Xuân vùng cao
Xen giữa mùi hương thơm đặc trưng từ thịt xông khói (pa’riêng), bánh sừng trâu (avị cuốt), thịt nướng ống (pa’hâr),… ngày tết ở vùng cao còn rộn ràng theo những hội làng, rực rỡ sắc màu văn hóa.
Thịt xông khói, món ẩm thực độc đáo không thể thiếu trong ngày tết ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Hương xuân từ gác bếp
Làng bản vùng cao, những ngày cận tết, không khí đã bắt đầu chộn rộn. Trên từng gác bếp, những đặc sản của đồng bào như: thịt xông khói, thịt ủ chua (z’rúa), nấu đông (pân’târ),… được chuẩn bị sẵn, chờ những vị khách đến thăm nhà, chúc tết. Đã hơn nửa thế kỷ, kể từ khi người vùng cao bắt đầu ăn Tết Nguyên đán, các món ẩm thực truyền thống vẫn luôn được đồng bào gìn giữ cho đến tận bây giờ. Bởi thế, để thấy, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng trên mâm tết mời khách, xen giữa các món hiện đại, lúc nào cũng có vài món ẩm thực đặc trưng truyền thống như pa’riêng, pa’hâr được dọn lên, rất độc đáo.
Ông Alăng Ngơơr, ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) cho hay, trước đây trong mâm tết của người Cơ Tu không có nhiều món ẩm thực như hiện nay, từ củ kiệu, dưa hành, chả lát, đến món tái chanh, tiết canh,… mà chỉ toàn các món truyền thống. Là bởi, ở những thời điểm hơn vài chục năm trước, ở vùng cao họ chỉ quen sống với cuộc sống hoang vu trong những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Cách duy nhất để dự trữ lương thực, là dựa vào nguyên tắc phơi khô, xông khói và chế biến một số món nướng ống để kéo dài thời hạn sử dụng. “Hồi đó, cứ trước tết một hai tháng, người đàn ông thường vào rừng để săn bắt cá suối, thú rừng mang về nhà để dự trữ ăn tết. Điều kiện khó khăn, hàng hóa cũng đâu có nhiều, đồ ăn, thức uống vì thế cũng đều tự cung, tự cấp, trong đó rượu cần là chủ yếu” - ông Ngơơr chia sẻ.
Có một dạo, khoảng chừng 20 năm đổ lại, nhiều vùng người Cơ Tu ăn tết chung của làng vào sáng mùng Một tết. Họ gọi đó là tất niên, nhưng đều diễn ra vào sáng đầu tiên của năm mới, rất vui. Ai cũng háo hức, vì tết làng thường có nhiều món ăn tươi ngon, đầy thỏa thích, trước khi “được phép” rời làng đến những vùng lân cận để vui xuân, chúc tết. Ngày nay, mặc dù ở nhiều nơi đồng bào đã dần sắm sửa được tủ lạnh để trữ ẩm thực, nhưng thói quen cận ngày tết mới tổ chức ăn tất niên vẫn luôn được duy trì. Vì thế, không khí tết ở vùng cao chỉ thực sự bắt đầu nhộn nhịp khi những ngày cuối cùng của năm đang ở cận kề. Và, ở gần khu vực giàn bếp, bên cạnh các món thịt khô xông khói, đã bắt đầu xuất hiện từng miếng thịt tươi, thịt luộc được treo lơ lửng trên cao để ăn dần trong những ngày tết cổ truyền. Nhiều gia đình, đồng bào còn mua dự trữ cá sống, rồi đậy kín trong thùng nước, đợi khách đến thăm nhà, vui xuân.
Theo hội làng “tết chung”
Đón tết ở vùng cao, dù đã ít nhiều có sự đổi mới, nhưng đồng bào vẫn luôn giữ được ngày “tết chung”, với không gian đậm đặc nét văn hóa truyền thống trong ngày hội làng. Họ đón khách ngay từ đầu năm, sau tục xông đất của già làng. Lời cầu may, chúc phúc cho mọi điều tốt đẹp, an lành được dành cho nhau. Giữa nắng xuân ấm áp, nhịp trống chiêng rộn rã như gọi mời những bước chân, nhún theo nhau đều nhịp, mê say lòng người. Theo ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, cùng với việc duy trì tục tr’záo thăm thú nhau giữa người thân, họ hàng, ngày tết đồng bào vùng cao còn tổ chức đi tảo mộ và trẩy hội làng truyền thống. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, mỗi làng bản mà việc tổ chức ngày hội theo quy mô lớn nhỏ, từ “ăn trâu”, mổ bò, cho đến chỉ đơn giản cúng heo để cầu may, chúc phúc. “Ý nghĩa của việc tổ chức ngày hội làng mừng năm mới, ngoài cầu mong cho dân làng luôn được no ấm, lúa ngô tốt tươi, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt,… còn là dịp để người dân ngồi lại bên nhau, chung vui bên những chén rượu cần và để gắn kết tình anh em, làng bản thêm thắt chặt” - ông Bưng nói.
ĐĂNG NGUYÊN