Món quà tết thời chiến

QUỐC DIỄN 09/02/2018 09:33

Ngày nay, tết đã đủ đầy, mọi người không phải lo từng bữa cơm no. Nhưng ít ai biết được sự khó khăn của cái tết thời chiến mà các chiến sĩ phải đối diện. Là người đi ra từ chiến tranh, Đại tá Võ Cao Lợi - nguyên cán bộ Phòng Khoa học quân sự Quân khu 5 hiểu rất rõ giá trị của cái tết thời bình. Đại tá Võ Cao Lợi sinh ra trên mảnh đất Tịnh Khê (Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), ông là một trong những nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng ngày 16.3.1968 tại Sơn Mỹ. Gặp ông trong cái lạnh của những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, ông chia sẻ nhiều kỷ niệm về những cái tết thời chiến ở rừng núi tỉnh Quảng Nam, dù khó khăn nhưng thấm đẫm tình đồng đội.

Đại tá Võ Cao Lợi (bên phải) vẫn luôn giữ trong mình kỷ niệm về những cái tết thời chiến.
Đại tá Võ Cao Lợi (bên phải) vẫn luôn giữ trong mình kỷ niệm về những cái tết thời chiến.

“Vị ngọt” kẹo Hải Hà

Đối với Đại tá Võ Cao Lợi, kỷ niệm hai chiếc kẹo ngọt của đồng đội nhường cho trong ngày tết ở chiến trường làm ông không thể nào quên. Sau thắng lợi của ta trong cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch phản công quyết liệt. Chúng dùng nhiều thủ đoạn đánh phá hòng thực hiện ý đồ tiêu diệt quân chủ lực của ta. Lúc bấy giờ, cậu bé Võ Cao Lợi mới 16 tuổi, là nhân viên văn thư Cục chính trị Quân khu 5 đóng tại căn cứ A7 (thuộc huyện Tiên Phước), cơ sở bị phát hiện nên địch càn quét quyết liệt. Gần Tết Kỷ Dậu 1969, đơn vị quyết định chuyển về làng Rô (thuộc huyện Nam Giang) để tránh bị địch càn quét và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mới. Trên đường di chuyển, đơn vị được đồng bào các dân tộc tiếp tế trái cây, bánh kẹo… ăn tết. Cuộc sống thời chiến, người dân gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khi nghe tin có cách mạng đến đóng quân, bà con rất phấn khởi, đem nhiều quà tết tặng các chiến sĩ. Những món quà tuy nhỏ, nhưng làm ấm lòng các chiến sĩ trên chặng đường dài hành quân.

Gần Tết Canh Tuất 1970, đồng chí Võ Tiến Trình - Phó Chính ủy Quân khu 5 vừa đi công tác từ miền Bắc về có mang theo ít quà tết là kẹo Hải Hà và thuốc lá Điện Biên cho anh em đơn vị. Tuy nhiên, Võ Cao Lợi không được đón giao thừa cùng đơn vị, phải làm nhiệm vụ canh gác. Lần đầu, đón giao thừa trong rừng sâu, ông rất nhớ quê hương, sau phiên gác chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong khi đó, sau khi đón giao thừa cùng đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Đình Ngật - Phó phòng Tổ chức Cục Chính trị trở về vị trí đóng quân, vì thương cậu bé nhỏ nhất đơn vị nên để dành hai viên kẹo Hải Hà đem về làm “quà tết”, nhưng thấy Lợi ngủ say nên để vào trong túi cóc ba lô cho cậu. Nhưng thật bất ngờ, sáng hôm sau Lợi tỉnh dậy, chiếc túi cóc ba lô bị chuột cắn thủng một lỗ lớn. Chưa hiểu chuyện gì thì đồng chí Ngật lên tiếng hỏi: “Chú đã ăn kẹo Hải Hà anh cho tối qua chưa? Anh bỏ vào túi cóc ba lô đó!”. Lúc đó, Lợi mới hiểu ra mọi chuyện: “Anh ơi! Chuột rừng nó ăn mất hai viên kẹo của anh cho rồi. Nó còn cắn thủng cả ba lô của em nữa…”. Tình huống thật trớ trêu, hai anh em nhìn nhau cười khúc khích.

