Nhớ đất

QUỐC TUẤN 10/02/2018 11:50

Tết đã nôn nao, cận kề bao nếp nhà, con ngõ của người nông dân Đại Hồng (Đại Lộc) và ở thẳm sâu bên triền sông, trên cánh đồng, vẫn còn đó niềm day dứt nhớ đất, nhớ sông.

Dòng sông Vu Gia cạn kiệt nguồn lợi khiến ông Phạm A và nhiều vạn chài khác mất nghề đánh bắt cá trên sông.
Dòng sông Vu Gia cạn kiệt nguồn lợi khiến ông Phạm A và nhiều vạn chài khác mất nghề đánh bắt cá trên sông.

Theo thống kê của UBND xã Đại Hồng: Sau đợt lũ 2017, toàn xã mất hoàn toàn 4ha đất sản xuất nông nghiệp, 33ha đất bị bồi cát, 34ha đất bị xói lở và thiệt hại 100% diện tích cây trồng vụ đông xuân phải gieo trồng lại.

Đất bạc màu

Cuối tháng chạp, trời vẫn chìm trong cái rét căm. Ông Nguyễn Lê (thôn Đông Phước, xã Đại Hồng) đang lom khom xới đất cho mấy sào đậu phụng chốc chốc lại nghỉ chân xoa xoa hai tay vào nhau để xua bớt cái lạnh giữa bao la ruộng đồng. Nghe hỏi chuyện về sản xuất nông nghiệp, ông Lê lắc đầu: “Bấp bênh lắm chú ơi, trước kia một sào đậu phụng thu được hơn 150kg còn chừ chỉ được chưa tới 100kg chưa nói là làm đất rất cực vì cát cứ bồi vô miết”. Rồi ông Lê chỉ tay về phía xa: “Đất tôi là còn đỡ chứ bên kia cát bồi quá, đất xấu hung phải chuyển qua trồng dưa, ớt. Lũ lụt trên sông Vu Gia không bồi phù sa cho đất như trước nữa mà còn làm bạc màu đất nông nghiệp”.

Cải đương mùa rộ, hương xuân đã thấp thoáng muôn dặm nhưng nông dân Đại Hồng thì vẫn nặng một niềm trăn trở. Họ bảo, người làm nông nhiều nơi trong tỉnh đã hướng đến nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch với sản lượng, thu nhập ngày càng cao, đời sống ngày càng khá hơn thì nông dân Đại Hồng sản xuất ngày càng… thụt lùi. Bà Trần Thị Kim Hoa (thôn Đông Phước) tiếc rẻ: “Vụ đông xuân 2017 nhà tôi trồng 6 sào đậu phụng thì dùng phân bón hết 15kg/sào trong khi trước năm 2008 (thời điểm chưa có thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia) thì chỉ mất 2kg phân bón/sào mà sản lượng thu hoạch bây giờ chỉ bằng ¼ trước kia”.  Đã vậy lại luôn thấp thỏm trong mùa hạn bởi lượng nước ngầm tụt xuống, nước sản xuất bị hạn chế. Một lão nông ngồi nghỉ tay rít điếu thuốc lá bên đường mòn bộc bạch: “Ngó lạnh rứa chớ tới mùa khô chừ, mấy năm ni phải đóng thêm một tầm ống nữa (13-15 mét) đối với giếng đào mới có nước cho cây trồng cầm cự”.

Tôi loanh quanh giữa bạt ngàn đồng ruộng, triền sông Vu Gia đoạn qua các thôn Ngọc Thạch, Hà Vy không còn là “Dòng sông êm êm trôi xa/ Qua bao xóm làng qua chợ Hà Nha” trong lời nhạc của nhạc sĩ Khánh Trâm nữa. Từng ụ đất bị đánh tơi tả, khoét lồi lõm sâu hoắm, từng thửa đậu phụng như nằm chênh vênh chực chờ đổ sụp xuống trôi theo con nước. “Mi có chụp hình thì đứng xa xa chút mà chụp chớ lại sát mép đất yếu hắn sụp xuống không ai cứu kịp đâu” - bà Châu vừa làm đậu vừa cảnh báo tôi. Trước kia nhà bà Nguyễn Thị Châu ở thôn Ngọc Thạch nhưng cả gia đình bà và hàng xóm phải bỏ làng vào thôn Lập Thuận sống. Tôi hỏi mỗi năm con nước dữ sạt vào khoảng bao nhiêu mét, bà Châu ngập ngừng rồi nói: “Cũng không nhớ nữa, chỉ biết năm sau mà có lụt tiếp thì ta với mi chắc không đứng đây được nữa mô”. Tôi quay ra bờ sông, ước chừng chỗ mà bà Châu nhắc tới cách mép nước hơn chục mét. 

