Nên chăng, "đặt hàng" văn nghệ sĩ?

NGUYỄN TAM MỸ 20/02/2018 05:09

Có lần nhà báo - nhà văn Nguyễn Hồng Lam bảo với tôi: “Quảng Nam là vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa, lịch sử hơn nhiều nơi khác. Dân văn nghệ các ông tha hồ mà khai thác…”. Cà phê với tôi, nhà báo Duy Hiển cũng bảo như thế. Quảng Nam được mệnh danh là “một vùng thơ”, “một vùng văn học”. Và từ ngày tái lập tỉnh đến nay, hơn 20 năm trôi qua, diện mạo văn học Quảng Nam như thế nào? Với số lượng sách văn học được in trong 20 năm qua đã khắc họa về mảnh đất và con người Quảng Nam ra sao?

Văn nghệ sĩ Quảng Nam đi thực tế ở Tây Bắc. Trong ảnh: Thăm nhà tù Sơn La.
Văn nghệ sĩ Quảng Nam đi thực tế ở Tây Bắc. Trong ảnh: Thăm nhà tù Sơn La.

Với những người cầm bút trưởng thành sau 1975, bây giờ đều đã trên dưới 60. Họ am hiểu về hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Hẳn nhiên, họ phát huy thế mạnh của mình trên cánh đồng chữ nghĩa để chuyên tâm về đề tài chiến tranh cách mạng. Sự chuyên tâm của những người cầm bút ở Quảng Nam trưởng thành sau 1975 đã tạo nên một “mùa vàng” về đề tài chiến tranh cách mạng. Đối với thế hệ nhà văn Quảng Nam trưởng thành từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, đông đảo về lực lượng, đa dạng về phong cách, phong phú về đề tài khai thác. Chính họ đã góp phần làm nên diện mạo văn học Quảng Nam thời bình. Bạn đọc kỳ vọng ở họ. Tuy nhiên, cho đến bây giờ tác phẩm của họ dù có sự đổi mới về hình thức, cách biểu đạt nội dung nhưng vẫn chưa tạo được phong cách riêng, dấu ấn riêng.

Hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày tái lập tỉnh. Trầm tích văn hóa lịch sử đã hiển lộ và được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, đó là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn. Dẫu vậy, vẫn chưa có tác phẩm văn học gây được tiếng vang trong dư luận bạn đọc. Nếu tôi nhớ không nhầm, chỉ có hai tác phẩm của hai nhà văn sống ở TP.Đà Nẵng làm được điều đó: nhà văn Thái Bá Lợi với tiểu thuyết Minh sư và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam với tiểu thuyết Thế kỷ bị mất. Cả hai tiểu thuyết này đều đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Luận bàn về văn học Quảng Nam sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, không ít người cho rằng, đề tài chiến tranh cách mạng bội thu những “mùa vàng” là có nguyên do. Đề tài này, đã được tỉnh quan tâm, kèm theo đó là sự hỗ trợ kinh phí xuất bản tác phẩm khá thỏa đáng, vì thế khuyến khích được người cầm bút gắn bó với đề tài chiến tranh cách mạng. Các đề tài khác, cũng có sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh để công bố tác phẩm, nhưng chỉ mới thực hiện mấy năm gần đây. Tuy nhiên, theo tôi, sự hỗ trợ ấy chỉ có tác dụng khuyến khích người cầm bút công bố tác phẩm, chứ không tạo được niềm đam mê đào xới tầng vỉa trầm tích văn hóa rồi suy ngẫm và liên hệ với đời sống xã hội hôm nay để thai nghén những tác phẩm vượt trội. Bởi số tiền hỗ trợ công bố tác phẩm chẳng thấm vào đâu, lại mang tính bình quân theo kiểu “sờ đầu chia xôi”! Vậy, làm thế nào để văn học Quảng Nam có những tác phẩm hay, gây được tiếng vang trong dư luận? Trò chuyện với anh chị em cầm bút viết văn làm thơ ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, họ cho rằng, tỉnh cần “đặt hàng” văn nghệ sĩ và đầu tư có chiều sâu thì mới mong có được những tác phẩm xứng tầm với mảnh đất và con người Quảng Nam. Nhưng nói gì thì nói, điều quyết định vẫn là sự tâm huyết, lao động sáng tạo của chính các nhà văn.

NGUYỄN TAM MỸ

NGUYỄN TAM MỸ