Xây dựng điểm đến du lịch văn minh
Qua hơn một tháng chính thức bán vé tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An), hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại cho địa phương, nhất là tại hai thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông rất rõ rệt.
Lượng khách tăng cao giúp người dân khu vực rừng dừa Bảy Mẫu có thêm thu nhập.Ảnh: VĨNH LỘC |
Định hình thương hiệu
Chỉ riêng tháng 1.2018 khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh đã đón hơn 43 nghìn lượt khách mua vé tham quan, doanh thu gần 1,3 tỷ đồng. Nếu không tính 29 nghìn lượt khách mua vé tham quan rừng dừa trong tháng thử nghiệm trước đó (12.2017) thì đây là nguồn thu đầu tiên của Nhà nước từ du lịch rừng dừa Cẩm Thanh, kể từ khi nơi này đón khách tham quan. Đặc biệt, bên cạnh thành lập Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh, việc đầu tư hạ tầng dịch vụ cũng đang được triển khai đồng bộ như nạo vét kênh rạch, xây bến tàu, bãi đổ xe, khu nhà vệ sinh… nhằm đảm bảo hoạt động du lịch tại rừng dừa trở nên chuyên nghiệp và văn minh. Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, nếu trước đây hoạt động du lịch tại khu vực rừng dừa lộn xộn thì nay từng bước đi vào nền nếp. Trong đó, việc mở nhạc ồn ào hay gây gỗ tranh giành chỗ đậu xe giữa các tài xế, va chạm giữa tài xế và người dân cũng giảm do xã đã thành lập được tổ điều hành, giữ xe và giao cho thôn quản lý. “Cái được nhất qua một tháng thực hiện bán vé là lợi ích kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, nhất là người dân đi thuyền thúng. Rồi hạ tầng dịch vụ như nhà vệ sinh, cầu tàu, cảnh quan môi trường cũng đã được xây dựng đảm bảo đạt chuẩn. Thương hiệu Cẩm Thanh được nhiều du khách và các đơn vị lữ hành biết đến” - ông Linh nói.
Hiện tại, trên địa bàn 2 thôn Vạn Lăng (thôn 7) và Thanh Tam Đông (thôn 2) có khoảng 600 thuyền thúng hoạt động đón khách, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhất là những người lớn tuổi với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6 – 7 triệu đồng/người, cá biệt có người thu nhập lên đến hơn 10 triệu đồng. Ông Lê Đình Bảy (thôn Thanh Tam Đông) cho biết, dù đã 76 tuổi nhưng mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng nhờ chèo thúng chở khách. “Quý hóa lắm, mình vừa có tiền lại khỏe nữa. Như tháng vừa rồi tôi tiết kiệm để dành cũng được vài triệu đồng” - ông Bảy khoe. Trước đây, ông Bảy làm nghề chài nhưng đời sống bấp bênh, cá đánh bắt được cũng chỉ đủ gia đình ăn nhưng hai năm nay khi có du lịch, cuộc sống gia đình đã thay đổi rõ rệt. Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Giang (64 tuổi) và bà Phạm Thị Phải (61 tuổi, Thanh Tam Đông) mỗi ngày bơi thúng cũng được 500 nghìn đồng. “Trước đây tôi làm biển, nghề cực nhưng không có dư. Chồng đi biển, vợ con ở nhà đâu biết làm gì, còn bây giờ đàn bà làm nhiều hơn đàn ông, ngày nào cũng bơi thúng vì nó nhẹ nhàng hơn. Nếu nói so với làm biển thì chèo thúng nhàn hơn. Vừa rồi biển động 3 tháng nếu không có cái nghề bơi thúng này thì thành phố chắc phải cấp gạo hỗ trợ cho cả làng, vì mấy năm trước chuyện này diễn ra hoài” - ông Giang chia sẻ.
Nỗi lo quá tải
Dù chưa phải tất cả đã hoàn hảo, tình trạng cò mồi, chèo kéo, ồn ào vẫn còn diễn ra, nhưng không phủ nhận hoạt động du lịch rừng dừa Cẩm Thanh đang dần đi vào ổn định, nền nếp, từng bước tạo dựng một thương hiệu cho điểm đến này. Theo ông Nguyễn Giang, được nhất chính là an ninh trật tự, chuyện ăn nhậu, quậy phá xóm làng đã không còn như trước nữa. “Bây giờ đàn ông, thanh niên trong thôn ít tụ tập nhậu nhẹt hơn vì không còn thời gian, ai cũng bận rộn chở khách kiếm tiền, nếu chiều tối có uống thì cũng vài ly giải mỏi chứ không dám uống nhiều vì sợ mai không có sức chở khách” - ông Giang lý giải. Du lịch đã thật sự mang lại nhiều đổi thay cho người dân trong vùng, không chỉ giá trị đất đai tăng cao mà tỷ lệ hộ nghèo trong thôn, xã cũng đã giảm đáng kể qua từng năm. Năm 2017 trên địa bàn 2 thôn chỉ còn 2 hộ nghèo/12 hộ nghèo toàn xã, chủ yếu thuộc diện bảo trợ xã hội (tật nguyền…), thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 31,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hùng Linh thừa nhận, khó nhất hiện nay chính là bảo tồn rừng dừa, tình trạng vi phạm trong khai thác lá dừa xếp thành chim, mũ… làm quà lưu niệm cho khách vẫn còn tái diễn do việc làm này dễ nhận tiền bo từ khách. Ngoài ra, sự hưởng ứng của người dân trong một số hoạt động của địa phương như xây dựng hàng rào xanh hay hạn chế tiếng ồn trong đón tiếp khách chưa chấm dứt. Đặc biệt, không gian du lịch rừng dừa còn hạn hẹp vì những hạn chế về hạ tầng, khi mới đưa vào khai thác khoảng 4/50ha. “Lúc cao điểm có khoảng 3.000 khách đến rừng dừa, đối với sức chứa tại 2 thôn chắc chắn không đảm bảo. Thời gian qua thành phố đã xác định phát triển nơi đây là du lịch văn hóa sinh thái, nhưng điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa thì chưa có, nên hiện thành phố đã cho chủ trương khởi công xây dựng khu di tích căn cứ cách mạng rừng dừa tại thôn 3 để kết nối không gian du lịch, tuy nhiên phải chờ đường dẫn cầu Cửa Đại hoàn thành thì mới nghĩ đến việc kết nối, mở rộng không gian rừng dừa. Riêng với những người bán hàng lưu niệm trước mắt phải đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, sau này sẽ bố trí sắp xếp lại thành một khu vực. Hiện, thành phố đã thống nhất quy hoạch một khu rộng hơn 500m2 để vừa làm điểm dừng chân vừa là nơi bán hàng lưu niệm cho khách, kinh phí từ nguồn tiền bán vé tháng 12.2017 để lại nhằm sắp xếp các hộ dân vào buôn bán văn minh, nền nếp hơn” - ông Linh cho biết.
VĨNH LỘC