Thoáng xa hình bóng quê nhà

Ghi chép của XUÂN THỌ 12/02/2018 13:40

1. Anh Lê Văn Minh đón tôi từ tận quốc lộ 1. Chào nhau rất nhanh, anh nói: “Anh chở em qua nhà dượng Bốn nghe, dượng vô đây sớm, nên biết nhiều chuyện lắm”. Dượng Bốn của anh Minh, tên đầy đủ là Hồ Chơn, gốc gác ở thôn 3, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) hiện sống tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Khi chúng tôi đến, ông cùng vợ là bà Lê Thị Nhượng đang chăm cháu nội. Thằng bé bị đau, khó chịu, nên hay khóc ngắt quãng. Chắc được nghe anh Minh nói trước và ít nhiều đoán được điều tôi sắp nói, ông Chơn mở chuyện: “Khổ quá phải đi, kiểu đi kinh tế tự do ấy, đâu hồi năm 1984. Trước khi vô, làm chuyến thăm dò trước, cũng may là đã có người Quảng mình trong này rồi”. Tôi hỏi: “Hồi đó, khi bác quyết định đi, bác gái có chịu không?”. Ông Chơn chưa kịp trả lời, đang ngồi đẩy võng ru cháu ở nhà dưới, bà Nhượng vọng lên: “Chịu chớ sao không chịu”.

Vợ chồng ông Hồ Chơn, quê Duy Xuyên, hiện sống tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: XUÂN THỌ
Vợ chồng ông Hồ Chơn, quê Duy Xuyên, hiện sống tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: XUÂN THỌ

Hơn 30 năm trước, vợ chồng ông Chơn khăn gói mang 3 đứa con trai nheo nhóc rời bỏ quê nghèo chỉ với một ý niệm duy nhất, là quyết tâm thoát khổ. Thời đó, vùng đông Quảng Nam bạt ngàn là cát. Cái thuở chỉ biết bấu víu vào nông nghiệp, mà sống trên nền cát, chỉ có cái đói là hiện hữu. “Nên mới đi đó. Một phần mình chỉ muốn bớt khổ, còn phần lớn là để mấy thằng con nó được đủ đường học hành, chớ không thể hết cha tới con, rồi đến cháu vùi đầu trong khó khăn mãi” - ông Chơn nói như cắt nghĩa. Rời khỏi quê nhà, chưa bao giờ là điều dễ dàng, mà nếu không nghĩ đến cho con cháu, thì giữa quyết tâm đến hành động đôi khi xa vời vợi. Nói vậy, không phải vô Bình Thuận là sướng ngay, mà cũng phải trải qua dặm trường trần ai. Sau 10 năm, từ đất đai tốt hơn, khí hậu thuận lợi, cùng với tâm thế không quản nhọc nhằn, người Quảng trên đất Bình Thuận mới vơi đi nhiều gian khổ.

Không biết bọn trẻ bây giờ sao, chứ cái tuổi bọn tôi, nghe hô bài chòi là thấy nôn nao trong lòng. Nhiều đêm đang ngủ, xa xa nhà ai mở bài chòi vẳng đến, là giật mình dậy không ngủ được, nhớ quê. Sáng ra, thèm tô mỳ Quảng! (Ông Hồ Chơn tâm sự)

2. Từ ngoài đầu ngõ, một giọng Quảng ngoái vào: “Thanh long chong đèn mấy đêm rồi anh Bốn?”. Ông Chơn đáp: “Cũng được mấy đêm rồi. Vào làm miếng nước trà đã”. Anh Minh ngồi bên cạnh, ngoắc nhỏ: “Đó là chú Triền, quê ở bến cá An Lương, xã Duy Hải”. Ông Triền vô trước ông Chơn 2 năm. Hồi đó đang tuổi thanh niên, thích lang bạt kỳ hồ. Vào huyện Hàm Thuận Nam này, ông Triền ở với cậu. Đến tuổi, ông trở về quê để đi bộ đội. Rời quân ngũ, năm 1990, ông lấy vợ, rồi dắt díu nhau vào đây lại. “Chớ ngoài mình toàn cát, chẳng biết làm chi. Đi biển thì tàu nhỏ xíu, bấp bênh lắm” - ông Triền giải thích. Từ nơi chỉ toàn là cát vào vùng đất đỏ phì nhiêu, trăm người như một, bắt đầu với đủ thứ nghề, rồi quăng quật với cuộc đời cho đến khi “gặp” cây thanh long mới khá, mới giàu lên được.

