ASEAN hướng tới phát triển bền vững
Khóa họp thường kỳ lần thứ 56 của Ủy ban phát triển xã hội (CSocD) trực thuộc Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC) tập trung vấn đề giảm nghèo trên toàn cầu.
Số người nghèo trên thế giới chủ yếu tập trung tại châu Á và châu Phi. Ảnh: IMAIGES |
Diễn ra từ ngày 29.1 đến ngày 7.2.2018 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ), là dịp các đại biểu đại diện các quốc gia, khu vực chia sẻ những kinh nghiệm đạt được trong công tác xóa nghèo. Phát biểu khai mạc khóa họp, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, bà Amina Mohammed cho biết thế giới đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc xóa đói nghèo. Qua đó giúp nhiều người được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực của phụ nữ, giới trẻ, người khuyết tật, người cao tuổi… Tuy nhiên, thành quả giảm đói nghèo cùng cực lại diễn ra không đồng đều giữa các vùng, các quốc gia và các nhóm xã hội, chênh lệch khoảng cách phát triển ngày càng lớn. Đây được xem thách thức vô cùng lớn và vai trò của CSocD là phải giải quyết được vấn đề đó như chủ đề của khóa họp: “Xóa nghèo vì mục tiêu phát triển bền vững cho tất cả mọi người”.
Theo thống kê kể từ năm 1990, hơn một tỷ người trên thế giới đã vượt qua được ngưỡng chuẩn nghèo là 1,9 USD/ngày nhưng nhiều người cận nghèo nay quay lại ngưỡng nghèo đói do tác động của môi trường, kinh tế, sức khỏe… Trong đó, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật là những đối tượng bị tổn thương nhất. Vì vậy, bà Amina Mohammed kêu gọi chính phủ các nước cần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn diện và công bằng, phát triển bền vững và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại đằng sau, mọi người cùng nhau chia sẻ lợi ích của quá trình toàn cầu hóa. Thế giới cần nỗ lực nhiều hơn để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2015.
Theo TTXVN, phát biểu đại diện cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc nhấn mạnh ASEAN cam kết mạnh mẽ với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và khẳng định xóa nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển luôn là những ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 tiếp tục khẳng định cam kết và quyết tâm của các nước hiện thực hóa Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, tự cường, thu nạp và hướng tới người dân. Trong thời gian qua, ASEAN đã đạt được những thành tựu to lớn trong xóa nghèo, đặc biệt là giảm số người thuộc diện đói nghèo cùng cực từ 138 triệu người năm 2000 xuống 44 triệu người năm 2015. Tháng 11.2017, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố về Sáng tạo với nguyên tắc chỉ đạo là xây dựng các chính sách và môi trường thể chế thuận lợi cho khoa học, công nghệ và sáng tạo (STI) nhằm phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm và trao quyền cho người dân.
Tại khóa họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ thông tin về những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của người dân qua việc triển khai các chương trình như Thập kỷ người khuyết tật, Trao quyền kinh tế cho phụ nữ, Chỉ số phát triển thanh niên… Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng nêu bật vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, đặc biệt là nỗ lực của ASEAN và Liệp hiệp quốc thúc đẩy tính bổ trợ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030. Trong đó xóa nghèo được xác định là một trong năm lĩnh vực ưu tiên và Tuyên bố của hội nghị Cấp cao Đông Á về hợp tác xóa nghèo.
NAM VIỆT