Chảy lại một dòng sông lụa

HỨA XUYÊN HUỲNH 17/02/2018 19:20

Người từng “gánh” lụa Việt ra thế giới giờ đang quay về với những biền dâu xứ Quảng, để phác thảo nên dòng sông lụa chảy giữa đôi bờ xanh ngắt…

Thôn nữ hái dâu ở Làng lụa Hội An. ảnh: H.X.H
Thôn nữ hái dâu ở Làng lụa Hội An. Ảnh: H.X.H

1. Lê Thái Vũ say sưa nói về câu chuyện “phục sinh” các biền dâu ven sông Thu Bồn. Ông chủ của Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đang theo đuổi ý tưởng lớn,  bắt đầu từ biển lụa Duy Xuyên - tên khu du lịch phía nam cầu Cửa Đại - cho đến các dự án thành phần cũng độc đáo không kém: biền dâu Gò Nổi, quê lụa Mã Châu, bảo tàng ươm tơ Giao Thủy, bãi dâu Đại Lộc…

Cũng “mượt mà” như lụa, dự án có quy mô vài ngàn tỷ đồng được viết bởi một tâm trạng háo hức. Lê Thái Vũ ví von khu du lịch biển lụa Duy Xuyên cần diện tích 100 ha như một nơi chốn nghỉ ngơi với nhà vườn dân dã, giữ lại nét kiến trúc Chăm… để phục vụ cho “Las Vegas” tại Việt Nam - dự án 4 tỷ USD Nam Hội An cách đấy không xa. Ở đó, anh muốn dựng nên bảo tàng nghề tơ tằm, có khu sản xuất thành phẩm tơ lụa, khu trình nghề, khu phục vụ lưu trú trải nghiệm, nhà thuốc, nhà hát và các khu hội nghị, spa, bán hàng, ẩm thực, nghiên cứu, vui chơi giải trí dân gian và hiện đại… Ở đó, có 3 mảng không gian quyện vào nhau: bảo tàng (giới thiệu con đường tơ lụa trên biển kết nối với các nước có nghề tơ lụa từng quan hệ xuất nhập khẩu ở thương cảng Hội An), tour trải nghiệm trình nghề - làng lụa, lưu trú du lịch trải nghiệm. Anh gọi đó là ý tưởng làm sống lại phần nào thần sắc của nghề tơ lụa trên vùng đất được coi là trung tâm tơ lụa Quảng Nam trong các thế kỷ trước, nơi sinh trưởng của Bà chúa Tàm tang Đoàn Quý phi.

Bên một khung cửi truyền thống được Lê Thái Vũ sưu tầm. Ảnh: H.X.H
Bên một khung cửi truyền thống được Lê Thái Vũ sưu tầm. Ảnh: H.X.H

Lâu nay, nhiều người biết đến Lê Thái Vũ và Làng lụa Hội An năng nổ kết nối các làng nghề tơ lụa Việt với thế giới bên ngoài. Kinh nghiệm trong việc gầy dựng Làng lụa Hội An (3ha) cho phép ông chủ họ Lê tự tin bắt tay vào dự án lớn có diện tích đang đề nghị nghiên cứu nhiều gấp hàng trăm lần. “Giờ tôi muốn quay về khai thác sâu hơn giá trị Việt” - Lê Thái Vũ chia sẻ. Trong hình dung của anh, chỉ cần qua khỏi cầu Cửa Đại, vệt không gian từ đó kéo mãi lên đến vùng Gò Nổi sẽ “mênh mông lụa”.
2. Những người mê lụa Việt có nhiều lý do để đau đáu về một thời quá vãng, nhất là nghề tàm tang xứ Quảng. Sách Ô Châu cận lục khắc in giữa thế kỷ 16 trong quyển 3, mục Điện Bàn có nhắc: “Mạc Châu nhiều vườn hồng/ Lang Châu nhiều lụa trắng”. Giáo sĩ Cristophoro Borri thì buông một câu trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” khiến người hoài cổ nuối tiếc: “Tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa”. Ở đoạn khác, C.Borri viết rằng người dân xứ Đàng Trong “có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày”. Vị giáo sĩ người Ý mô tả về những cây dâu cao lớn trồng ngoài ruộng, mọc lên rất chóng, còn tằm chỉ trong ít tháng là đưa ra nuôi ngoài khí trời và nhả tơ. Tơ lụa dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng, bán cho Nhật Bản và gửi sang nước Lào để đưa sang Tây Tạng...

