"Nhà văn hóa lịch lãm"
Đó là biệt danh mà nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng tặng cho ông. Ông, dáng người nhanh nhẹn, nụ cười luôn thân thiện và thêm một chút hóm hỉnh, cùng mái tóc bạc mà bạn bè hay gọi vui là “Gã đầu bạc”. Vả lại, ở vị trí đòi hỏi phải tiếp xúc, làm việc với đủ tầng lớp người, từ giáo sư - tiến sĩ, chính khách cả ta lẫn tây, du khách “hợp chúng quốc”, dân phố cổ, cho đến văn nghệ sĩ, ông lịch lãm cũng là điều dễ hiểu.
Ông Võ Phùng. |
1. Ông là Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Hội An. Ông nói, biệt danh trên là do ông Hạng quý mà nói quá, “chứ tôi chỉ là người làm công tác văn hóa thôi. Tôi có niềm đam mê với các hoạt động sự nghiệp, hoạt động phong trào về văn hóa. Mà Hội An chính là mảnh đất đầy nội lực văn hóa và cũng rất rộng mở để tôi có “đất diễn”, có thể đóng góp hết khả năng của mình”.
Bao lần lễ lạt tại Hội An, gặp, tôi đều thấy ông tất bật, chạy đôn đáo. Anh em báo chí quý ông, cứ điện, rồi gặp là kéo ông lại, hỏi han. Vì ông là “đầu nguồn” tin tức, nắm rõ nhiều thứ, thuộc làu như lòng bàn tay, hỏi đâu nói đó. Mỗi năm Hội An có cả chục lễ hội lớn nhỏ - kể các các sự kiện tầm vóc quốc gia, quốc tế, hầu như ông đều là phó ban tổ chức thường trực, chỉ đạo anh em ở trung tâm lo từ A tới Z. Mà ông cũng là “cha đẻ” của nhiều lễ hội giờ đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch mang thương hiệu của vùng đất di sản này. Nói đến Phố đi bộ hay Phố đêm, thì đã quá quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Nhưng ít ai biết, ông đã “thai nghén” các sáng kiến này và lập đề án, tổ chức thực hiện. Ngay từ năm 1995, lúc đó Hội An vẫn còn là một “thị trấn dưỡng già”, du lịch mới lèo tèo vài trăm khách, thì ông đã có ý tưởng tổ chức phố đi bộ. Sau nhiều bàn cãi, đến năm 2002 đề án Phố đi bộ mới được phê duyệt và đến năm 2004 chính thức hoạt động.
Đặc biệt, sản phẩm “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” (gọi tắt là “Đêm phố cổ”) mà ông là người chủ trì nhóm thiết kế nội dung và tổng đạo diễn. Đêm phố cổ đã trở thành một sự kiện tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người thưởng lãm, đã thực sự trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân Hội An cũng như du khách trong nước và quốc tế và không dễ gì một sản phẩm du lịch văn hóa sống bền và hoạt động đều đặn suốt 20 năm qua.
2. Võ Phùng là người trực tiếp tham mưu, đề xuất cho tỉnh trong việc thiết kế các chương trình Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ I (2003) đến lần thứ thứ III (2007) với nhiều nội dung chương trình đặc sắc, như nghệ thuật sân khấu hóa trên sông, Carnaval đường phố “Sắc màu di sản Quảng Nam”, trình diễn đường phố “Giao hòa nghệ thuật ASEAN”… Bằng mối quan hệ ngoại giao của cá nhân, ông đã trực tiếp được làm việc với Hiệp hội Interkultur - Đức và đề nghị tổ chức Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam tại Hội An...
Ông kể: “Quan sát phố cổ về đêm quá buồn tẻ. Trong khi đó một số hãng lữ hành, một số đơn vị làm du lịch tranh thủ đưa khách vào phố cổ ban đêm đi qua quýt coi như xong một tour tham quan. Như vậy, vừa gây mất uy tín về giá trị của khu phố cổ, vừa làm cho thành phố không thu được tiền vé, đặc biệt là giữ chân du khách lưu trú qua đêm. Thấy vậy, tôi đã đề xuất thành phố triển khai thực hiện đề án “Mở rộng nội dung và thời gian phục vụ khách tham quan vào ban đêm” (gọi tắt là “Phố đêm”) từ năm 2010. Từ đó, phố ban đêm đã đẹp ra, sinh động hơn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tham quan của du khách, nhân dân có cơ hội thu nhập với các hoạt động ẩm thực, dịch vụ, tạo được sản phẩm mới cho các hãng lữ hành”.
Ông là người khiêm tốn. Chưa từng thấy ông lên báo với tư cách một chân dung nhân vật đầy đặn, dù nhiều nhà báo đặt vấn đề thì ông đều gạt đi. Lý do, ông nói “đó là công sức của nhiều người, các anh lãnh đạo thành phố, nhân dân, rồi đội ngũ nhân viên lành nghề ở trung tâm đóng góp rất lớn mới thành sự”. Nhớ hôm gặp ông, tôi ngỏ lời muốn viết về ông, ông bảo, ráng đợi sau khi nghệ thuật bài chòi được công nhận Di sản văn hóa thế giới (lúc đó hồ sơ đã đệ trình, có kế hoạch xét), ông sẽ trả lời. Ông nói, bài chòi là tâm huyết nhiều năm của ông, và đã thành công trong việc đưa loại hình này trở lại với công chúng, hơn thế nữa, trở thành một sản phẩm du lịch của Hội An.
3. Sinh năm 1959 ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), Võ Phùng trải qua thời gian đi nghĩa vụ quân sự, rồi chuyển ngành về Hội An, đến năm 1985 thì được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà văn hóa Hội An (nay là trung tâm văn hóa - thể thao), và giữ chức này cho đến nay. Mà cũng hiếm có trung tâm văn hóa cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh nào “đa năng” như Hội An, đảm nhận gần như tất cả hoạt động văn hóa - nghệ thuật, du lịch văn hóa ở phố cổ, với lễ lạt liên miên, rồi các hoạt động phong trào rất đầy đặn và chất lượng của Hội An. Quản lý công việc bề bộn đó và lo cho cuộc sống của hơn 200 người với đủ các chuyên môn từ có tên đến không tên, công nhân, bán vé, kỹ thuật, nhạc sĩ, nhạc công, nhà văn, nhà biên kịch…, không phải chuyện đơn giản. Ông nói, phải nghĩ ra việc để mà làm, để anh em có thu nhập ổn định, sống bằng chính nghề cao quý của mình. “Để làm được như vậy, thì cái gì tôi cũng phải học, dù không giỏi, nhưng phải biết để quản lý tốt hơn”.
Tôi đùa, hơn 30 năm làm giám đốc trung tâm, chắc khó ai vượt qua “kỷ lục” này. Ông cười, cho biết đã từng có những cơ hội khác đến với ông, ở các chức vụ quản lý cao hơn… nhưng ông đều xin được ở lại với công việc phù hợp với năng khiếu, sở trường của mình. Ông nói, mình đam mê hoạt động chuyên môn, đặc biệt là hoạt động sự nghiệp và phong trào ở Hội An có rất nhiều sự cuốn hút, ông yêu thích sự năng động của vùng đất này mất rồi. Ông tự nhận mình là người “phải lòng với cuộc sống”. Ông bày tỏ: “Quan niệm của tôi về công việc là lòng tự trọng và sáng tạo không ngừng. Khát khao cống hiến cho cuộc sống. Triết lý của tôi là lao động, lao động và lao động”.
TRƯƠNG TÂM THƯ