Điện Bàn nỗ lực gỡ vướng mặt bằng
Là địa bàn có hàng trăm dự án đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng, hoạt động giao dịch đất đai luôn sôi động nên công tác quản lý đất đai ở Điện Bàn gặp nhiều khó khăn thách thức.
Nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khiến người dân tại Điện Bàn chưa thể an cư. TRONG ẢNH: Người dân phường Điện Nam Trung để chướng ngại vật chặn xe lưu thông qua tuyến ĐT607. Ảnh: Q.T |
Nhiều trở ngại
Với địa thế thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc Quảng Nam và là vùng đệm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An, thị xã Điện Bàn ngày một trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Điện Bàn, hiện đã có hơn 50 dự án đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng, bước đầu tạo ra sự khởi sắc cho đô thị Điện Bàn. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có hơn 20 nghìn hồ sơ giao dịch đất đai được thực hiện trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, cũng chính vì sự “chuyển mình” một cách nhanh chóng trong vài năm qua mà lĩnh vực đất đai ở địa bàn thị xã trở thành một trong những “điểm nóng” phát sinh. Có rất nhiều tồn tại được chỉ ra tại hội nghị tổng kết công tác đất đai và giải phóng mặt bằng năm 2017 của thị xã Điện Bàn. Cơ chế, chính sách còn một số bất cập là vướng mắc đầu tiên, nhất là chính sách bố trí tái định cư cho những hộ bị giải tỏa trắng. Cụ thể như dự án xây dựng khu dân cư Thống Nhất (phường Điện Dương) có 20 hộ bị giải tỏa trắng được bố trí tái định cư với tổng số 31 lô đất nhưng người dân không đồng tình vì cho rằng giá bồi thường đất ở thấp (850 nghìn đồng/m2 đường bê tông 3m) nhưng đơn giá đất tái định cư lại cao (2 triệu đồng/m2 đường 7,5m).
Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, thị xã đang xem xét trình UBND tỉnh cho phép áp dụng theo quy định tại Quyết định 19 (sửa đổi, bổ sung Quyết định 43 và 02) với chính sách thông thoáng hơn để người dân có điều kiện ổn định cuộc sống nơi ở mới. Cũng theo ông Dũng, việc có đề xuất tăng giá đền bù ở một số nơi có giá đất bán theo giá thị trường, đặc biệt là vùng ven biển Điện Dương - Điện Ngọc để thuận lợi hơn trong việc giải phóng mặt bằng là không khả thi. Bởi như thế dễ tạo hiệu ứng domino mà thay vào đó sẽ có giải pháp giảm giá đất tại khu vực bố trí tái định cư. Việc khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, cơ sở hạ tầng các khu tái định cư không đáp ứng, tốc độ triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư, năng lực tài chính của các nhà đầu tư cũng là những vướng mắc khiến người dân ở nhiều địa phương chưa thể “an cư”. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật hạn chế, sử dụng đất không đăng ký từ trước, cho tặng đất không thông qua chính quyền, không tách thửa nhưng khi giải tỏa lại đề nghị Nhà nước đền bù cũng gây ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử như khu đô thị số 9 (phường Điện Ngọc) có 71 trường hợp xây nhà trên đất khai hoang (không có sổ đỏ) và đất nhận chuyển nhượng, tặng cho từ đối tượng có sổ đỏ nhưng chưa làm thủ tục theo quy định.
Nỗ lực gỡ vướng
Xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo điều kiện thông thoáng thu hút đầu tư, các cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn trong năm 2017 đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để hoàn thành hoặc hoàn thành một phần công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án. Có thể nêu ra một số dự án quan trọng như: Tuyến ĐT607 giai đoạn 3, tuyến ĐT607 giai đoạn 4, trục chính qua trung tâm thị xã… Đặc biệt là tuyến ĐT605 (từ cao tốc đến ĐT609) hoàn thành vượt tiến độ được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong năm 2017, Điện Bàn cũng đã thực hiện bố trí được 34/42 hộ bị giải tỏa trắng vào các khu tái định cư. Với những hộ còn lại, UBND thị xã sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh việc đối thoại trong năm 2018 để gỡ vướng và có những giải pháp theo đúng quy định của pháp luật.
Coi trọng vai trò to lớn của công tác tuyên truyền vận động, ngay từ năm 2012, Huyện ủy Điện Bàn đã thành lập Ban tuyên truyền, vận động công tác bồi thường, hỗ trợ với nòng cốt là Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo và Mặt trận, đoàn thể... Thực tế cho thấy Ban tuyên truyền đã phát huy hiệu quả đóng góp không nhỏ vào việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ông Lê Văn Cảm - Trưởng phòng TN-MT Điện Bàn cho biết, thời gian tới Điện Bàn sẽ tập trung giải quyết tồn tại, phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cụ thể là các hộ dân có nhà ở và đất nông nghiệp bị ảnh hưởng tại hạ lưu mố A2 cầu Kỳ Lam, VD05, VD06, VD07 và hạ lưu các cầu thuộc xã Điện Thọ.
QUỐC TUẤN