Mackay – những nét duyên ngầm
Mackay thuộc bang Queensland, Úc không phải là cái tên có mặt trên bản đồ du lịch quốc tế. Tuy nhiên, thành phố này vẫn có những nét duyên ngầm, riêng biệt mà chúng tôi đã khám phá trong một lần đến đây vào cuối năm 2017.
Đường đi uốn lượn ở ngoại ô Mackay, xa xa là biển. |
Bãi biển đó có tên là Blacks Beach - Bãi biển Đen. Không hiểu sao họ đặt cái tên như thế, chớ cát thì vàng, nước lại trong xanh, nào giống nước tối sẫm của Black Sea - Biển Đen, một vùng biển nguy hiểm tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Gruzia.
Bãi biển Đen nằm ở Mackay thuộc bang Queensland, miền Bắc nước Úc. Từ nhà của Michelle, con riêng của anh rể tôi, ở ngoại ô Mackay, ra đó chỉ chừng 10 phút. Đường đi ngoằn ngoèo, lên dốc xuống đồi, uốn lượn giống như Đà Lạt. Nhưng Mackay, tuy ở miền Bắc nhưng lại nóng, nên cây cối... giống y như miền Nam nước Việt mình: nào là xoài, ổi, mãng cầu, tre trúc, nào là hoa giấy, hoa trang, hoa dâm bụt …
Bãi biển Đen mùa này - sắp đến Tết Tây - vắng lặng, chỉ thấy vài người Úc thôi. Cái vòng cung ôm bãi biển trông giống như vòng cung ôm bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Khác chăng là không hàng quán gì, chỉ thưa thớt một vài căn nhà, nhưng cách bờ biển cũng phải đến năm bảy chục thước. Rõ ràng họ muốn giữ cho môi trường sạch đẹp, không bị xâm hại bởi con người.
Trời nắng nóng, người dân Mackay thích vào các khu thương mại; hơn nữa, còn để mua sắm cho ngày lễ tết. |
Trước khi xuống bãi biển, ai ai cũng đọc được một cái bảng khuyến cáo rằng, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, sứa sẽ lên nhiều nên phải cẩn thận nếu tắm biển. Lỡ đụng vô chúng, nhẹ thì bị ngứa - khó chịu lắm, nặng thì bất tỉnh cần được cấp cứu ngay. Cấp cứu đây là thổi hơi vào miệng người bị nạn. Những dòng chữ trên bảng nói rằng cứ tiếp tục cho tới khi xe cấp cứu tới, đừng buông bỏ. Nhiều người mất mạng chỉ vì người cấp cứu không tiếp tục thổi hơi vào miệng, cho rằng đã làm hết sức rồi.
Ở nhà, Michelle cũng cho biết như thế, nói thêm rằng những tháng đó thì không nên tắm. Thật ra, những người Úc thấy trên bãi biển cũng chỉ đi dạo mà thôi.
Còn có cái bảng khác nói rằng quanh năm phải coi chừng rùa biển, đặc biệt là trứng của chúng, bởi chúng luôn lên bãi biển này để đẻ. Khuyến cáo này cũng rõ ràng là nhằm gìn giữ cho loài rùa này sinh sôi nẩy nở, bảo vệ môi trường sống cho chúng, tạo thêm nét hoang dã cho bãi biển Đen.
Khi xuống bãi biển, nhìn ra xa xa ngoài kia sẽ thấy những trái banh nổi lên. Ros, chồng của Michelle, nói rằng những trái banh đó là nhằm giữ cho những tấm lưới sắt thỏng xuống, chạm đất để ngăn cá mập bơi vào bờ.
Rồi Ros chở chúng tôi tới một bãi biển khác gần đấy. Anh cho biết, khi nước rút - thường vào buổi chiều tà, có đoạn người ta có thể đi bộ “ra khơi” được. Và nói thêm: “Mỗi khi rảnh rỗi, Michelle cùng tôi thường ra chỗ này đi bộ với mọi người”.
Hẳn đây cũng giống như một đoạn biển Vũng Tàu trên đường Hạ Long, chỗ ra đảo Hòn Bà: khi nước rút, ai ai cũng đi bộ ra viếng Miếu Bà được. Tuy nhiên, có khác là đường đi đá lởm chởm, đầy hàu, không cẩn thận có thể bị vỏ hàu sắc bén cắt vào chân.
Mackay là một thành phố biển, mà theo thống kê có tới 31 bãi biển, quanh năm nắng nóng và ẩm ướt, khá khó chịu. Tại Mackay, có Đại học James Cook và phân hiệu của đại học Central Queensland University. Hai trường này đều đã thu nhận sinh viên từ Việt Nam, và hiện giờ vẫn tiếp tục quảng bá nhằm thu hút thêm nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa. Đương nhiên giống như nhiều nơi trên đất nước Úc, Mackay cũng có Tafe, một loại trường cao đẳng kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn từ 6 tháng đến 2 năm (so với đại học 3 năm), dành cho sinh viên không muốn vào đại học hoặc không thi đậu đại học.
NGỌC TRÂN