Ở giữa rừng
Từ chót vót đỉnh núi, sức người có hạn nhưng, họ quyết âm thầm ăn ngủ với rừng để trong khả năng có thể, chặn những cuộc khai thác khoáng sản trái phép, giữ yên rừng đầu nguồn.
Núi Kẽm - Suối Tre là nơi giáp ranh giữa Tam Lãnh, huyện Phú Ninh với Bắc Trà My nên rất khó khăn trong việc kiểm soát khai thác vàng trái phép. Ảnh: N.DƯƠNG |
Chúng tôi đã nhiều lần theo chân các anh để vào mục sở thị tại các bãi thiếc Dương Hòa và bãi vàng trên đỉnh Núi Kẽm. Để đi vào đến những nơi này, từ trung tâm huyện chạy xe máy một đoạn, để xe ở dưới chân núi rồi men theo lối mòn luồn sâu trong rừng, ngược núi. Mất chừng 3 tiếng đồng hồ vượt dốc mới đến được căn chòi dựng tạm cho nhóm 5 người ở mỗi phiên trực.
Lên phương án
Trên địa bàn huyện Bắc Trà My hiện nay có 4 khu vực có khoáng sản buộc phải bảo vệ do tình trạng khai thác trái phép thường xuyên diễn ra như: bãi vàng Cống Ba Bi (thôn 4 xã Trà Nú); bãi thiếc Nước Oa, bãi thiếc Dương Hòa (xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giác, Trà Giang) và bãi vàng khu vực Núi Kẽm - Suối Tre (thôn 4, xã Trà Kót). Trước đây, những nơi này từng là điểm nóng trong việc khai thác khoáng sản khiến cho huyện Bắc Trà My bao lần đau đầu nhưng không có cách giải quyết. Nhiều công ty cũng từng nhòm ngó nhưng chính quyền kiên quyết từ chối vì là khu vực rừng đầu nguồn, phòng hộ, lại ở trên một nền đất dễ bị ảnh hưởng đến sinh thái của vùng. Cũng chính vì thế, người tứ xứ đổ về đây để tìm kiếm giấc mộng đổi đời ngày một đông. Nơi thì vàng, nơi thì thiếc, tiện đường khai thác gỗ lậu... “Khu vực những bãi này đều nằm trên các đỉnh núi, phải mất mấy giờ đồng hồ băng rừng mới tới được. Vì thế, mỗi lần đi truy quét rất khó khăn. Lên tới nơi thì họ chạy. Đốt lán, tiêu hủy máy móc xong rút đi lập tức họ trở lại. Cứ thế dùng dằng cả mấy năm trời” - ông Nguyễn Đình Thông - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Bắc Trà My kể.
“Nói thật, không giữ thì rừng bị tàn phá, nguồn nước bị nhiễm độc nặng, người dân liên tục phản ánh. Mỗi khi tỉnh lên kiểm tra lại quy trách nhiệm cho địa phương buông lỏng quản lý, để thất thoát tài nguyên” - ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phân trần. Trước tình hình đó, huyện Bắc Trà My quyết định lập kế hoạch cụ thể để chấm dứt tình trạng này. Phương án được đưa ra là sẽ huy động cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng của 13 xã, thị trấn cũng với 2 cơ quan huyện cùng tham gia chốt giữ. Theo đó, mỗi tổ 5 người (mỗi xã 1 - 2 người tùy sắp xếp) cùng tham gia cắm chốt ở các điểm nóng trong vòng một tháng. Cứ vậy luân phiên, xã này qua xã khác, tháng này qua tháng nọ. Và theo đó, bước đầu tình hình đã dần được khống chế.
Những người giữ rừng
Trong năm 2017, UBND huyện Bắc Trà My đã tiến hành 35 đợt truy quét khai thác khoáng sản trên địa bàn, qua đó phá hủy 49 lán trại, 1.550m bạt, 47 máy nổ, 29 cối xay đá, 19 cối dập đá, 6.200m ống dẫn nước, 11 máy khoan hơi, tịch thu 190 lít dầu diezen... ; đề nghị UBND tỉnh xử lý 4 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. UBND huyện cũng đã ra 4 quyết định xử phạt hành chính với các đối tượng, nộp vào ngân sách 121 triệu đồng. |
Khu vực Núi Kẽm - Suối Tre thuộc thôn 4 xã Trà Kót là nơi giáp ranh giữa huyện Bắc Trà My và xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh). Đây được biết đến là điểm nóng về khai thác vàng trái phép hơn chục năm trở lại đây. Bởi là khu vực giáp ranh nên việc kiểm soát tình hình rất khó khăn. “Đứng bên ni ngó sang bên tê đã là đất của Tam Lãnh rồi, mình lên thì họ chạy qua bên kia, hết phận sự của mình mất. Do đó anh em luôn phải túc trực cả ngày đêm” - anh Vũ, cán bộ phòng Tài nguyên môi trường huyện chỉ tay về phía đỉnh Núi Kẽm, nói thêm. Nơi đó chằng chịt ống nước, lán trại bị phá dỡ hay những hầm đã bị sập phân nửa. Nguyên cả ngọn đồi chỉ còn lơ thơ vài cây nhỏ, đó là hậu quả của việc lén lút khai thác vàng trong những năm qua.
