Lạm bàn hai chữ phong lưu

LIÊU HÂN 04/02/2018 11:29

Tác giả Vương Hồng Sển, khi viết cuốn Phong lưu cũ mới, đã phải loay hoay lục đủ loại từ điển để tra cứu ý nghĩa của hai chữ phong lưu. Ông mở đầu tác phẩm bằng những lời dẫn rất lý thú, tỏ rõ ý vị trong trang viết của một khách phong lưu miền Nam. Sau khi tra cứu danh từ phong lưu qua rất nhiều từ điển, ông viết: “Rốt lại, đành xếp các bộ sách thầy, và tạm mượn nghĩa của bộ Khai Trí Tiến Đức:  Phong lưu - Thái độ nhàn nhã. Dựa theo đó, những thú phong lưu, tức là những thú tiêu khiển để giết thì giờ trong những cơn rỗi rảnh, nhàn hạ”. Phong lưu của tác giả Vương là cái phong lưu chịu chơi của cụ Hy Văn Nguyễn Công Trứ: “Mang danh tài sắc cho nên nợ/ Quen thói phong lưu hóa phải vay” hoặc là cái phong lưu trong ca dao: “Dù cho nợ kéo nợ đòi/ Phong lưu vẫn giữ cái nòi phong lưu”.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Khái niệm phong lưu đời Tấn khác nhiều với khái niệm phong lưu của ta hiện nay. Vào đời Tấn, phong trào sống phong lưu nổi bật với các tên tuổi như Đào Uyên Minh, Trúc Lâm thất hiền. Trúc Lâm thất hiền chỉ bảy người hiền sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Ngụy, đầu nhà Tấn khoảng giữa những năm 200 - 300, gồm Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm.

Phong lưu, theo nghĩa đen, là “gió thổi và nước chảy”. Rất khó định nghĩa cho chính xác phong lưu có nghĩa là gì, nhưng phong lưu theo đời Tấn là phong cách sống của người có tài hoa và trí tuệ, với những đặc điểm lãng mạn, thiên về tình hơn lý, sống theo cảm hứng để thưởng ngoạn cuộc đời. Đặc điểm của cách sống phong lưu này được ghi rõ qua những giai thoại trong tác phẩm Thế thuyết tân ngữ. Cuốn này là một trong những tác phẩm thú vị nhất của văn học Trung Quốc. Người viết xin ghi lại vài giai thoại để bạn đọc dễ hình dung được hai chữ phong lưu.

1. Vương Huy Chi (con trai nhà thư pháp lỗi lạc Vương Hy Chi), sống ở vùng Sơn Âm. Một đêm khuya, tuyết rơi nhiều, Vương mở của, sai người nhà mang rượu ra uống. Nhìn quanh thấy bốn bề tuyết rơi trắng xóa, bèn ngâm thơ Chiêu Ẩn của Tả Tư. Sực nhớ đến người bạn tên Đái An Đạo, ông bèn chèo chiếc thuyền nhỏ đến thăm. Chèo suốt đêm mới đến nhà Đái, nhưng không vào mà lại chèo thuyền quay về. Có người hỏi, Vương đáp: “Ta vốn thừa hứng mà đi, hết hứng thì về, hà tất phải gặp Đái!”.

2. Vương Huy Chi từng nghe danh Hoàn Tử Dã là người thổi sáo nổi tiếng thời bấy giờ nhưng chưa được gặp. Vương dạo thuyền trên sông, tình cờ gặp Hoàn trên bờ. Trong thuyền có một vị khách biết Hoàn, liền nói: “Hoàn Tử Dã kìa!”. Vương liền sai người đến gặp Hoàn, nói: “Nghe ngài có tài thổi sáo, xin vì tôi mà thổi cho một khúc.” Hoàn cũng từng nghe danh Vương, bèn xuống xe, ngồi trên ghế, thổi ba khúc. Xong, lên xe mà đi. Chủ với khách không ai nói một lời.

