Những thầy thuốc gọi đâu có đó
Thời khắc giao thừa, người người cùng sum vầy với gia đình trong không khí đầm ấm thì những y bác sĩ trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn phải căng mình để làm nhiệm vụ.
Trung tâm Cấp cứu 115 luôn túc trực để kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: N.DƯƠNG |
Túc trực 24/24h
Đối với những cán bộ y tế làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh, tết năm nào cũng phải làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm. Như bác sĩ Lương Đình Hải - Giám đốc trung tâm chia sẻ, với nghề “gọi đâu có đó” thì ít có năm nào được ăn tết đúng nghĩa. “Chúng tôi túc trực 24/24h nên luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm. Cứ có cuộc gọi tới là đi, vì đau ốm, bệnh tật không chừa thời gian nào hết. Nhất là những ngày tết, tai nạn giao thông thường xảy ra liên tục nên càng phải túc trực hơn nữa” - ông Hải nói. Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh trước đây chỉ là một trạm quy mô nhỏ, nhưng đến nay đã được nâng cấp thành trung tâm với hơn với 32 cán bộ y tế công tác. Trung tâm có các trạm đặt ở các huyện Quế Sơn, Điện Bàn, Núi Thành để kịp thời cấp cứu trường hợp khẩn cấp tại những địa phương và vùng lân cận.
Trong dịp Tết Nguyên đán này, các cán bộ trung tâm đều phải túc trực 24/24h để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp. “Ngoài tai nạn giao thông còn có các bệnh khác cần cấp cứu nên chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng. Trong mấy ngày tết, chỉ ngoài mùng 1 không phải chạy cấp cứu, còn lại anh em phần lớn thời gian đều ở trên xe cấp cứu” - y sĩ Đào Văn Tân, cán bộ trạm cấp cứu Quế Sơn chia sẻ. Tương tự, y sĩ Tôn Thất Trí - cán bộ tại trạm cấp cứu ở thị xã Điện Bàn cũng phải liên tục đi cấp cứu cho các trường hợp bị bệnh trong những ngày tết vừa qua. Chỉ tính riêng thị xã Điện Bàn, trong 7 ngày trước, trong và sau tết có 26 người phải đưa đi cấp cứu, trong đó có 10 người bị tai nạn giao thông cần đưa đến bệnh viện để cứu chữa. “Nói không có tết thì hơi quá, nhưng thật sự với chúng tôi tết cũng giống như ngày bình thường vậy. Sau mỗi ca trực đã đủ mệt mỏi rồi, chỉ muốn ngủ vùi cho lại sức để ngày mai tiếp tục công việc. Thành ra, tết có chăng là nhiều bệnh hơn, phải đi nhiều hơn” - y sĩ Tôn Thất Trí chia sẻ.
Gọi đâu có đó
Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 có 32 cán bộ đang công tác, trong đó có 3 bác sĩ, 12 y sĩ túc trực để cấp cứu cho các trường hợp bị bệnh. Trong 7 ngày tết vừa qua (từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết), trung tâm tiến hành vận chuyển, cấp cứu 181 người bệnh trên địa bàn đến các cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời. |
Để kịp thời sơ cấp cứu trường hợp bị bệnh khẩn cấp, yếu tố được đặt lên đầu tiên của trung tâm là phải nhanh nhất, kịp thời nhất. “Chính vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ dám lơ là một phút nào. Bởi nhiều khi khoảnh khắc sinh tử chỉ chênh nhau vài phút. Mình đến kịp sẽ giúp được người bị nạn được cấp cứu kịp thời, ít nguy hiểm tới tính mạng” - bác sĩ Lương Đình Hải nói. Hay như chia sẻ hóm hỉnh của y sĩ Đào Văn Tân, cán bộ trạm Quế Sơn: “Làm nghề này phải xác định ở nhà ít hơn ở ngoài đường. Có ngày chạy cả ngàn cây số, vào TP.Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội là chuyện như cơm bữa. Vì vậy, khi chọn người bạn đời cũng tìm người cùng nghề, để dễ thông cảm cho mình, chứ ai mà chấp nhận được đang khi đêm hôm lại dựng dậy chạy đến sáng mới về. Đó là lý do mà mình muộn vợ”.
Việc cấp cứu luôn phải túc trực, vậy nên tất cả cuộc điện thoại đến đều phải nghe máy. Đó cũng chính là nỗi ám ảnh của chị Phan Thị Hiền Thục, cán bộ y tế Trung tâm Cấp cứu tỉnh. Chị Thục kể, mới hôm trước, có một nhóm thanh niên liên tục gọi vào số máy của trung tâm để trêu chọc suốt cả đêm. Mà không thể không nghe được, bởi lỡ người khác có chuyện thật đang gọi đến thì không biết làm thế nào. “Chỉ đến khi mình nói với các bạn này nếu cứ gọi liên tục lỡ người khác cần cấp cứu thật lại không thể gọi được, rất nguy hiểm họ mới dừng lại. Lúc đó đã hơn 1 giờ sáng. Riết rồi cũng quen chứ hồi đầu mới vào nghề bị ám ảnh lắm, nhiều lúc tính tìm việc khác mà làm. May là gia đình biết, thông cảm nên hầu như mọi việc đều phải nhờ vào chồng thu xếp” - chị Thục chia sẻ thêm.
Theo ông Lương Đình Hải, với quy mô hiện tại, trung tâm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo việc cấp cứu nhanh nhạy, kịp thời. “Trung tâm được cấp 7 chiếc xe cấp cứu chia ra cho 3 trạm và 1 trung tâm. Trong đó có 3 xe đã cũ vì được cấp từ năm 1997 đến nay nên rất khó khăn. Thêm vào đó, số lượng nhân viên y tế ở đây còn ít nên chúng tôi chỉ được nghỉ 1 ngày nên áp lực làm việc rất lớn. Như các thành phố lớn khác thường là được nghỉ 48 tiếng rồi mới phải trực lại. Mình vì không đủ nên đành động viên anh em cố gắng thôi” - bác sĩ Hải cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG