Mặt trận đổi mới công tác dân tộc

NGUYỄN PHI HÙNG (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) 28/02/2018 09:50

Thực hiện phương châm “chân thành, tích cực, kiên trì, thận trọng, chắc chắn”, lấy vận động, giáo dục, thuyết phục là chính, Ủy ban MTTQ Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận) các cấp trong tỉnh đang quyết tâm đổi mới, nâng cao hơn nữa công tác dân tộc.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2018-2021.  Ảnh: THANH PHƯƠNG
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2018-2021. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Quảng Nam là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với gần 130 nghìn người, chiếm gần 7,5% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung ở 9 huyện miền núi của tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, an ninh biên giới. Hiện nay, đời sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khả năng tiếp cận thông tin, nắm bắt, hiểu biết và thực hiện pháp luật còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, công tác dân tộc miền núi được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đồng bào các dân tộc như: chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số... góp phần từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh.

Đa dạng hình thức  tuyên truyền

Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia góp ý, xây dựng và phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Trong đó, Mặt trận tỉnh đã tổ chức phản biện thành công 2 dự thảo đề án quan trọng của tỉnh gồm: “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021” và “Đề án chính sách giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021”. Mặt trận các huyện miền núi thành lập các tổ công tác trực tiếp đến từng thôn, nóc để gặp gỡ, thăm hỏi, tuyên truyền đến từng hộ; tham gia bình xét và phát huy vai trò của 385 vị già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu để giới thiệu, phổ biến các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Qua đó, động viên đồng bào các dân tộc hưởng ứng những cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương; tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2018-2021. Nội dung chú trọng đến công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc; tham gia phản biện góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách, các quy định của địa phương về công tác dân tộc, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững vùng miền núi đặc biệt khó khăn… Căn cứ vào các nội dung ký kết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đề ra chương trình hoạt động cụ thể trong năm 2018 và từng năm của giai đoạn, tổ chức triển khai đạt hiệu quả.

Định kỳ hằng quý, Mặt trận các địa phương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các vị ủy viên Mặt trận cùng cấp là cá nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Mặt trận cấp xã nhiều địa phương từng bước thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chính quyền trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Hằng năm, Ban Công tác Mặt trận tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Mặt trận các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội, công an, biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn đường biên, mốc giới; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển…

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nêu trên nên phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân vươn lên giảm nghèo. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh giảm còn 30,19% (giảm 4,71% so với năm 2016), hộ cận nghèo còn 6,67%.

Đổi mới nhiều mặt

Thời gian tới, Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm thực hiện tốt việc chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tập quán, đối tượng từng dân tộc, từng địa phương làm cho đồng bào dân tộc hiểu đúng, làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc, hạn chế tư tưởng ỷ lại, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, với những kết quả đạt được, Mặt trận các cấp, nhất là khu vực miền núi cần tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò của người uy tín làm “cầu nối” giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.

Tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là một trong những hình thức nâng cao hiệu quả công tác dân tộc của Mặt trận. Ảnh: VINH ANH
Tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là một trong những hình thức nâng cao hiệu quả công tác dân tộc của Mặt trận. Ảnh: VINH ANH

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết lớn của trung ương, tỉnh liên quan đến vùng dân tộc miền núi như: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025 và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2021.

Một mặt thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, Mặt trận các cấp phải thường xuyên tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên. Đồng thời phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở cơ sở thông qua tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Định kỳ hàng quý, Mặt trận các cấp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là kiến nghị của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số để kiến nghị với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề liên quan đến chính sách về dân tộc và công tác dân tộc tại địa phương...

NGUYỄN PHI HÙNG
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)

NGUYỄN PHI HÙNG (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)