Từ Văn thánh đến Khổng miếu

PHÚ BÌNH 27/01/2018 11:48

Văn hội Nho học huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa xây dựng nơi thờ các bậc thánh hiền của đạo Nho và các bậc tiên Nho đất Việt tại làng Chiên Đàn, lỵ sở của huyện Hà Đông thời Nguyễn. Như mọi cơ sở thờ tự đạo Nho khác ở cấp huyện, theo quy định của bộ Lễ triều Nguyễn, nơi này có tên “Văn thánh huyện Hà Đông” thường gọi là “Văn thánh Chiên Đàn” gồm hai cơ sở liền kề là nhà Từ vũ và nhà Hội đường.

 Cây cổ thụ ở Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ tượng trưng cho nơi dạy học của nhà Nho ở Tam Kỳ.
Cây cổ thụ ở Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ tượng trưng cho nơi dạy học của nhà Nho ở Tam Kỳ.

Văn thánh Chiên Đàn

Nội dung tấm bia “Vọng bái Tiên thánh từ vũ” lập năm Minh Mạng thứ 21 (1840) từng đặt ở Văn thánh huyện Hà Đông cho biết: ban đầu các văn thân, hương hào, sĩ nhân trong huyện xây dựng nhà Từ vũ để làm nơi thờ tự. Về sau, vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) Văn hội Nho học huyện Hà Đông lại xây thêm một Hội đường ở phía bên tả nhà Từ vũ để làm nơi sinh hoạt của Văn hội, như hội họp để chuẩn bị tế tự, tập trung các học sinh trường Huấn vào các ngày quy định trong tháng để nghe giảng văn, bình văn.
Quá trình xây dựng rồi bị hư hại của Văn thánh Chiên Đàn đã được tóm tắt trong đoạn đầu nội dung tấm bia bằng gỗ tạo tác vào năm Thành Thái thứ 7 (1895), tạm dịch như sau: “Chỗ dạy học, bình văn, hội họp Văn hội của  huyện (Hà Đông) ta có lập nơi thờ tự các bậc thánh hiền Nho học vốn đã có từ xưa rồi! Vào khoảng các năm Canh Tý thời vua Minh Mạng (1840) và Canh Tuất thời vua Tự Đức (1850) dựng xong nơi thờ các bậc Tiên Chính và có dựng bia ở đó. Đến các đời vua Hàm Nghi và Đồng Khánh là thời gian có nhiều biến cố. Theo cớ sự ấy, nơi thờ tự này đã bị tàn phá rất nhiều; cỏ dại lâu ngày mọc cao khiến tầm nhìn bị che khuất chẳng thấy rõ hai cây cột còn lại bên trong”.

Đến mùa đông năm 1894, việc phục hồi Văn thánh Chiên Đàn mới được khởi sự lại. Tấm bia năm Thành Thái thứ 7 (đã nói trên) ghi về việc ấy, tạm dịch như sau: “Mùa đông năm rồi (1894), vị cử nhân giữ chức Huấn đạo là ông Ngô Quang Khuê hiệp cùng Tri huyện huyện nhà là ông Nguyễn Hiển Dĩnh và các ông tú tài Trần Trọng Đạt (chức giám trưởng), tú tài Nguyễn Thông (chức tư sự) cùng cung kính bàn bạc về việc làm mới lại nơi này để tăng phần thuận tiện và nghiêm trang cho việc thờ tự... Về việc quyên góp tiền bạc thì kết quả như sau: Văn thự (huyện nhà) phụng cung ba nghìn quan; lại phân chia người đến 7 tổng vận động quyên góp được năm nghìn quan và nhiều vật liệu gỗ... Khởi công vào ngày mùng 10 tháng Sáu năm nay (1895); ngày mùng 2 tháng Bảy vào giờ Thìn gác đòn đông; đến ngày 28 tháng Tám cùng năm thì hoàn thành mọi việc. Trong huyện phụng cung tiền bao nhiêu, vật liệu gỗ bao nhiêu đều được khắc trên bia lưu lại về sau để cho việc đóng góp xây dựng này được rõ ràng”.

Khổng miếu Tam Kỳ

Từ sau khi thành lập tỉnh Quảng Tín (1960), Tỉnh hội Việt Nam Cổ học Quảng Tín tìm cách xây dựng lại Văn thánh Chiên Đàn nhưng nơi đây qua bao biến cố chiến tranh đã bị hư hại không thể nào trùng tu được; mọi hoạt động hội họp, thờ tự tại Văn thánh trước kia nay phải mượn tạm đình làng Chiên Đàn làm trụ sở. Vì thế, phân hội cổ học này đã vận động đóng góp từ nhiều nơi, dự định xây dựng một khu mới với quy chế thờ tự như ở Văn thánh Chiên Đàn cũ; nhưng ở một nơi thuận tiện hơn. Đến đầu năm 1963, khi có lệnh của chính quyền ở Sài Gòn cho tỉnh Quảng Tín được xây một Văn miếu, Tỉnh hội Việt Nam Cổ học Quảng Tín được giao nhiệm vụ thành lập một ban có tên là “Ban Kiến thiết Khổng miếu” theo đúng cách gọi tên của Ban Kiến thiết Khổng miếu tỉnh Quảng Nam ở Hội An (khi chưa chia thành hai tỉnh). Có lẽ do lý do này, tên gọi “Khổng miếu Tam Kỳ” được hình thành từ tên gọi “Khổng miếu Hội An”; vừa thống nhất trong cách gọi tên lại vừa dễ phân biệt địa phương.