Nhưng mấy trăm năm sau, theo thời gian, nghề trồng dâu nuôi tằm mai một dần. Các nhà nghiên cứu ghi nhận thời Pháp thuộc còn có mặt hàng tussor, sản phẩm lụa dệt từ sợi xe để may âu phục, và đến năm 1960 Quảng Nam vẫn sản xuất 500.000 mét lụa vân, the, nhiễu và tussor. Thế rồi, ngay đến nhà máy xe tơ Giao Thủy từng “ngốn” hàng ngàn tấn kén tằm Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An cũng im bặt. Lấy cột mốc năm 2001 trở về trước, loáng cái đã có gần 2.000ha dâu bị xóa sổ trên các bãi biền xứ Quảng.

Và rồi Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam của Lê Thái Vũ lên tiếng. Hồi tháng 3.2017, dự án lãng mạn nhưng không hề thoát ly kinh tế về một biển lụa tương lai đã manh nha. Giữa tháng 12.2017, chính quyền huyện Duy Xuyên đã “bật đèn xanh” đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ đầu tư triển khai dự án dòng sông lụa ở xã Duy Nghĩa. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi nghe chủ đầu tư trình bày dự án cũng đã thốt lên: “Một ý tưởng rất hay!”. Ông Thanh bảo dự án “rất hay” ở chỗ kết hợp kinh tế với văn hóa, lịch sử và nhìn thấy tương lai của liên kết chuỗi giữa nhà nông – doanh nghiệp. Cây dâu “bén rễ” trở lại ven Thu Bồn không chỉ mang tính biểu tượng, mà dưới con mắt của các chuyên gia nông nghiệp, rễ dâu bám rất sâu giúp giữ đất tốt, chống xói lở. Câu chuyện còn lại là nghiên cứu thật kỹ diện tích, xem có nên chọn làm trước ở cái “nôi lụa” Duy Xuyên hay không… “Chính quyền sẽ tạo điều kiện để ý tưởng này được cụ thể hóa trên thực tế. Tôi biết sẽ rất khó, nhưng hy vọng dự án sẽ thành hiện thực” - ông Lê Trí Thanh nói.
3. Lê Thái Vũ đã kịp rút tỉa kinh nghiệm “kinh doanh hóa” nghề tàm tang từ các nước. Doanh nghiệp của anh cũng đang hợp tác tốt với người Nhật. “Các nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… đã kết hợp để làm ra chế phẩm từ dâu tằm. Họ làm từ 10 năm trước, còn mình thì chưa” - Lê Thái Vũ nhắc đến các loại bánh kẹo dâu tằm, xà phòng dâu tằm… đầy hào hứng. Anh có những bước đi cụ thể, như mở văn phòng tại Tokyo và chia thị phần với Bảo Lộc (Lâm Đồng) khi người Nhật đã khởi sự hợp tác tại cao nguyên này.

Những người trong cuộc đang phác thảo diện mạo “mênh mông lụa” ở xứ Quảng, có cả vệt lưu thông đường thủy kết nối biển lụa Duy Xuyên với biền dâu Gò Nổi, bảo tàng Giao Thủy, bãi dâu Đại Lộc. Gợi ý ấy nhắc nhớ về một “bến đò tơ” Giao Thủy, hay thoáng hiện làng lụa Mã Châu vang bóng mấy trăm năm trước và chờ xem biền dâu bát ngát xanh ven sông Thu Bồn, Vu Gia. Khi đó, các hoạt động trình nghề như trồng dâu trên ruộng, nuôi tằm, ươm tơ, xe chỉ, dệt vải, may đo… sẽ kỳ vọng trả lại cho quê lụa tiếng thoi đưa. Rồi đến lượt chính tiếng thoi đưa ấy tạo ra sinh kế mới.

Tiếng hát cô thôn nữ bên biền dâu Thu Bồn từng thấm đẫm huyền sử dân gian và làm nên danh phận Bà chúa Tàm tang. Hoạt cảnh cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc gặp thế tử Nguyễn Phúc Lan bên biền dâu trong đêm trăng sáng cũng được tính đến cho tour trải nghiệm sau này. Sực nhớ ca khúc “Bài thơ quê lụa” nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng viết có đoạn như nói hộ nỗi niềm của những người đang mải mê gầy dựng biển lụa. Hát rằng: “Trẩy hội lên Thu Bồn, người về trong mùa xuân, tiếng trống chầu nhịp theo tiếng chiêng/ Nhìn màu lụa vàng ươm, từ biển lên trên nguồn, người sẽ hiểu thêm tâm hồn Quảng Nam”.

Bao giờ xứ Quảng mới trẩy hội lụa mùa xuân và chảy lại một dòng sông lụa?

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH