Indonesia hướng tới nền kinh tế số
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN) - Indonesia đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số lớn nhất khu vực.
Điện thoại di động - một nghề kinh doanh đang phát triển mạnh tại Indonesia. Ảnh: Reuters |
Indonesia hiện là quốc gia đông dân thứ tư thế giới với dân số khoảng 263 triệu người, trong đó hơn 130 triệu người dùng trực tuyến, lớn thứ 5 thế giới. Báo cáo của công ty tư vấn nổi tiếng thế giới McKinsey, nền kinh tế số sẽ đóng góp 10% GDP và tạo ra 3,7 triệu việc làm cho Indonesia vào năm 2025. Để nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số, Indonesia tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng và tăng số người truy cập internet để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động. Các con số được thống kê cho thấy, lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật số gia tăng mạnh trong những năm gần đây, từ việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) và phân tích, tăng 60% trong giai đoạn 2014 - 2015, số người sử dụng internet di động tăng 20% (13 triệu người) giai đoạn 2015 - 2017, đến dịch vụ tài chính số và thương mại điện tử đều tăng hơn 20% giai đoạn 2016 - 2017.
Indonesia vừa tuyên bố lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước này trong năm 2017 vượt qua mốc 1.000 tỷ USD đầu tiên tại khu vực ASEAN, bất chấp việc Chính phủ Indonesia không đạt mục tiêu thu ngân sách. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng khoảng 5,4% trong năm 2018 - mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chủ tịch Ủy ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM), ông Thomas Lembong cho biết năm 2017, Indonesia thu hút khoảng 51,75 tỷ USD đầu tư nước ngoài; bao gồm 4,8 tỷ USD trong lĩnh vực kinh tế số và các công ty khởi nghiệp (startup) đang trở thành điểm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Dân số trẻ gia tăng tại Indonesia là tầng lớp thích nghi nhanh chóng với công nghệ và tạo nền tảng khá vững chắc của nền kinh tế số tại nước này.
Hiện số doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số tại Indonesia ước khoảng 17.000 đơn vị, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Vương quốc Anh. Điển hình là Go-Jek - hãng gọi xe ôm và xe taxi trực tuyến được thành lập vào năm 2010, đến nay ứng dụng Go-Jek đang được sử dụng bởi 400.000 tài xế xe máy, ô tô và xe tải cũng như hơn 100.000 doanh nghiệp nhỏ. Go-Jek - “‘startup xe ôm tỷ đô” vừa nhận đầu tư hơn 1 tỷ USD từ hãng công nghệ lừng danh toàn cầu Google và nay đã mở rộng sang các dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu từ chăm sóc đẹp (Go-Glam), massage (Go-Message) cho đến dọn dẹp nhà cửa (Go-Clean) và giao hàng hóa (Go-Send), thức ăn (Good-Food), dịch vụ thanh toán điện tử (Go-Pay).
Tuy vậy, các chuyên gia cho biết khoảng cách tiếp cận nền kinh tế số tại Indonesia còn nhiều khác biệt và Chính phủ Indonesia cần đẩy mạnh tăng số lượng người dân truy cập internet thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ năng về công nghệ thông tin, cải thiện đời sống của những người thu nhập thấp. Indonesia có khoảng 28 triệu dân hiện sống dưới ngưỡng nghèo. Ngoài ra, theo Ngân hàng thế giới (WB), hơn 60 triệu người Indonesia đang đứng trước nguy cơ tái nghèo. Bên cạnh đó, sự gia tăng của nền kinh tế số cũng đi kèm với một số rủi ro, bao gồm an ninh mạng, đẩy nhanh quá trình nhiều việc làm bị đánh mất. Trong lĩnh vực tài chính, các công nghệ mới nổi, bao gồm cả tiền ảo, có thể phá vỡ các định chế tài chính đã được thiết lập và dẫn đến việc di chuyển các hoạt động tài chính ra bên ngoài khu vực rất khó kiểm soát…
QUỐC HƯNG