Ép thanh long ra trái mùa
Ông Chơn nhẩm tính, mốc thời gian bén duyên với cây thanh long, đâu gần 20 năm trước. Còn thật sự mà nói “sống khỏe” nhờ loại cây này mới tầm 12 năm trở lại đây. Chỉ cần chăm cây cho khỏe, cành cho đẹp là trái ra nhiều. Cũng vì dễ trồng mà cho thu nhập cao như thế, nên hầu như khắp tỉnh Bình Thuận đổ xô trồng thanh long. Cung vượt cầu, giá cả rớt thê thảm. Trong những ngày tưởng chừng như ngắc ngoải ấy, những người con xứ Quảng mới nảy ra cách “ép” thanh long ra trái mùa. “Cứ chong điện 15 - 20 đêm, khi thanh long ra búp thì dừng. Nếu đúng lúc từ thời tiết lạnh sang ấm, tức từ gió bắc sang gió nam, sẽ cho trái nhiều và đẹp” - anh Minh giải thích. Thời gian từ lúc chong đèn cho đến khi trái bán được khoảng 80 ngày, họ lấy đó tính toán sao cho kịp bán tết là “hốt bạc”. Nên với người Quảng trồng thanh long ở Bình Thuận, mùa phụ nhưng cho thu nhập chính.

Ông Triền bảo mình có 1.800 gốc thanh long. Không giàu gì, chớ cũng sống thong thả. So với ông Chơn hay ông Triền, anh Minh vô Hàm Thuận Nam trễ hơn nhiều. Phải đến năm 1992, vợ chồng anh mới đưa hai con vào đây, sau nhiều năm bôn ba ở những nơi khác. Anh Minh có sáu anh em thì đến năm người sống ở Hàm Thuận Nam, một ở TP.Hồ Chí Minh. Anh Minh hiện có 2.000 gốc thanh long, chia làm hai vườn. Anh dắt tôi ra khoảnh vườn đã thôi chong điện, giới thiệu hệ thống tưới nước tự động anh học theo cách của người Israel. Bao gồm một đường ống tưới gốc và một đường ống dẫn đến vòi phun tưới toàn cây. “Nhờ hệ thống đó mà tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân công. Sau đợt này, chắc tôi nghiên cứu ứng dụng luôn công nghệ tưới qua điều khiển bằng điện thoại” - anh Minh chia sẻ.
3. Không phải đến bây giờ khi gánh nặng mưu sinh đã vơi đi chực chờ, người Quảng ở Hàm Thuận Nam mới nghĩ nhiều hơn về quê xứ, mà ngay cả trong những tháng ngày gian khó, nơi xứ người, họ vẫn luôn nhớ cố hương. “Mỗi năm vài bận, anh em mình hay về Duy Nghĩa giỗ chạp, thăm người thân” - anh Minh cho hay. Đi không ít nơi và gặp những người Quảng xa quê, mới nhận ra rằng ở đâu người Quảng vẫn giữ tính cộng đồng vốn có. Khi tôi hỏi chuyện này, khuôn mặt ông Chơn giãn ra, lộ vẻ hân hoan: “Lễ tết hay dịp nào đấy là người Quảng ở đây tụ họp tổ chức gặp mặt. “Đã” nhất là hát bài chòi. Không biết bọn trẻ bây giờ sao, chứ cái tuổi bọn tôi, nghe hô bài chòi là thấy nôn nao trong lòng. Nhiều đêm đang ngủ, xa xa nhà ai mở bài chòi vẳng đến, là giật mình dậy không ngủ được, nhớ quê. Sáng ra, thèm tô mỳ Quảng”.

Ông Chơn nhắc mỳ Quảng tôi mới nhớ cái đoạn ngồi trên xe từ Phan Thiết vào Hàm Thuận Nam, thấy hai bên đường thỉnh thoảng có tiệm mỳ Quảng. Tôi kể lại. Ông Chơn xua tay lắc đầu: “Không chính hiệu đâu”. Ông cho biết ở đây chỉ có mỳ Quảng do ông Chín Hạnh tráng mới là nhứt hạng! Ngón nghề tráng mỳ ông Chín Hạnh mang từ Quế Sơn vào, vẫn đang nắm vị thế… độc tôn ở đây! Nhưng ông Chín Hạnh không tráng thường xuyên, chỉ khi nào người Quảng ở đây mở hội gặp mặt, hoặc nhà nào đấy có việc cần, báo trước vài ngày ông mới tráng.

Người Quảng xa quê, có thể không phải ai cũng nhớ cùng cây đa, bến nước, con đò…, nhưng ắt rằng, cái khắc khoải thèm ăn tô mỳ Quảng đúng nghĩa, hay tâm trạng thổn thức khi đêm nghe thoáng xa vọng tiếng bài chòi, hẳn là ai cũng phải đôi lần…

Ghi chép của XUÂN THỌ

Ghi chép của XUÂN THỌ