An toàn giao thông từ việc nhỏ

SÁU CÒI 06/02/2018 12:34

Hành động dừng trước đèn vàng, đèn đỏ, hay là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông rất đơn giản. Dù vậy, nhiều người không chấp hành đã tạo nên hình ảnh không đẹp trên đường, lại đe dọa tính mạng của người khác và chính mình.

Đang chủ trì hội nghị sơ kết, triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT huyện Đại Lộc - Trần Văn Mai công bố nội dung một tin nhắn liên quan đến thực trạng vượt đèn tín hiệu tại địa phương. Cụ thể, tại ngã ba thị trấn Ái Nghĩa (đường Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Ngọc Huệ), cứ 10 người điều khiển phương tiện thì có đến 6 - 7 người vượt đèn đỏ; khu vực ngã tư thị trấn Ái Nghĩa (giao nhau giữa đường Hùng Vương - Quang Trung - Đỗ Đăng Tuyển) người vượt đèn đỏ ít hơn. Thông qua tin nhắn, lãnh đạo địa phương xác nhận thực trạng trên là chính xác. Ông Trần Văn Mai và đề nghị Công an huyện chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông vào giờ cao điểm phải bố trí nhân lực tại hai địa điểm có hệ thống đèn tín hiệu như trên, vừa để kiểm soát lưu thông vừa xử phạt những hành vi vi phạm.

Qua ghi nhận, người điều khiển phương tiện qua ngã ba thị trấn Ái Nghĩa rất máy móc trong áp dụng “Đèn đỏ được rẽ phải” giống như tại ngã tư thị trấn Ái Nghĩa, dù khu vực đèn tín hiệu ở ngã ba không có đặt biển báo phụ “Đèn đỏ được rẽ phải”. Pháp luật đã quy định, đèn đỏ phải đứng lại, trừ trường hợp xuất phát từ thực tế lưu thông để tránh ùn tắc thì ngành chức năng sẽ có biển báo phụ cho phép rẽ phải. Không riêng gì Đại Lộc, ở nhiều địa phương khác, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn cứ vô tư rẽ phải dù đèn đỏ đã bật lên. Đơn cử như ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên), ngã tư Kỳ Lý (Phú Ninh - Tam Kỳ), ngã tư Hà Lam (Thăng Bình), ngã tư Nguyễn Tất Thành - đường 28.3 (Hội An) và nhiều tuyến đường tại TP.Tam Kỳ. Không những gây lãng phí nguồn lực đầu tư (mỗi hệ thống đèn tín hiệu có giá trị hàng tỷ đồng), vượt đèn đỏ còn dễ gây va chạm cho người chấp hành tốt khiến tai nạn thương tâm xảy ra. Chính vì vậy, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định hành vi lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ do lỗi vi phạm hiệu lệnh. Cụ thể: người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô lưu thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt 1,2 - 2 triệu đồng. Người đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự mô tô, xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300 - 400 nghìn đồng. Ngoài ra, người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt ở mức phạt 60 - 80 nghìn đồng.

SÁU CÒI

SÁU CÒI