Hiến kế xây dựng khu công nghệ cao

HOÀNG LIÊN 01/02/2018 10:12

Hội thảo “Mô hình và giải pháp xây dựng, quản lý khu công nghệ cao (CNC)” do UBND tỉnh vừa tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học.

Trường Hải là một doanh nghiệp có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trường Hải là một doanh nghiệp có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chủ trương xây dựng khu CNC là định hướng của Quảng Nam từ chục năm trở về trước. Năm 2010, tỉnh đã triển khai đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học hình thành khu CNC tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Năm 2013, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN)  tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển khu CNC tại Tam Thăng với diện tích quy hoạch lên tới 2.000ha, đã trình Bộ KH&CN đưa vào quy hoạch khu CNC Việt Nam đến năm 2030 song chưa được chấp thuận. Hội thảo lần này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh và sự hưởng ứng cao của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Quyết tâm vào cuộc

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, muốn phát triển CNC phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Yếu tố địa lợi đã có do Quảng Nam có đường ven biển, có sân bay, đường sắt, có cảng biển. Còn về cơ chế, chính sách, cần được tháo gỡ, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên tỉnh không thể trông chờ, ỷ lại; bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ rất lớn của các nhà khoa học. Có thể thấy mô hình của Trường Hải phát triển rất mạnh; trung tâm R&D của Trường Hải được đầu tư mạnh, quy mô, xứng đáng để phát triển CNC. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh, khoa học - công nghệ là động lực của sự phát triển, nên việc xây dựng một khu CNC là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ nằm trong định hướng Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh. Tỉnh đang quyết tâm để thực hiện mục tiêu này. “Việc xây dựng khu CNC ở Quảng Nam cần phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn chứ không viễn tưởng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, bài học từ Khu kinh tế mở Chu Lai cho thấy, muốn phát triển khu CNC cần phải bắt đầu từ những “con chim mồi”, nghĩa là phải có doanh nghiệp có cái tâm và nhiệt huyết mới được. Đi cùng với đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trung ương, cơ chế đãi ngộ đội ngũ chuyên gia khoa học khi đến với Quảng Nam. Khu CNC ra đời trên cơ sở gắn liền hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và thương mại, phải xác lập thị trường tiềm năng. Có thể khởi động từ một vài dự án trọng điểm, ví như dự án điện rác plasma với dây chuyền công nghệ xử lý rác hiện đại nhằm giải quyết vấn đề rác thải rắn, rác thải công nghiệp, y tế đang là vấn đề bức bách của tỉnh.

Nhà khoa học hiến kế

TS.VŨ NGỌC HOÀNG - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương:

“Để thành công, phải dám làm việc lớn, dám làm việc khó và làm việc khó mới thích. Có những con người hết sức tâm huyết và ta phải có cách tiếp cận được họ. Tôi có linh cảm rằng các khu CNC của ta có cách tiếp cận chưa tốt, cần phải đổi mới cách tiếp cận, quyết tâm cao độ thì sẽ làm được và thực tế của Khu kinh tế mở Chu Lai đã chứng minh. Và bên cạnh nguồn hỗ trợ của Trung ương, địa phương phải chủ động, linh hoạt, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thì mới có thể làm được”.

GS. CHU HẢO - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN phụ trách xây dựng và quản lý các khu CNC

“Quảng Nam từng có vị trí chiến lược là trung tâm kinh tế của xứ Đàng Trong mà lịch sử chứng minh. Trong xu hướng hiện nay, Quảng Nam cần nỗ lực để khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, cần phải tính đến chuyện xa, nếu không nghĩ tới CNC ngay từ bây giờ thì sẽ tụt hậu. Chủ trương xây dựng khu CNC đã có từ mười mấy năm trước rồi nhưng khi đó chưa có điều kiện triển khai. Cần phải quyết tâm làm thì mới được. Nếu Quảng Nam song song việc xây dựng khu CNC, tập trung đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC và hiện đại hóa ngành du lịch thì tỉnh sẽ giàu”.

Tại hội thảo, GS.Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN phụ trách xây dựng và quản lý các khu CNC chia sẻ, sau nhiều năm quản lý các khu CNC, kinh nghiệm cho thấy, để vận hành thành công một khu CNC, cần phải đảm bảo các yếu tố “5 có” và “3 không”. Phân tích từng điểm “5 có”, GS.Chu Hảo cho rằng, thứ nhất, phải có những người chủ trì đề án xây dựng khu CNC giàu tâm huyết, chuyên nghiệp và sáng tạo. Thứ hai, phải có tiền, có vốn đầu tư đủ ngưỡng, tránh tình trạng đầu tư nhỏ giọt, chắp vá, việc gì cũng dở dang, kéo dài thời gian, gây lãng phí. GS.Chu Hảo chia sẻ thêm, không thể làm CNC bằng giá rẻ, bởi đây là “sân chơi của nhà giàu”. Ấy là chưa kể đầu tư vào phân khu cốt lõi của khu CNC như phân khu nghiên cứu - triển khai (R&D), đầu tư vào các công nghệ nguồn (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…) vốn vô cùng tốn kém, cần phải có sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ. Ngoài 2 yếu tố trên, ba yếu tố cần chú trọng đảm bảo nữa là vị trí và cơ sở hạ tầng của các khu CNC; công tác quy hoạch phải đảm bảo tỉ mỉ, khoa học với mô hình, hướng đi phù hợp và cần phải thiết lập các cơ chế, chính sách đặc thù cho các khu CNC. Nói về “3 không”, GS.Chu Hảo cho rằng, đó là không chỉ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; không chọn nhầm đối tác và không vội vàng. “Khu CNC Hòa Lạc và TP.Hồ Chí Minh đã từng chọn nhầm đối tác, nguyên nhân chủ yếu vì nôn nóng lấp đầy. Nhiều dự án nội địa vào giữ đất rồi không triển khai. Khu CNC TP.Hồ Chí Minh mời Intel (Mỹ), Nidec (Nhật) vào là đúng nhưng mời Samsung (Hàn Quốc) đưa nhà máy sản xuất thiết bị dân dụng bình thường vào là chưa phù hợp. Cần rút kinh nghiệm từ khu R&D của TP.Hồ Chí Minh từng chọn nhầm đối tác R&D chiến lược với sản phẩm “Động cơ phát điện bằng nước lã”. Với sự ra đời của khu CNC tại Quảng Nam, Viện VinIT sẽ là một bộ phận nòng cốt trong khu R&D của khu CNC tỉnh, đây là tín hiệu tốt. Ngay từ bây giờ, các nhà sáng lập cũng tính tới việc xây dựng Trường Đại học Quảng Nam trở thành một đại học nghiên cứu” - GS. Chu Hảo góp ý.

Theo GS-TS.Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT (Hà Nội), với điều kiện thiếu thốn cả về nguồn vốn đầu tư, con người, tri thức công nghệ như hiện nay, việc lựa chọn mô hình ứng dụng CNC phải phù hợp với điều kiện thực tế. Quảng Nam không thể làm theo Intel hay các tập đoàn lớn được, song khu CNC cũng cần đáp ứng 3 khu cơ bản gồm: khu R&D là nơi đào tạo nhân viên CNC, là cơ quan nghiên cứu và phát triển công nghệ; khu chế xuất CNC, vốn không đơn thuần là cho doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất mà phải là khu chế xuất các sản phẩm CNC và khu thương mại công nghệ, chợ thương mại đóng vai trò là khu kiểm định chất lượng, đầu mối xuất khẩu, trung chuyển các sản phẩm công nghệ… GS-TS.Nguyễn Quốc Sỹ hiến kế, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội đề ra những nhiệm vụ quan trọng như: ứng dụng CNC trong bảo vệ môi trường, xử lý rác thải rắn plasma, công nghệ điện hóa trong lọc nước ở các khu công nghiệp. Những nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng được GS-TS.Nguyễn Quốc Sỹ gợi ý thêm như: áp dụng CNC trong bảo tồn tháp Chăm, di sản văn hóa của thế giới ở Mỹ Sơn và một số nơi trên địa bàn tỉnh; công nghệ pin năng lượng mặt trời; công nghệ nhân giống, chiết xuất sâm Ngọc Linh…

GS-TS.Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, bất cứ mô hình nào được lựa chọn đi nữa thì yếu tố quyết định phải là con người, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành. Chúng ta lấy đâu ra với một tiềm lực khoa học công nghệ ít ỏi như hiện nay? Việc thu hút các chuyên gia ở nước ngoài về không đơn giản chỉ ở việc trả lương và có chính sách đãi ngộ hậu hĩnh mà cần có sự tôn trọng, chân thành, thu hút qua các kênh quan hệ cá nhân, Việt kiều có uy tín giới thiệu, có thể qua lời mời của các nhà khoa học có uy tín. Cách thức thu hút đầu tư cũng vậy, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, rất khó có thể dốc lực, đòi Nhà nước đổ ra theo kiểu “con nhà giàu” được. Mà cách tiếp thị đầu tư cũng bằng nhiều kênh, bên cạnh nguồn lực ngân sách, còn có kênh cá nhân, kêu gọi người con Quảng Nam xa quê, Kiều bào ở nước ngoài, nguồn xã hội hóa, tận dụng các kênh đầu tư từ định chế tài chính quốc tế...

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN