Phước Tường, núi giữa phố

LÊ THÍ 03/02/2018 10:28

Ngày nay nói đến Phước Tường nhiều người vẫn nghĩ đây là “điểm nóng” số một về môi trường của Đà Nẵng. Nhưng đây còn là ngọn núi được viết khá cụ thể trong Đại Nam nhất thống chí cũng như Hòa Vang huyện chí và một thời đã tạo nhiều cảm xúc trong lòng người dân Quảng Nam - Đà Nẵng!

Núi Phước Tường ngày trước, nhìn từ xa.
Núi Phước Tường ngày trước, nhìn từ xa.

Núi giữa lòng thành phố

Phước Tường là tên một ngọn núi nằm giữa các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hòa Phát, Hòa An (quận Cẩm Lệ) với xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) của TP.Đà Nẵng. Núi cao 320m, chỉ cách trung tâm thành phố có 5km, gần nhất so với năm ngọn núi tạo thành 5 cánh của một ngôi sao bao quanh Đà Nẵng, tạo thế  “huyền vũ” cho thành phố theo cách nhìn của các nhà phong thủy (Hải Vân, Bà Nà - Núi Chúa, Phước Tường, Ngũ Hành Sơn và Sơn Chà).

Cùng với Hải Vân và Sơn Chà, Phước Tường bảo vệ cho Đà Nẵng làm giảm bớt sự khắc nghiệt do gió mùa đông bắc, bão tố và gió tây khô nóng. Không những thế, Phước Tường còn làm thành bức chắn ngăn không cho nước lũ từ Trường Sơn tràn về trung tâm thành phố mà chia nước thành hai dòng là Cẩm Lệ và Cu Đê tạo thế “rồng chầu” ôm lấy thành phố,  đổ nước vào vịnh Đà Nẵng trước khi hòa vào Biển Đông.

Thực ra ngày trước Phước Tường là một hệ núi. Đại Nam nhất thống chí đã viết về ngọn núi này: “Núi Phúc Tường ở cách huyện Hòa Vang 10 dặm về phía tây, thế núi đột ngột, đất đá lô nhô; phía tây là núi Kỳ Sơn, gần đấy có núi An Thành, có nước khe; phía nam là núi Phú Hòa, núi Phúc Lý, núi Yến Nê; bên núi đều có dân cư” (Nxb Thuận Hóa, 2005, trang 348, 349 ). Sau này trong Hòa Vang huyện chí, cụ Tú Trần Nhật Tĩnh đã bổ sung: “Núi Phước Tường nằm ở tây bắc huyện Hòa Vang 5 dặm, thế núi đột ngột, đất đá lô nhô; phía tây là núi Xuân Lộc, rồi núi An Thành; phía bắc cận Khánh Sơn, núi Đại La. Nguồn các núi này đều đổ ra sông Cẩm Lệ; hướng tây nam có núi Thạch Nham, núi Phú Hòa, núi Yến Nê, núi Phong Lệ đều do núi Phước Tường phát sinh, từ chân núi trổ ra… Khắp núi từ trong ra ngoài đều có dân cư ở”.  

Trước đây núi Phước Tường rất giàu tài nguyên, chẳng thua gì Ngũ Hành Sơn hay Sơn Trà, đặc biệt là nguồn khoáng sản. Sau hàng chục năm cật lực khai thác, Phước Tường vẫn còn trữ lượng hàng chục triệu mét khối đá có chất lượng thuộc loại tốt nhất. Hiện nay trên Phước Tường có hàng chục công ty khai thác đá với giấy phép đến tận… năm 2020. Các mỏ đá tại đây cung cấp 2/3 nhu cầu đá cho Đà Nẵng. Với nhu cầu lớn như vậy việc khai thác đá tại đây khó mà dừng lại dù đã hàng chục năm kêu cứu. Và không lạ gì khi Phước Tường đang là “điểm nóng” số một về môi trường của thành phố này. Chỉ cần nhìn tốc độ phát triển của Đà Nẵng là có thể biết mức độ tàn phá và ô nhiễm của Phước Tường!

Núi Phước Tường và dòng họ Nguyễn Tường

Nguyễn Tường là dòng họ danh giá của làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước (nay là phường Cẩm Phô, TP.Hội An). Người mở đầu cho dòng họ này là cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822), vốn người huyện Tống Sơn, Thanh Hóa di cư vào sinh sống tại Gia Định và theo phò Nguyễn Ánh. Năm 1796, cụ được bổ vào chức Thị thư làm việc trong bộ tham mưu. Năm sau, cụ ra đánh Quảng Nam lập được nhiều chiến công. Cụ đã chọn làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam làm đất lập nghiệp. Trước, cụ có họ Nguyễn Văn, sau mới đổi lại Nguyễn Tường.