Về quá trình xây dựng Khổng miếu Tam Kỳ, một nhân sĩ trong Hội Cổ học Tam Kỳ đã kể: “Thánh miếu xây cất tại một khoảnh đất rộng lớn, gần quốc lộ, thuộc làng cũ Mỹ Thạch xã Kỳ Hương, tháng 6 năm ấy (1963) khởi công… đến ngày 31.7.1963 làm lễ đặt viên đá xây móng đầu tiên, thượng lương gác đòn đông, rồi tiếp tục làm nhà hậu tẩm, xây trụ biểu. Làm nhà tiền đường chưa xong thì gặp phải trở ngại ở trung ương bị đảo chính ngày 1.1.1963, rồi tới bão, lụt lớn liên tiếp, gỗ trôi, đồ đạc bị hao mất nhiều, ban kiến thiết phải tạm ngừng đến năm 1966 mới tiến hành lại” (trích bài viết của ông Nguyễn Lương Tri, Đặc san Cổ học Tam Kỳ, tháng 7.1970). Cũng trong bài viết này tác giả cho biết đến tháng 7.1970 công trình mới hoàn thành và đặt tên là Khổng miếu (thay cho tên Thánh miếu vốn đã quen gọi).

Địa điểm “một khoảnh đất rộng lớn” nói trên là công điền của làng Mỹ Thạch thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ trước năm 1945. Nơi ấy được chọn (có lẽ) vì là cuộc đất tốt xét theo yếu tố phong thủy. Một nhân sĩ lúc đương thời là cụ Phạm Dưỡng Chánh đã khái quát địa thế của cuộc đất đó như sau: “Diện đối Trà Cai sơn tác áng/ Bối ỷ Quảng Phú thủy vi quan” và đã tự dịch như sau: “Mặt: núi Trà Cai bình án dựng/ Lưng: sông Quảng Phú ải thành ngăn”. Núi Trà Cai thường được gọi là Kỳ Sơn (núi Tam Kỳ) và sông Quảng Phú (tức là nhánh sông Bàn Thạch bây giờ) đầu thời Nguyễn thuộc địa phận huyện Lễ Dương. Vì thế, khi nói đến vùng đất Tam Kỳ nhà nho xưa thường dùng cụm từ “Kỳ sơn, Lễ thủy” (núi Kỳ, sông Lễ). Cũng do đó mà câu đối đặt ở hai trụ biểu trung tâm Khổng Miếu Tam Kỳ được viết là: “Quảng nhi cầu chi! Cối trạch - Hạnh đàn: Sư biểu vạn thế/ Tín bất vu hỹ! Kỳ sơn Lễ thủy: Văn hiến thiên niên”.

Nét đặc sắc nhất ở Khổng miếu Tam Kỳ là hệ thống các câu đối được khảm sứ trong nhà hậu tẩm và trên các trụ biểu; trong đó, hai cặp câu đối trước hai bàn thờ các bậc tiên Nho Việt Nam đã tóm tắt tinh thần thờ tự của Văn thánh Chiên Đàn thời trước và Khổng miếu Tam Kỳ sau này: “Thù Tứ văn phong trung thiên nhật nguyệt/ Hồng Lạc Tổ quốc vạn cổ giang san” (Dịch hàm ý: Sự học của người Việt có mục đích yêu nước thương dân vằng vặc như ánh dương, ánh nguyệt giữa trời/ Sẽ làm cho Tổ quốc Lạc Hồng bền vững muôn đời). “Thịnh truyền mỹ chương huân danh sự nghiệp/ Địa linh nhân kiệt đức vọng văn chương” (Dịch hàm ý: Đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra kết quả học vấn tốt đẹp rạng rỡ/ Con em đất này phải biết đem học vấn, tài năng để làm vẻ vang sự nghiệp vốn có từ cha ông). Hai cặp câu đối này được lấy nguyên từ hai bàn thờ các vị tiên Nho Việt Nam ở Văn thánh Chiên Đàn cũ; đã thể hiện trọn vẹn niềm tự hào về một trong những vùng đất “địa linh nhân kiệt” của “Tổ quốc Lạc Hồng” đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, hết lòng yêu nước và sẵn sàng đem sở học của mình phục vụ quê hương.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH