Bảo tồn, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu gồm 9 loại cây dược liệu
Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa ngành nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 bảo tồn, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu 9 loại cây dược liệu (gồm đảng sâm, ba kích tím, sa nhân, đương quy, giảo cô lam, lan kim tuyến, nghệ, cà gai leo và đinh lăng) với diện tích cây dược liệu đạt 39.505ha- trong đó trồng mới là 37.034ha và 2.471ha hiện có; đồng thời thiết lập hệ thống vườn bảo tồn và phát triển dược liệu quốc gia, vườn ươm và vườn trong bảo tồn chủ động kết hợp sản xuất giống cây dược liệu; hình thành các sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của 9 loài cây dược liệu. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục phát triển trồng mới thêm 24.690ha 9 loài cây dược liệu theo các tiểu vùng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2018 - 2030 hơn 6.523 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 505 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 4.599 tỷ đồng, còn lại là vốn người dân.
CHÂU NỮ