Phong vị tết quê
Tết của người miền xuôi hay miền ngược, của kẻ thị dân hay người sống quanh những đồng làng… đều còn đó những phong vị cổ truyền - thứ giữ tết là tết của xứ mình…
Cho chữ ngày xuân. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Ăn món “ký ức”
Nghe đến tết, là biết, sẽ lặp lại những điều của ký ức. Tết đến từ trước tết, hẳn bởi những chộn rộn của việc bán mua, của sự chuẩn bị cho những tươm tất của tục lễ đã tồn tại hàng nghìn đời nay. Chắc lẽ vì những điều này, mà cụ Vũ Bằng đã nói với cái lý không thể nào chuẩn xác hơn, rằng tết đó, không chỉ là khoảnh khắc của sự chuyển mùa, của tiết thời tuần hoàn theo lẽ tự nhiên mà là một ký ức văn hóa. Là thứ ký ức luôn gắn với tâm thức con người, và sâu đậm nhất là phong tục, tập quán, món ngon của những ngày tết, trong cái se se lạnh của nắng đầu năm. “Lụi hụi mà hết năm”, cụ ông lặt lá mai từ những ngày đầu tháng Chạp, chắp tay sau lưng ra vô ngõ trước ngõ sau, gấp rãi thở một tràng dài. Tiếng thở của những ngày giáp tết, khi mấy đứa con làm ăn xa vẫn chưa kịp về, khi trời đã tận ngày tận tháng vẫn còn mưa rét. Ông già Quảng ở cái xứ Gò Nổi ấy, cũng giống như bao ông già ở các nơi khác, mong tết vì ngóng những trở về của cật ruột, tình thân. Ông Nguyễn Phi Dư nói, cái khoảng thời gian của những bữa cuối năm nó lạ lùng lắm, nhà nông “rặt ri” như ông hết đồng bãi thì tới mồ mả nhà thờ tộc, xoay không kịp, nhưng lạ, làm thì làm mà cái tai vẫn căng để coi tới đứa nào về. Cái đầu tiên người ta muốn tết, nhớ tết và làm cho tết, tôi nghĩ, bởi muốn dành cho những tụ họp ở quê, ở nhà người già. Giờ mình muốn thấy nhau, chỉ cần một cú kích chuột. Người già muốn thấy mình, phải đợi tết… Còn những đứa con đi xa, cũng đợi chuyến trở về nhà.
Rồi sau bữa hăm ba tháng Chạp, khuya vừa tiễn ông Táo về trời, thì sáng chưa tỏ đã nghe xe cộ chộn rộn từ phía đầu làng. Hẳn thằng Út dắt vợ về sau gần năm trời làm ăn xa. Hay con Hai đưa cháu về sớm sắm tết? Nhà nào cũng vậy, có con đi xa thì mong lắm cái tiếng xe ồn ào náo nhiệt bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Từ bữa đó trở đi, ở làng đã là tết. Nắng chưa hửng sau mấy đận rét thấu xương, đã thấy ở ngoài bờ rào phơi mấy nong củ kiệu, cải trắng. Rồi đi ngang đoạn nào cũng nghe mùi đường sên mùi mắm đang sôi hay mùi nếp nổ lạch tạch trong mấy cái chảo gang. Là họ đó, những người vừa về từ Sài Gòn, từ Cần Thơ, từ Hòa Bình, Lào Cai hay cả Nghệ An, Hà Tĩnh, làm món tết bằng cả ký ức của mình. Sau một quãng thời gian dài ăn món phố mặc áo phố, người ta rỉ tai nhau tết này phải về quê làm mấy cái món cũ cho ra hồn. Là món cũ, bởi món đó của bà của mẹ năm nào cũng làm dành cho mình nhấm nháp. Nó cũ bởi mấy người vừa trở về không biết nó khởi nguyên từ đâu, người con nói của mẹ, người mẹ nói của bà, bà lại nói tiếp là mẹ mình đã dạy. Cứ vậy, nối tiếp nhau, để tới cái tết của hiện tại, lại lục tung ký ức mà làm từng công đoạn một. Những bí quyết nho nhỏ chỉ có từ người trước bày người sau, muốn kiếm cho rành rẽ từ Google chắc cũng không thể có.
