu quả sẽ tiếp tục được duy trì, nhân rộng. Có thể kể đến gồm mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em làm trái pháp luật; trợ giúp giảm thiểu khó khăn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Tất cả hướng đến việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, cho trẻ em đủ điều kiện để phát triển bình đẳng.
DIỄM LỆ