Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp trước, trong và sau tết là nội dung được huyện Đại Lộc chú trọng.
Vấn đề kiểm soát ATVSTP trong dịp tết được Đại Lộc chú trọng. Ảnh: H.LIÊN |
Theo số liệu của Phòng Y tế huyện Đại Lộc, đầu năm 2018, toàn huyện có 342 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 895 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 17 chợ. Trong đó, số cơ sở do ngành y tế quản lý 547 cơ sở, tuyến xã quản lý 393 cơ sở, huyện quản lý 154 cơ sở. Theo bà Đoàn Thị Ngọc - Trưởng phòng Y tế huyện Đại Lộc, công tác kiểm soát, đảm bảo ATVSTP trong dịp tết được huyện chú trọng. Theo đó, Ban chỉ đạo huyện tổ chức 3 đợt thanh tra, kiểm tra ATVSTP trên diện rộng. Đợt thứ nhất là trước và trong Tết Nguyên đán, tập trung kiểm soát tại các chợ đầu mối, các đại lý tạp hóa trên địa bàn bày bán hàng tết, các cơ sở cung ứng thực phẩm tết. Đợt thứ 2 diễn ra vào thời điểm trên địa bàn có nhiều lễ hội mùa xuân, kéo dài từ tháng 1 tới tháng 3. Đợt thứ 3 trong năm 2018 này sẽ diễn ra vào dịp tết Trung thu.
Đợt 1 kiểm tra tại 37 cơ sở gồm 18 cơ sở kinh doanh tạp hóa, 13 cơ sở sản xuất thực phẩm và nước uống, 7 cơ sở kinh doanh ăn uống và bếp ăn bán trú. Qua đó, phát hiện 6 cơ sở vi phạm, lập biên bản, xử lý. Các cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt từ 500.000 đồng tới vài triệu đồng/cơ sở. “Nhìn chung, trong năm 2017 và qua kiểm tra thực phẩm, hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán 2018, trên địa bàn không có gì nổi cộm, trước và trong tết không xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân” - bà Ngọc nói. Được biết, trước và trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo ATVSTP huyện triển khai, trên địa bàn Đại Lộc có tổng cộng 3 đoàn kiểm tra, giám sát về ATVSTP do tỉnh tổ chức. Thông tin từ các đoàn kiểm tra liên ngành qua test nhanh ở các đầu mối chợ thì hàm lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm cung ứng cho tết đều nằm ở giới hạn cho phép, chưa xảy ra tình trạng nghiêm trọng về mất ATVSTP. Kết quả kiểm tra các mặt hàng chả, bánh mứt tại một số điểm bất kỳ trên địa bàn cũng chưa có dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn hạn chế trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Được biết, Đại Lộc hiện chỉ mới có 3 lò giết mổ tập trung, công suất còn nhỏ, chưa đảm bảo nhu cầu giết mổ của tiểu thương ở 3 vùng. Dịp tết, nhu cầu thịt tăng cao, nhiều chủ cơ sở nhỏ lẻ lợi dụng dịp này để giết mổ chui, khó kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng, dù công tác đảm bảo ATVSTP trong hoạt động giết mổ được huyện chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là cơ sở hạ tầng các lò mổ chưa đảm bảo trước nhu cầu giết mổ tăng cao. “Hiện Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng thêm 2 lò giết mổ tập trung. Nếu cơ sở vật chất đảm bảo thì việc vận động tất cả chủ lò mổ đưa gia súc vào không khó và việc này sẽ được triển khai quyết liệt” - ông Quang nói.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, bên cạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra thì việc xây dựng được các chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được huyện chú trọng. Huyện cũng định hướng cho nông dân sản xuất rau hữu cơ, đảm bảo cung ứng ra thị trường. Những hộ đăng ký vào HTX rau an toàn phải đảm bảo điều kiện, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần như khâu thiết kế mẫu mã, xúc tiến và quảng bá sản phẩm… Quan trọng người sản xuất phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình để tạo chỗ đứng trên thị trường.
HOÀNG LIÊN