Tết như một nhịp cầu để người nhiều thế hệ nối ký ức với nhau. Và những hình ảnh quen thuộc hàng hàng lũ lượt hiện về, từ cái buổi chợ tết tháng Chạp, từ cái bánh in thuở bà làm… Một người bạn nhìn thấy cái ảnh bà mình ngồi nặn bánh in, chừng như nhớ lại chuyện thuở bé, nói rằng, hồi ấy, mấy dì chưa chồng ngồi nặn bánh in với ngoại, rồi đến giờ cúng xong, tranh nhau bánh nào mình làm, mà thiệt “nhìn đẹp phát hờn mà tui cắn một miếng muốn rụng cái răng”. Nhắc nhau để rồi cười mà mắt rưng rưng, vì tưởng làm bánh chỉ cần bột đường đậu, đâu có nghĩ ngay cả lúc đưa bánh đi “xông”, còn phải canh chừng giờ giấc bớt lửa bớt củi các kiểu. Mới biết bà và mẹ mình đã thương yêu thế nào cho cái bánh trên bàn thờ ngày tết. Mới hiểu sao giờ siêu thị chất đầy ở đó bánh chưng bánh tét bánh in các loại, nhưng từ phố thị hay ngõ xóm, người ta vẫn hùn nhau nhóm một bếp lửa để sên mứt, làm bánh… Vì đó, không chỉ là món ăn đơn thuần, nó là… món của ký ức.
Chuyện tết nhứt…
Rồi thì sau những tất bật vội vã để từ đầu ngõ cây nêu phất phới bay trong gió sớm mai – cái cây tre thật cao ông mang về từ sâu trong xóm cũ, treo lên đó những câu chữ để đuổi xua tà ma. Những bữa cúng cuối năm, ông bày biện bàn cúng - như một nghi lễ đầu để bắt chuyện vào tết. Dọn lòng trong sạch, là điều đầu tiên để người hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với “bề trên”. Ông già vùng đầu nguồn Thu Bồn – Trần Văn Hường, bảo đó không phải là mê tín. “Cúng đầu năm là một tục lệ. Sự tín ngưỡng này góp phần tạo nên giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nền nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn…”, nhà nghiên cứu phố Hội Trần Văn An chia sẻ trong mạch chuyện về những tục lễ dân gian mùa xuân. Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Con cháu tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, lễ dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp. Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo… Ông An nói, ấy là để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống “dĩ nông vi bản” và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương mà ông cha gầy dựng.
Rồi lại nghe cụ Vũ Bằng thủ thỉ về tết trong “Thương nhớ mười hai”. Rằng tết có tín ngưỡng thờ Thần Đất. “Người dân tin rằng trong không - thời gian mà Thần Đất vắng mặt trên trần thì không ai được động chạm đến đất như cày bừa cuốc xới đất lên hay giã gạo làm cho vang động đất. Ngày tết, do đó, có ý nghĩa là đón đợi sự trở về của Thần Đất: người ta chờ lúc cây cối đâm lộc nảy mầm, muôn vật trở lại cuộc sống bình thường, chỉ sợ vì một cớ gì bí mật, không phồn thịnh và sản xuất được như xưa nữa. Họ tin rằng nếu không kiêng kỵ thì Thần Đất không phù hộ loài người và sẽ làm cho cây cối, con người, súc vật, của cải không thể nào phát triển. Tục tiễn ông Táo, tục không quét nhà, tục xông đất thoát thai từ niềm tin đó. Có người bảo rằng sự tin tưởng đó có từ lúc dân ta bắt đầu định cư và sống về nghề nông”. Ăn tết, hẳn, để thưởng thức những phong vị thanh tao nhất, của ngày bắt đầu một mùa mới, của Nguyên Xuân, của những thức gợi hơn là hiện hữu ngay đó. Buổi sớm đầu năm, người ta không ngại ngần nói cùng nhau những lời chúc đẹp – điều mà người xứ Quảng mình ngày thường bảo rằng đưa đẩy. Bởi xuân, là để dành cho nhau những ngọt ngào, những chân thành của một lời nói đẹp.
Rồi, đại gia đình lại dắt nhau đi tảo mộ - thăm viếng những người đã khuất. Tảo mộ đầu xuân, khởi đi một năm mới, bằng cội nguồn, bằng sự tri ân. Tôi nghĩ ấy là điều sâu xa nhất trong mỗi phần con người khi cùng nhau thực hiện và thưởng thức phong vị của tết. Để ở đó, cái thơm tho của mùi hương trầm, của mùi áo quần con trẻ, của vị ngọt ngào từ những món ngon ngày tết, cứ thao thức ám ảnh mình suốt cả đời dài…
Giờ thì, cha đã sửa soạn trà bánh, giấy cúng, để chờ đêm Trừ tịch…
SONG ANH