3. Vương Nhung mất con thơ, Sơn Giản đến viếng, Vương không cầm được nỗi bi ai. Giản nói: “Chỉ là đứa bé thôi, sao lại đến nỗi này?”. Vương đáp: “Thánh nhân thì quên tình, kẻ cực ngu thì không biết đến tình; chỗ mà tình dồn lại, chính là bọn ta đây”. Giản nghe, lấy làm phục, cũng khóc theo.

4. Lưu Linh, tự Bá Luân, quá ham mê uống rượu. Một hôm, vợ đập vỡ vò rượu, khóc bảo : “Ông uống rượu quá nhiều, đó không phải là cái đạo nhiếp sinh, phải bỏ bớt đi!”. Lưu Linh nói: “Ta không thể tự cấm được, phải cầu quỷ thần lên để khấn nguyện, vậy phải đủ rượu thịt để làm lễ chứ!”. Vợ nghe lời làm theo. Lưu Linh bèn quỳ xuống khấn rằng: “Trời sinh ra Lưu Linh. Nhờ rượu mà nổi danh. Mỗi lần uống một hộc. Năm đẩu mới giải tỉnh. Lời của đàn bà nói. Xin cẩn thận đừng nghe!”.

5. Nguyễn Tịch và cháu là Nguyễn Hàm đều mê rượu. Đôi khi cả hai ngồi uống rượu, có đàn heo chạy đến, cả hai đều uống chung với đàn heo, không có gì phân biệt.

6. Hoàn Tử Dã mỗi khi nghe bài hát hay đều than: “Ôi! biết làm sao đây!”. Tạ Công nghe được, bèn nói: “Hoàn có thể gọi là người có tình sâu” (chương 23).

7. Vương Phật Đại than: “Ba ngày không uống rượu, mới hay hình hài và tinh thần không còn gần nhau nữa rồi”.

8. Lưu Linh thường uống rượu say mềm, sống phóng túng, ở trong nhà cứ để trần truồng. Có người thấy được, cười nhạo. Linh bảo: “Ta lấy trời đất làm mái nhà, lấy phòng ốc làm quần áo, các ông việc gì lại chui vào quần của ta?”.  

9. Chị dâu của Nguyễn Tịch bỏ về nhà mẹ, Tịch theo đưa tiễn. Người ta lấy làm lạ (vì theo lễ giáo phong kiến thì “Nam nữ thụ thụ bất thân”, em chồng và chị dâu hạn chế tiếp xúc nhau), Tịch bảo: “Lễ há đặt ra vì bọn ta sao?”.

Theo Lưu Linh truyện trong Tấn Thư, Lưu Linh đi đâu cũng mang theo bầu rượu, sai đầy tớ vác mai đi cùng, báo “Hễ ta chết thì đào đất chôn luôn”. Phong lưu đời Tấn có một chút gì đó giống với chủ nghĩa lãng mạn (romaticism) của phương Tây. Nếu so sánh với phương Tây thì ta có thể mô phỏng câu nói của Trương Trào (Lập phẩm hạnh, nên noi người Tống mà phát huy đạo học; sống với đời, nên theo đời Tấn mà học cách phong lưu) để tạm nói rằng lập phẩm thì nên theo trường phái cổ điển, nhưng giao thiệp giữa đời thì nên theo phong cách lãng mạn.

Phong lưu của người đời Tấn rất khác biệt. Nó thuộc một đẳng cấp cao hơn, về tài hoa, cảm xúc và trí tuệ. Đó là cuộc chơi phiêu bồng của những tay lãng tử tài hoa xem cõi đời là quán trọ để họ dừng chân mà thưởng ngoạn thanh sắc của trần gian. Nếu không hưởng được thói phong lưu của người đời Tấn thì chúng ta cũng nên hưởng nết phong lưu của cụ Hy Văn. Mà chúng ta  đang cùng nhau nhàn đàm về hai chữ phong lưu để tạm quên đi những muộn phiền thường nhật thì đó là cũng là một thể cách phong lưu đấy!

LIÊU HÂN

LIÊU HÂN