Từ đỉnh Núi Kẽm đi bộ chừng mấy chục phút nữa mới đến nơi các anh đang tá túc. Theo anh Nguyễn Thanh Bình, cán bộ thị trấn Trà My, cứ mỗi tháng đến phiên trực, không ai bảo ai mỗi người mang một ba lô nhu yếu phẩm để vào rừng, chủ yếu vẫn là gạo, mỳ tôm và cá khô. “Muốn đem nhiều cũng chẳng được. Nặng, đường xa không cõng nổi. Chỉ mấy thứ quan trọng, rồi lên đây tìm thêm mớ rau rừng, con cá suối” - anh Bình nói. Cuộc sống khó khăn nơi rừng già chẳng thấm vào đâu so với những bất trắc mà các anh phải đối mặt. Có hôm mưa gió, cả một mảng lán trại đổ ập xuống, may mà không ai bị thương. Hay lúc anh Bùi Thế Hiển, công an viên thị trấn Trà My đang ngồi nấu cơm cho cả đội thì nghe tiếng loạt soạt ở sau lưng. Quay ra thấy một con rắn lớn đang trườn qua ngay phía sau. “Thấy nó sợ đến cứng cả người nên ngồi im, chứ mình mà đụng đậy là nó cắn ngay. Bị loại đó cắn thì không kịp ra khỏi rừng” - anh Hiển kể.
Chuyện ốm đau bất thường hay những tai nạn gặp phải khi đi tuần tra cũng thường trực với anh em ở nơi đây. Như anh Đinh Văn Hiếu, cán bộ xã Trà Tân vào ca trực đến ngày thứ 3 thì lên cơn sốt rét. Mọi người phải băng rừng, cõng Hiếu xuống cấp cứu. “Mỗi ngày được huyện hỗ trợ 150 nghìn đồng bao gồm cả tiền ăn, ngày tết được tăng thêm 50 nghìn đồng/người. Vì nhiệm vụ nên anh em động viên nhau cố gắng. Nhiều khi mưa gió bão bùng, lòng không yên vì ở nhà chỉ có vợ và mấy đứa con nhưng cũng đành chịu” - anh Nguyễn Nam, công an viên xã Trà Đông chia sẻ.
Mọi người vẫn không quên đợt mưa lũ vào tháng 11 vừa qua, khi anh Nguyễn Thanh Bình đang làm nhiệm vụ tại khu vực Núi Kẽm - Suối Tre. Ngôi nhà của anh ở tổ Đàn Bộ, thị trấn Trà My được đánh giá là kiên cố nên 3 người hàng xóm vội chạy qua đó để trú ẩn. Không ngờ, ngọn núi phía sau lưng nhà lại đổ ập xuống, 5 người, trong đó có mẹ, vợ và em trai của anh đã vĩnh viễn ra đi. “Tối hôm đó, trong lòng thấy như lửa đốt nên nói với các anh em trong tổ, ngày mai bằng mọi cách phải về nhà xem thế nào. Về đến nơi nhà cửa tan hoang, người thân không còn…” - anh Bình kìm tiếng thở dài nơi lồng ngực.
Cơn mưa chiều bất ngờ đổ ập xuống kéo chân chúng tôi trở lại lán. Bởi theo các anh em ở đây, ngoài việc nguy hiểm khi di chuyển trên nền đất bở thì vắt rừng cũng ken đặc khắp nơi. Đêm đó, chúng tôi ngồi sát vào nhau, kéo chiếc chăn mỏng để chống chọi với cái rét đang lùa tứ phía. Giọng anh Trần Minh Cảnh, xã đội trưởng xã Trà Đông chùng xuống, dài như đêm mưa trên đỉnh Núi Kẽm: “Nhiệm vụ mà!”.
Phóng sự NGUYỄN DƯƠNG