Qua Thạch Tân

GIA KHANG 14/02/2018 16:11

Ít có ngôi làng nào ở Quảng Nam còn giữ được cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử… đặc biệt là sự hồn hậu, chân chất của người dân như làng Thạch Tân, nơi có địa đạo Kỳ Anh.

Du khách khám phá địa đạo Kỳ Anh.Ảnh: GIA KHANG
Du khách khám phá địa đạo Kỳ Anh.Ảnh: GIA KHANG

Làng Thạch Tân (Tam Thăng, Tam Kỳ) có lịch sử hơn 300 năm, nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống. Kể từ khi địa đạo Kỳ Anh phát triển du lịch, khách đến làng nhiều hơn. Tham quan Kỳ Anh du khách không chỉ khám phá lòng địa đạo, cảm nhận sự kiên cường của quân và dân nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn được trải nghiệm khung cảnh làng quê, làng nghề cùng nét nguyên sơ của một ngôi làng điển hình nông thôn xứ Quảng, bao năm qua dường như không hề thay đổi.

Nét quê hồn hậu

Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn và cũng là một hướng dẫn viên quen thuộc của làng kể rằng, ngày xưa làng Thạch Tân gồm 3 xóm tương ứng đó là 3 cây cổ thụ trong làng. Phía đầu làng là cây rõi, cuối làng là cây trâm và giữa làng là cây sơn mã, sau này 2 cây trâm và sơn mã chết chỉ còn lại cây rõi, trở thành chứng nhân bao thăng trầm đau thương của mảnh đất này. “Nói đến Thạch Tân là nói đến nghề dệt chiếu. Hồi đó, dọc bờ sông Bàn Thạch cây cói, cây đay được trồng rất nhiều, cả làng lúc nào cũng rộn ràng khung cửi nhưng bây giờ nghề cũng mai một hết mấy phần rồi” - ông Ta tâm sự. 

Chiều quê. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Chiều quê. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Du lịch phát triển, việc khôi phục nghề dệt chiếu truyền thống cũng mang đến những kỳ vọng mới nhằm không chỉ níu giữ “hồn cốt” của làng mà còn hướng đến xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa, sinh thái địa phương, dù việc khôi phục làng nghề vẫn chưa như mong muốn. Cây rõi với những câu chuyện lịch sử của mình cũng trở thành một phần của hành trình du lịch, mang đến cho khách những thích thú và kinh ngạc về sức sống mãnh liệt của làng. “Khách sau khi tham quan địa đạo sẽ được tôi dẫn vào làng xem bà con dệt chiếu, để hiểu hơn cái nghề mà người dân nơi đây gắn bó bao đời nay. Khách cũng có thể mua một số sản phẩm của Tổ hợp tác làng nghề như giỏ, mũ, đựng bút được đan bằng cói mang về làm quà” - ông Ta cho biết thêm. Trong số 262 hộ dân của làng, gần 100 hộ vẫn còn theo nghề dệt chiếu, chủ yếu là người lớn tuổi vì lớp trẻ ít mặn mà. Họ làm như níu giữ nghề trong lúc nông nhàn cùng những hy vọng về một ngày làng nghề hồi sinh phục vụ du lịch.

Chiều, khi những du khách đã dần rời khỏi làng, Thạch Tân bình yên đến lạ. Những con đường trở nên vắng vẻ, thi thoảng bắt gặp vài phụ nữ gánh rau từ bãi bồi về làng, gặp khách ai cũng cười chào thân thiện như những người quen biết. Sự hiếu khách dường như đã trở thành mỹ tục của dân làng. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh cụ bà Nguyễn Thị Bông (77 tuổi), miệng cười móm mém mời khách ăn khoai, sắn luộc, uống nước chè xanh khi đến địa đạo Kỳ Anh. Trong suy nghĩ của bà, khách thăm làng cũng như đến thăm nhà!.

Mơ về tương lai  

Làng Thạch Tân không xa phố thị Tam Kỳ, càng gần hơn với Hội An, Đà Nẵng khi tuyến đường ven biển hình thành. Tham quan làng, khách không chỉ khám phá địa đạo Kỳ Anh, đình Thạch Tân hay chùa Bửu Sơn mà còn được trải nghiệm những hoang sơ của Bãi Sậy Sông Đầm cận kề. Thời gian qua một vài dự án đã và đang được xúc tiến đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như trồng cây sưa, trồng hoa giấy trước mỗi nhà để hình thành lên những con đường hoa; vận động người dân di dời chuồng trâu bò ra phía sau nhà, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp… trở thành tín hiệu vui giúp việc giữ gìn các giá trị văn hóa sinh thái của làng tốt hơn. Đặc biệt, một dự án khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng làng Thạch Tân đang được Công ty Evergreen Labs (Đà Nẵng) tiến hành triển khai, qua đó đưa ra các đề xuất cho thành phố và UBND tỉnh như trang bị, đầu tư cơ sở hạ tầng và kỹ năng; cơ cấu quản lý du lịch cộng đồng; thu thập câu chuyện và xây dựng chương trình du lịch; hậu cần và tiếp thị… với những cam kết đầy hứa hẹn về tạo sinh kế  người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái và giáo dục thế hệ trẻ.  

Đề án phát triển du lịch thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2018 -2020 định hướng đến năm 2025 cũng hướng khu vực này phát triển theo một số loại hình như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn với các dịch vụ giải trí cao cấp. Trong đó, dự án ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với hàng loạt mục tiêu như bảo tồn sinh thái Bãi Sậy Sông Đầm gắn với làng nghề chiếu cói Thạch Tân; phát triển nông nghiệp đô thị, khôi phục làng nghề…; trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích địa đạo Kỳ Anh; phát triển dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách tham quan; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hình thành khu sân golf, thương mại dịch vụ du lịch, biệt thự hồ Sông Đầm….

Làng Thạch Tân đang được đánh thức hứa hẹn mở ra những cơ hội thay đổi, nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn còn âu lo về những tác động bên ngoài khi du lịch phát triển, nếu không khéo sẽ phá vỡ không gian làng, làm mất đi những giá trị nhân văn và thiên nhiên nơi đây. Giữ làng nguyên sơ với những quy hoạch phù hợp để làng không chỉ là điểm đến khám phá một di tích lịch sử quốc gia mà còn là nơi để trải nghiệm, cảm nhận những giá trị văn hóa sinh thái độc đáo. Như tâm sự của ông Huỳnh Kim Ta lúc chia tay. “Làng làm du lịch ai cũng vui vì bà con rất tự hào về làng mình nên khách đến họ quý lắm. Du lịch phát triển là mừng nhưng nói không lo cũng chưa đúng, rất nhiều chuyện từ vệ sinh, cảnh quan đến nếp sống, văn hóa người dân… vì làng mình bao đời nay nó vậy rồi, bây giờ khách đến nhiều chỉ sợ biến đổi, nếp sống làng thay đổi. Nếu không khéo gìn giữ, nhất là những giá trị tốt đẹp của làng thì tiếc lắm”.

GIA KHANG

GIA KHANG