Xét xử phúc thẩm vụ tàu ngư dân hỏng máy: Công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại

NGUYỄN QUANG 01/02/2018 13:44

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Công ty Bảo Duy) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Công ty Liên Á) được tổ chức ngày 30.1, TAND tỉnh đã tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường, khắc phục sự cố hỏng máy.

Tin liên quan

  • Vụ tàu vỏ thép QNa-94679 hỏng máy nằm bờ: Chủ tàu chồng chất khó khăn
  • Vụ hỏng máy tàu vỏ thép QNa-94679: Công ty CP Bảo Duy kháng cáo
  • Công ty đóng tàu phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Trần Văn Liên
  • Ngổn ngang với tàu vỏ thép
  • Sự cố hỏng máy tàu vỏ thép: Các bên đùn đẩy trách nhiệm
Ngư dân Trần Văn Liên đã phải vá lưới thuê khi tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ trong 3 năm qua. Ảnh: N.Q
Ngư dân Trần Văn Liên đã phải vá lưới thuê khi tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ trong 3 năm qua. Ảnh: N.Q

Theo hợp đồng ký kết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên được Công ty Bảo Duy ở TP.Đà Nẵng tiến hành đóng mới, Công ty Liên Á ở TP.Hà Nội cung cấp máy thủy từ tháng 9.2015 đến ngày 30.3.2016 thì chạy thử đường dài trước khi nghiệm thu, bàn giao cho chủ tàu. Đêm 29.3.2016, khi tàu vỏ thép đang được đưa ra khỏi cầu Mân Quang thì bị chết máy và nằm bờ đến nay. Ông Liên đã làm đơn kiện 2 công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố này. Ngày 30.8.2016, TAND TP.Tam Kỳ đã xử sơ thẩm và tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để thay máy mới cho tàu vỏ thép vì cho rằng, Công ty Bảo Duy đã tự ý thuê tài công đưa tàu vỏ thép ra khỏi cầu Mân Quang mà không thông báo để đại diện Công ty Liên Á có mặt, theo dõi nên phải chịu trách nhiệm. Công ty Bảo Duy đã kháng cáo lên TAND tỉnh và phiên phúc thẩm đã được xét xử vào ngày 30.1. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã lập luận là máy thủy mới chưa được nghiệm thu, bàn giao nên trách nhiệm về sự cố hỏng máy thuộc về bên cung cấp máy thủy là Công ty Liên Á. Luật sư Nguyễn Thành Quý - đại diện pháp luật cho ngư dân Trần Văn Liên cho biết: “Ngay từ phiên sơ thẩm, tôi đã nêu quan điểm là bên cung cấp máy thủy phải chịu trách nhiệm về sự cố. Đến nay thì phiên tòa phúc thẩm đã xử nên bắt buộc Công ty Liên Á phải bồi thường, thay máy mới để ngư dân có thể vươn khơi bám biển”.

Theo ông Nguyễn Quang Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Bảo Duy, cơ sở đóng tàu rất có thiện chí trong việc khắc phục sự cố hỏng máy đáng tiếc đã không may xảy ra. Cụ thể, công ty này đã làm việc với UBND tỉnh vào ngày 5.8.2016, đề nghị được tự trích 2,4 tỷ đồng để thay máy mới, tạo điều kiện để ngư dân Trần Văn Liên sớm vươn khơi sản xuất xa bờ trong khi chờ phán quyết của tòa án. Hiện tại, tàu vỏ thép QNa-94679 đã được thay máy mới từ số tiền tự trích ra của Công ty Bảo Duy. Bởi vậy, trong thời gian đến, Công ty Liên Á phải hoàn trả lại số tiền trên cho Công ty Bảo Duy theo xét xử cuối cùng của tòa án. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Sự cố tàu vỏ thép QNa-94679 kéo dài trong vòng 3 năm qua sắp đi đến hồi kết. Công ty Liên Á phải trả tiền bồi thường thay máy thủy mới cho Công ty Bảo Duy. Công ty Bảo Duy khi được thanh toán tất cả công đoạn đóng tàu từ ngư dân và ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu là BIDV chi nhánh Quảng Nam thì ông Trần Văn Liên sẽ được vươn khơi sản xuất”.

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Trần Văn Liên cho biết, rất mừng vì phiên tòa phúc thẩm đã xét xử thì các bên đóng tàu, cung cấp máy thủy sẽ thực hiện theo phán xét của tòa. “Thời điểm cuối năm rồi, phải đợi đến ngày 20 tháng giêng thì tôi mới có thể ra khơi. Đó là dự kiến, mong các bên thực hiện xong hợp đồng đóng tàu, bàn giao để tôi ra khơi. Tôi đã tái ký hợp đồng với 12 lao động ngư dân hành nghề chụp mực để có thể khai thác hải sản trong thời gian tới” - ông Liên nói. Ông Liên cũng cho biết, trong 3 năm qua, khi tàu nằm bờ, ông đã phải trả tiền công lao động cho các bạn biển theo hợp đồng đã ký trước đó nên mong bên đóng tàu và bên cung cấp máy thủy chi trả lại cho ông một phần chi phí.

NGUYỄN QUANG

NGUYỄN QUANG