Loay hoay

Đứng trưa, từ bờ sông phóng tầm mắt ra xa dễ dàng nhận thấy mấy chiếc ghe nằm chỏng chơ bên mạn cát. Khoảng cách từ triền sông nơi tôi đứng ra tới con nước còn cách hơn 30m do bị cát bồi lấp. Ông Lương Sơn Hùng (trưởng thôn Đông Phước) cho biết: “Mấy năm nay một số thời điểm nước kiệt vào mùa khô thì người dân hai bên bờ chỉ cần lội bộ là sang được chứ không cần ghe, thuyền nữa”. Bây giờ, từ bến đò 14, người ta còn phải làm một chiếc cầu tre dài bắc qua con lạch nhỏ và đụn cát bồi thì mới đến sông Vu Gia để sinh hoạt, sản xuất.

Ông Phạm A (thôn Đông Phước) – một vạn chài có tiếng trước kia ở xã Đại Hồng và gắn bó sông nước Vu Gia hơn nửa thế kỷ cho biết: “Hồi xưa ở đây cá chình, cá chiên, tôm càng xanh… nhiều lắm, đi chuyến mô cũng 20 - 30kg, chỉ cần làm nghề quăng lưới thôi là đủ sống dư dả. Chừ thì làm cho đỡ ngứa tay, ngứa chân thôi chứ chẳng được mấy đồng vì chỉ bắt được con rô phi, con mè”.

Mấy năm nay Đại Hồng đã thôi lo chuyện di dời dân bởi sạt lở. Thoạt nghe thì mừng là vậy nhưng thật ra là bởi hàng trăm hộ dân ở các thôn Ngọc Thạch, Đông Phước… đã chuyển hết vào trong sâu để sinh sống rồi còn sông thì vẫn “ngoạm” đất ở đây qua từng năm. Tính ra, đã có ngót nghét 100 hộ dân của Đại Hồng đã dời vào sâu trong các thôn cao hơn để sinh sống. Họ an cư nhưng không lạc nghiệp được. Bởi lẽ, đất bố trí lại thì có hạn chỉ có hai, ba trăm mét vuông chỉ đủ cất nhà lấy đâu ra sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Lập Thuận) nói: “Trước kia nhà còn có 1,7 sào đất canh tác nhưng 3 năm nay đất lở xuống sông hai vợ chồng phải dắt díu làm thuê đủ chỗ để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.  Nhiều nông dân khác ở Đại Hồng cũng bị mất đất canh tác như vậy và con số này cứ tăng dần qua từng năm.

Phòng hộ bờ sông thì người dân cũng đã tính kế khi hết trồng tre lại “cắm” sao đen, dương liễu để bảo vệ đất đai. Nhưng sao đen, dương liễu thì chưa kịp lớn sau một mùa lũ còn tre cũng xiêu vẹo bởi con nước dữ. Dù sao thì nhờ vậy thôn Đông Phước mới an yên phần nào sau mấy đận lụt. Còn lại ở cánh Hà Vy, Ngọc Thạch đất đai cứ mặc sức… trôi theo lũ. Hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Lạc – Chủ tịch UBND xã Đại Hồng về việc chuyển đổi cây trồng, bố trí lại đất sản xuất cho người dân, bà Lạc nói: “Mấy năm nay các ngành chức năng cũng tính hướng chuyển đổi cây trồng cho người dân ở đất bồi, đất kém nhưng đâu lại vào đấy do cây ớt, cây dưa không có đầu ra”.

Dân thì thấp thỏm lo sinh kế. Xã, huyện thì loay hoay với bài toán chuyển đổi giống cây trồng, bố trí đất sản xuất. Sông thì đều đặn mỗi năm mỗi “ngoạm” thêm một mảng đất canh tác lớn sau lụt. Một vòng luẩn quẩn lặp đi, lặp lại nhiều năm nay. Nhưng đất không phải vô hạn để sông “ngoạm” mãi!

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN