Việt Nam và chương trình phát triển xanh

QUỐC HƯNG 07/02/2018 14:52

Hãng tin Asia.nikkei (Nhật Bản) số ra ngày 5.2 vừa qua có bài viết về sự bùng nổ các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Một hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ảnh: extremetech
Một hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ảnh: extremetech

Việt Nam đang hiện thực hóa các chiến lược phát triển xanh, trong đó chú trọng đến sản xuất năng lượng sạch. Tập đoàn Thiên Tân sẽ đầu tư 2 tỷ USD đến năm 2020 để xây dựng 5 nhà máy điện mặt trời lớn ở tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, một nhà máy với công suất 50MW sẽ được khởi công vào năm nay và tiếp đó là 4 nhà máy còn lại, có công suất  200 - 300MW cho mỗi nhà máy. Như vậy, cả 5 nhà máy trên sẽ có tổng công suất ước tính khoảng 1GW, tương đương với công suất của một lò phản ứng hạt nhân tạo ra. Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, nắng nóng gay gắt nhất Việt Nam nhưng được xem là nơi có ánh mặt trời dồi dào và đất “nhàn rỗi” lớn - rất phù hợp để sản xuất điện năng lượng mặt trời. Ninh Thuận có kế hoạch thu hút đầu tư tạo ra 4,85GW từ các nhà máy điện năng lượng mặt trời vào năm 2030.

TTC - tập đoàn đầu tư đa ngành trong 6 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục, du lịch và nông sản, đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Đến năm 2020, TTC sẽ xây dựng 20 nhà máy năng lượng mặt trời quy mô lớn, trong đó bao gồm một nhà máy công suất 320MW tại tỉnh Tây Ninh và một nhà máy công suất 300MW tại tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đã mời gọi đầu tư các nhà máy năng lượng mặt trời từ Tập đoàn Điện lực và các đơn vị khác, với tổng công suất 120MW và các dự án này sẽ chính thức đi vào vận hành trong năm nay. Chính phủ Việt Nam nỗ lực đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn cấp điện chính của cả nước, phần lớn các nhà máy này nằm ở miền Nam vì điều kiện thích hợp. Năng lượng mặt trời hiện chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng điện sản xuất và Chính phủ có kế hoạch nâng con số này lên 3,3% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Đặc biệt, do giá cả của tấm pin năng lượng mặt trời đang giảm nên Chính phủ dự kiến sẽ mua lại nguồn năng lượng mặt trời dư thừa và có thể cung cấp đến các hộ dân.

Tại một hội nghị xúc tiến đầu tư ở tỉnh Hậu Giang vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Phát biểu của Thủ tướng thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam. Tháng 4.2017, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên tại Việt Nam chính thức khánh thành đi vào hoạt động tại Hà Nội với công nghệ tiên tiến Nhật Bản do công ty Hitachi Zosen (Nhật) cung cấp và chuyển giao, công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93MW điện, đủ cung ứng điện cho khoảng 5.000 hộ. Cũng tại Hà Nội, công ty Nhật Ichikawa Kankyo Engineering xử lý chất thải giấy và nhựa để sản xuất viên đốt RPF dùng thay cho than đá. Tập đoàn điện mặt trời Superblock của Thái Lan có kế hoạch liên doanh với một công ty trong nước để xây dựng 6 nhà máy điện gió có tổng công suất 700MW ở miền Nam vào năm 2019.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IAE), điện tái tạo hiện chiếm hơn 23% trong tổng năng lượng toàn cầu với 1.969GW. Năm 2021, con số này sẽ tăng thêm 825GW, tức tăng 42%. Để bảo vệ môi trường, thế giới phải thay đổi mô hình phát triển, hướng đến tăng trưởng xanh.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG