Lễ cúng ở vùng ba sông
Dịp tết, người dân ở vùng ngã ba sông Tam Kỳ có nhiều lễ cúng rất đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Chúng tôi xin giới thiệu về mấy nghi lễ cúng đầu năm được ghi lại theo hồi ức của một số bậc cao niên tại các làng ven sông ở Tam Kỳ.
Bến ghe trước miếu Bà xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.Ảnh: PHÚ BÌNH |
Cúng Miếu Bà ở làng Quảng Phú
Cư dân sông nước ở vùng ngã ba sông Tam Kỳ thuộc vạn Tân Hội, làng Quảng Phú, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ xưa (nay là xã Tam Phú) có lệ cúng ở miếu Bà vào ngày đầu năm âm lịch. Miếu này thờ Bạch thố Kim tinh thần nữ, ông Nam Hải và một số vị thần khác theo tín ngưỡng của cư dân sông nước. Từ ngày 23 tháng Chạp có dựng nêu trước cửa miếu. Không giống tục dựng nêu ở các vùng nông nghiệp khác gần đó, cây nêu ở miếu Bà vạn Tân Hội chỉ treo vỏn vẹn một lá cờ đuôi nheo. Ngay ngày đầu năm, ngư dân trong vùng tập trung tiến hành lễ cúng. Phẩm vật gồm gà, xôi, bánh… Nghi thức cúng và đọc văn cúng (gọi là chúc văn) cũng giống như các lễ cúng tết của cư dân nông nghiệp quanh vùng, chỉ khác là đến sau ngày hạ nêu một ngày, ngư dân trong vạn lại tập trung đến miếu Bà cúng vái và tiến hành nghi lễ Cầu ngư để thuyền bè vào mùa đánh cá; tất cả thuyền đánh cá trong vạn xếp san sát ở bờ sông hướng mũi thuyền vào cửa miếu Bà. Vào ngày này (8 tháng Giêng âm lịch) cả vùng ngã ba sông Tam Kỳ rộn ràng cờ xí, dân các làng tập trung đến ba bên bờ sông xem đua ghe, chiêng trống, thanh la gióng lên náo nhiệt. Sau bận đua, các thuyền quay mũi hướng về ba nhánh sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, Kỳ Phú (còn gọi là Quảng Phú) tiến hành mẻ lưới đầu năm. Ngày này cũng là ngày chính thức kết thúc mấy tháng “đút chèo vô bụi” sau mùa đông không mấy thuận lợi cho nghề sông nước thời xưa.
Miếu Bà - vạn Tân Hội xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. |
Xưa, vào những dịp cúng ở miếu Bà, đại diện dân vạn Tân Hội thường biện lễ vật đến khấn ở nhà thờ tiền hiền (họ Trương) làng Quảng Phú để tri ân tộc họ này đã nhường đất cho vạn sông nước có chỗ ngụ cư. Phẩm vật của lễ này tuyệt đối không có con gà trống, lý do là tộc Trương kiêng cúng gà trong lễ cúng ông tiền hiền. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc ông tiền hiền tộc Trương đặt chân đến vùng ngã ba sông Tam Kỳ vào đúng lúc gà gáy sáng, nên hậu duệ kiêng giết gà vì “không muốn tắt tiếng gáy từng báo điềm lành cho người đi mở đất”.
Cúng ông Chuồng bà Chuồng ở làng Bích Ngô
Làng Bích Ngô, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ xưa (nay là thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) có lưu truyền câu chuyện kể dài về sự tích “ông Chuồng bà Chuồng” tóm tắt như sau:
“Xưa, ở một làng quê nọ có hai vợ chồng già rất nghèo. Gặp năm đói kém, đêm đêm họ lẻn đến các chuồng heo nhà giàu, bòn nhặt mớ cháo cám heo còn thừa ăn cho đỡ đói. Một đêm, có chủ nhà phát hiện hai bóng đen, cho là kẻ trộm, đã lỡ tay đánh chết cả hai vợ chồng. Muốn giấu nhẹm, chủ nhà đào huyệt cạnh chuồng heo, chôn hai kẻ bất hạnh ngay trong đêm. Sau đó, đêm nào anh ta cũng chiêm bao thấy nạn nhân hiện về đòi mạng. Cầu cúng mãi không hết, sợ quá, bèn khai báo mọi chuyện với quan. Sau khi tra xét, thấy anh ta ngộ sát và thật sự ăn năn, quan bảo: “Lâu nay đói kém lan tràn, dân tình khó khổ, ta không có cách chi cứu tế kịp thời, trách nhiệm một phần cũng thuộc về ta. Nay ngươi, tuy không cố ý, nhưng cũng đã gây ra án mạng. Xét ngươi thành tâm muốn chuộc tội, chuyện lại xảy ra trong cơn đói chết người, nay ta không truy cứu nữa! Nhưng ngươi phải sửa sang mồ mả nạn nhân cho chu đáo, hàng năm kỵ giỗ cúng tế thành tâm”. Vì không biết danh tính nạn nhân, quan đặt tên cho họ là “ông Chuồng, bà Chuồng” để kẻ thờ tự tiện bề khấn khứa. Chủ nhà y lời. Từ đó, hồn nạn nhân không còn hiện về đòi mạng nữa, mà lạ thay, heo trong chuồng ngày một béo tốt. Chuyện lạ lan ra khắp làng, ai nấy cũng bắt chước cúng “ông Chuồng bà Chuồng” để mong cho gia súc trong nhà chóng lớn”.
Câu chuyện huyền hoặc này có lẽ được đặt ra để giải thích lệ cúng cầu cho gia súc mau ăn, chóng lớn. Lễ cúng ông bà Chuồng (còn gọi là “lễ cúng chuồng” hoặc “tết trâu bò, tết heo”) ở vùng nông nghiệp ven ngã ba sông Tam Kỳ thường tiến hành sau “lễ đưa ông bà” vào mùng Ba hoặc mùng Năm tết. Phẩm vật cúng gồm một bát đường đen, một dĩa xôi, một cái bánh tráng cùng giấy cúng (giấy tiền hoặc giấy vàng bạc). Sau khi cúng trước cửa chuồng, bát đường được chặt làm tư và gia chủ nhét vào miệng trâu bò “làm phép”. Gia chủ lấy một tờ trong xấp giấy đã cúng dán ngay trước cổng chuồng, quay mặt ra trước.
Lễ cầu Bông ở làng Phú Hưng
Làng Phú Hưng xưa (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) là một làng được thành lập từ cuối thế kỷ 15. Khởi thủy, làng có tên là Tân Khương, sau cải thành Phú Khương, đến thời Gia Long, do kỵ húy, lại đổi tên thành Phú Hưng. Ở phía tây bắc của làng có nền một ngôi tháp Chăm đã sụp đổ mà người địa phương quen gọi là là Tháp Một. Phế tích này cách cụm tháp Khương Mỹ về phía đông nam khoảng 1km. Tại ngôi làng cổ này đã có một lễ cầu được mùa diễn ra hằng đầu năm trên nền phế tích Tháp Một. Đến giữa thế kỷ 20, nghi lễ ấy đã không còn được tiến hành nữa nhưng ký ức của các lão nông địa phương vẫn còn ghi lại một số nét khá khác với lễ cầu Bông thường gặp tại các địa phương khác ở Quảng Nam.
Hàng năm, vào sáng ngày 14 tháng Giêng, những gia đình có nuôi trâu bò trong làng chuẩn bị mỗi nhà một mâm lễ vật đem đến đặt tại địa điểm này. Sau khi trình lễ với “ông từ” có nhiệm vụ hương khói ở một ngôi miếu nhỏ dựng tại trung tâm nền tháp, các tế chủ đặt mâm thành từng dãy theo thứ tự người đến trước sau. Mâm lễ của từng gia đình gồm các món thức ăn được quy ước giống nhau: một dĩa cá sông nướng chín, một dĩa cua nướng hoặc tôm nướng, một quả trứng vịt luộc, một dĩa rau đắng trộn ruột ốc đá và một dĩa xôi. Tất cả đều không được nêm muối. Lại thêm mấy thứ không thể thiếu là một gói hạt nổ, một nhúm muối sống, một đoạn trúc nhỏ tạo dáng cây đòn xóc gánh lúa xâu hai đầu mấy bánh bột nếp nắn thành dạng thu nhỏ hình chiếc bánh xe. Các thức cúng kể trên đều được lót lá chuối, không dùng mâm và đặt ngay trên đất.
Khi mọi người tề tựu đông đủ, ông từ giữ miếu đốt đèn, thắp nhang rồi bước lên vị trí chủ tế đọc bài văn cúng. Bài văn này được cho là đã truyền từ nhiều đời. Theo một số lão nông địa phương, lời bài văn cúng này có nhiều từ mang âm hưởng tiếng Phạn trong kinh Phật và hoàn toàn khác với bài văn đọc trong các lễ cúng Tá thổ và Cầu an phổ biến ở vùng đất Tam Kỳ nay vẫn còn truyền.
Đọc bài văn và khấn xong, ông từ dùng tay bốc tượng trưng một ít thức cúng đặt vào bệ thờ trong miếu, bốc hạt nổ rải tứ phương… Sau đó, ông lấy biểu tượng “đòn xóc - bánh xe” giao cho các gia chủ mang về đặt trong bồ lúa nhà mình. Dịp này, trẻ chăn trâu bò trong làng được gọi đến để dùng các thức cúng còn bày trên lá chuối, tất cả đều được bốc bằng tay và không thức nào được mang về.
Biểu tượng “Đòn xóc - bánh xe” được mang về phơi khô rồi đặt trên bồ lúa từng nhà và giữ trọn năm với ước mong thời tiết thuận hòa, canh tác thuận lợi, thóc lúa chở về đầy nhà, trâu bò khỏe mạnh…
PHÚ BÌNH