Chuyện kể, một hôm khi hành quân qua Quảng Nam gần cửa biển Đà Nẵng, Nguyễn Ánh chỉ một ngọn núi và hỏi cụ:

- Núi này tên gì?

Cụ tâu:

- Thưa đây là núi Phước Tường.

Nghe hai chữ Phước Tường (Phước là việc tốt lành, Tường là rõ ràng), Nguyễn Ánh lấy làm vui, lại thấy cụ là người đồng họ, đồng hương lại có nhiều công trạng nên bảo:

- Nguyễn Phước là họ của ta. Nay ta ban cho nhà ngươi họ Nguyễn Tường.

Cụ Vân có tên là Nguyễn Tường Vân từ đó. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Tường Vân được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh cầu phong. Năm 1803, cụ được cử làm Cai bạ Quảng Nam. Cụ làm quan suốt hai triều Gia Long và Minh Mạng, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Ký lục Bình Thuận, Hiệp trấn Nghệ An, Tham tri Bộ Hộ, Phó Tổng trấn Bắc thành, Thượng thư Bộ Binh.

Hai người con của cụ Nguyễn Tường Vân đều đỗ đại khoa. Nguyễn Tường Vĩnh đỗ phó bảng khoa 1838, Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ khoa 1842. Thời đó, việc đỗ đạt của hai anh em nhà Nguyễn Tường là một hiện tượng đặc biệt, hết sức vinh hiển. Một nhà, hai khoa liên tiếp (1838, 1842) đều có người đỗ đại khoa, em lại đỗ cao hơn anh. Nguyễn Tường Phổ là ông cố của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những người sáng lập và là các cây bút chủ lực của Tự lực Văn đoàn, lừng lẫy một thời.

Cuộc đấu tranh giành đất dưới chân núi

Nghi An (nay thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) - ngôi làng nằm dưới chân núi Phước Tường, là quê hương của chí sĩ Thái Phiên, “kiến trúc sư” của cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916.

Cách đây 114 năm, vào ngày 25.4.1904, ông đã lãnh đạo dân làng đấu tranh trực diện với tên Tây thực dân Gravelle chiếm đất Cấm Đình của Nghi An lập đồn điền chè và cà phê. Đây là tường thuật của chính Gravelle về cuộc đấu tranh này: “… Các dân phu của tôi vừa mới cuốc được vài nhát đất thì bỗng nhiên một toán người gồm khoảng 40 dân bản xứ đã phục sẵn từ ngoài rừng xông tới; dẫn đầu là một người đàn ông lớn tuổi, người nhỏ, với vẻ mặt đầy hung hãn, lao đầu về phía em trai tôi. Em trai tôi đã phải lấy hai tay giữ hai vai ông ta lại. Tuy nhiên, tiếng la hét lại tăng lên nhiều hơn. Ông lý trưởng làng Nghi An và nhiều hào lý mà chúng tôi biết đã ra lệnh cho dân làng lao vào những người làm thuê của chúng tôi, xô đẩy họ, lấy dụng cụ của họ và ngăn không cho họ làm việc bằng cách nằm lên các hố họ đã đào.

...Ngài cảnh sát trưởng tới nơi xảy ra xung đột lúc 10 giờ... Tôi chỉ cho ngài cảnh sát 4 tên đầu sỏ, đầu tiên là ông lý trưởng. Bốn người bị buộc tội đã bị dẫn về Tourane. Tuy nhiên, tiếng chiêng trống tập hợp dân chúng lại vang lên trong làng, nhưng lần này xa hơn, trong đồng ruộng, dưới chân núi... Khoảng 2 giờ, một đoàn dân làng gồm khoảng 50 người xuất hiện trong rừng, đi về phía chúng tôi, không mang theo khí giới hay gậy gộc. Họ chỉ khoa chân múa tay và la hét rồi nằm dài trên các hố bất động như chết. Chúng tôi bắt thêm 4 tên cầm đầu hung hãn nhất...

2 giờ 30 chiều, đoàn người kia lại kéo đến với vẻ đầy hung hãn, bao vây chúng tôi... Họ lại trườn xuống hố lại và lại nằm bất động như chết… Chúng tôi quá mệt mỏi. Chúng tôi bỏ đi. Những người còn nằm trong các hố, nhiều người gần như thở không ra hơi, nhưng vẫn la hét…”. (Nguyễn Trương Đàn, Chuyện ở làng Nghi An 108 năm trước).

Phước Tường, vì thế đã đi vào ký ức của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng với rất nhiều cảm xúc!

LÊ THÍ

LÊ THÍ