Tuy món quà không đến được tay, nhưng đến bây giờ Đại tá Võ Cao Lợi vẫn cảm nhận đầy đủ “vị ngọt” của chiếc kẹo ngày tết trong kháng chiến, vị ngọt của tình đồng đội thiêng liêng.

Chén cơm no ngày tết

Ngoài hai chiếc kẹo đồng chí Ngật tặng ngày tết, kỷ niệm về chén cơm no của đồng chí Long Ba cũng làm Đại tá Võ Cao Lợi nhớ mãi. Ông kể, lúc bấy giờ điều kiện khó khăn, nhiều lúc vùng giáp ranh bị địch kiểm soát chặt, mọi ngả đường tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đơn vị bị cắt, đến nỗi không có gạo để ăn. Nhiều hôm phải ăn sắn bù cơm nhưng vẫn không đủ no, đêm đói không ngủ được. Ở trong rừng sâu nên thời tiết rất khắc nghiệt, trời lạnh, sương mù suốt cả ngày. Để đỡ đói, anh em chiến sĩ tìm các loại rau rừng như môn dóc, ngọn đót, trái gắm… để ăn thêm. Thứ mà mọi người ăn thường xuyên lúc đó là trái gắm. Là nhân viên văn thư nên mỗi ngày ông Lợi phải đi qua Cục ít nhất một lần để đưa công văn, điện... Ban Văn học ở xa nhất nên ông thường đến sau cùng, cũng là lúc gần bữa ăn trưa, hoặc chiều nên hay được ăn trái gắm với các anh.

Gần Tết Tân Hợi 1971, đồng chí Long Ba - Trưởng phòng Bảo vệ Cục Chính trị Quân khu 5 đi công tác dưới đồng bằng. Lúc về đồng chí có mang theo quà tết cho cả phòng khoảng 10 người, đó là 3 lon gạo tiết kiệm được khi đi công tác xa. Trong giấc ngủ mơ màng với cái bụng đói cồn cào giữa đêm gió lạnh, ông bỗng nghe đồng chí Long Ba gọi khẽ: “Lợi, đi xuống đây anh bảo!”. Ông nhanh chóng tỉnh ngủ, đi theo đồng chí Long Ba. Cứ tưởng là có công việc gấp, nhưng đến nơi ông hết sức bất ngờ khi thấy chén cơm trắng đang còn bốc khói. Hóa ra, đồng chí gọi nhỏ vì gạo quá ít, không thể gọi hết anh em trong các bộ phận. Vừa ăn, ông vừa chảy nước mắt, không phải vì được bữa no mà vì cảm nhận được tình thương lớn lao của các đồng chí dành cho mình.

Đã hàng chục năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại những chuyện cũ Đại tá Võ Cao Lợi vẫn còn bồi hồi, xúc động. Chiến tranh khốc liệt, cái chết và sự sống chỉ tính trong gang tấc, chính vì thế tình nghĩa mọi người dành cho nhau thật đáng trân trọng. Đối với Đại tá Võ Cao Lợi, cái tết thời xưa thật ấm áp, tuy chỉ là 2 viên kẹo Hải Hà, hay chén cơm trắng nhưng chứa đầy nghĩa tình đồng đội nơi rừng thiêng nước độc. Đại tá Võ Cao Lợi giọng nghẹn lại: “Tết ngày nay đủ đầy, không phải lo từng chén cơm, lon gạo như ngày trước. Nhưng cái tết thời chiến thật ý nghĩa, luôn còn mãi trong tôi”.

QUỐC DIỄN

QUỐC DIỄN