Món ăn truyền thống ngày tết
Với các nước châu Á cùng đón Tết âm lịch, món ăn truyền thống dịp này không chỉ ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn mang nhiều ý nghĩa.
Món ăn ngày tết là nét đặc trưng văn hóa của nhiều dân tộc. Ảnh: gettyimage |
Bánh chưng, bánh tét là món ăn thể không thiếu trong những ngày tết Việt, tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn viên. Đây cũng là lại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu để làm bánh chưng thường bao gồm lá dong, lạt, gạo nếp và đỗ xanh. Tương tự, bánh tét là sự hòa hợp của trời đất, con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên. Đây cũng là những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, những món ăn truyền thống ngày tết không thể bỏ qua như mứt tết, giò nạc, giò thủ…
Đối với người miền bắc Trung Quốc, shuijiao (sủi cảo) là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày tết. Sủi cảo được làm từ nguyên liệu chính gồm bột mỳ (làm vỏ bọc), nhưn từ thịt và rau. Rau và thịt trộn lẫn nhau mang ý nghĩa giàu có trong khi miếng thịt được cắt lát hơi dài mang hàm ý dư dả. Vào dịp tết, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng làm bánh, rộn ràng không khí xuân. Mọi người thường không bao giờ ăn hết đĩa bánh mà luôn chừa lại để mong dư dả cả năm. Nhiều bánh sủi cảo sẽ được nhét vào một đồng xu mà ai ăn phải chiếc này sẽ gặp may mắn. Trong khi đó, người miền nam Trung Quốc sẽ đón năm mới bằng loại bánh niangao hay còn gọi là bánh tổ, mang lại may mắn, sức khỏe. Bánh được làm từ bột gạo nếp rồi đổ vào khuôn nấu, sau đó có thể cắt thành từng miếng mỏng và chiên, với hai vị mặn và ngọt. Ngoài ra, trong bữa cơm sum họp của người Trung Quốc thường được dọn lên những món truyền thống khác như: bánh há cảo, salad cá, gà quay với đậu, vịt quay, thịt heo chua ngọt, chả giò.
Kim chi, món ăn được làm bằng cách lên men từ các loại rau củ (chủ yếu là cải thảo, cải bắp) và ớt… luôn có mặt trong mâm cỗ đầu năm mới ở các gia đình Hàn Quốc. Ngoài ra, vào ngày đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc cũng ăn một bát súp hay canh bánh gạo teokguk hàm ý mang đến sức khỏe và tuổi thọ. Tteokguk, món canh được làm từ bánh gạo cắt lát theo đường chéo nấu với nước thịt bò, tô điểm bằng những lát thịt mỏng, lòng trắng và lòng đỏ trứng thái sợi. Theo quan niệm của Hàn Quốc, năm mới có nghĩa là thêm một tuổi nữa, vì vậy, ăn tteokguk cũng là một cách thưởng thức buổi sinh nhật của mình. Sau bữa ăn, người ta thường dùng nước uống poricha, được làm từ trà pha với bột lúa mạch. Nhưng loại rượu gui balki sool là bắt buộc phải dùng dù ít hay nhiều để gặp may mắn, tốt đẹp suốt cả năm. Cơm trộn với thịt bò, trứng, tương ớt và nhiều loại rau củ là biểu tượng của sự hài hòa ngày xuân.
Người dân ở Malaysia, Singapore đón năm mới với yu sheng - món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Món ăn có nhiều rau củ xắt nhỏ, cá sống cắt mỏng và rưới nước sốt lên trên. Món ăn còn được rắc lên đậu phụng - tượng trưng cho vàng bạc đầy nhà và mè tượng trưng cho thăng tiến chức vị. Người Singapore còn thưởng thức chang shou mian - mỳ trường thọ vào đầu năm mới với mong ước cả năm được bình an và sống lâu trường thọ như tên gọi của nó.
NAM VIỆT