Hòa hợp dân tộc
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt sự can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam. Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ngụy quyền tay sai làm công cụ cho chính sách thực dân mới ở miền Nam. Trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ gấp rút đưa thêm nhiều phương tiện chiến tranh vào miền Nam; ồ ạt triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo” hòng giành lại các vùng giải phóng trong năm 1972, đẩy lực lượng của ta ra xa, tiến tới xóa bỏ vùng giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Phạm Đức Nam (áo trắng) tiếp thành viên phái đoàn Liên hiệp bốn bên thi hành Hiệp định Paris tài Gò Đu, xã Đại Chánh, Đại Lộc năm 1973. Ảnh tư liệu |
Dựng “Nhà hòa hợp dân tộc”
Ở Quảng Nam, từ đầu tháng 2.1973, địch huy động lính cộng hòa cùng quân địa phương, có máy bay, xe tăng yểm trợ đánh vào vùng giải phóng từ Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn đến Thăng Bình, Nam Tam Kỳ, Tiên Phước. Chúng thực hiện thủ đoạn vừa hòa hoãn vừa lấn chiếm. Nơi nào lực lượng ta mạnh thì chúng hòa hoãn, tiếp xúc thương lượng; nơi nào lực lượng ta yếu thì chúng tấn công, có lúc bất ngờ đánh sâu vào vùng giải phóng. Tình thế trên chiến trường diễn ra rất quyết liệt, các lực lượng của ta kiên cường bám trụ, phản công địch lấn chiếm, giữ vững trận địa với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”.
Tại huyện Quế Tiên (thành lập vào tháng 7.1969 gồm một số xã thuộc các huyện Tiên Phước, Thăng Bình và Quế Sơn; tháng 5.1975 giải thể), địch cho quân quay lại hòng tái chiếm các chốt điểm Cao Lao, Gò Mè, Đá Khảm - Châu Sơn, Lạc Sơn nơi giáp ranh giữa xã Bình Lâm và xã Sơn Hòa. Để ổn định tình hình, thực hiện đúng các điều khoản của hiệp định, Trưởng ban Binh vận và đấu tranh chính trị huyện Quế Tiên - Nguyễn Thị Ngọc Các cùng với cán bộ các xã Sơn Hòa, Bình Lâm dùng loa tuyên truyền đề nghị chúng nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris, như: không được nổ súng, không được càn quét, tái chiếm vùng giải phóng… Sau nhiều đợt tuyên truyền, kêu gọi, địch đã dừng các hoạt động bắn phá, lấn chiếm vùng giải phóng.
Đặc biệt, Huyện ủy Quế Tiên đã phối hợp với Ban Đấu tranh chính trị của tỉnh và Ban Binh địch vận của các Trung đoàn 31, 38, Sư đoàn 2 bàn bạc đi đến thống nhất dựng “Nhà hòa hợp dân tộc”, địa điểm là rừng Dương - giữa thôn 6 xã Bình Lâm và thôn 1 xã Sơn Hòa (nay là thôn Phú Cốc Đông, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) để ta và địch có địa điểm gặp gỡ, trao đổi thống nhất thực hiện nghiêm các điều khoản của Hiệp định Paris. Vào khoảng tháng 6.1973, “Nhà hòa hợp dân tộc” được làm xong, có cả sân bóng chuyền để hai bên giao lưu. Bên địch chấp nhận cùng ta mỗi tuần gặp nhau 3 lần vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận tổ chức giao lưu văn nghệ tại đây.
Đấu tranh chính trị
Bà Nguyễn Thị Ngọc Các cho biết, trong thời gian gặp gỡ tại “Nhà hòa hợp dân tộc” ta chủ yếu tuyên truyền về các điều khoản của Hiệp định Paris, nêu lên những việc làm phi nghĩa của Mỹ ngụy, những hành động dã man của chúng, như thả bom pháo giết hại nhiều người dân vô tội, trong đó có cả mẹ, vợ, con của binh lính ngụy. Tại “Nhà hòa hợp dân tộc” ta đã có 118 lần tiếp xúc, với hàng trăm binh lính địch (trong đó có 85 sĩ quan cấp úy trở lên). Qua tác động nhiều lần, trước những lý lẽ thuyết phục và tính chính nghĩa của ta, tinh thần địch giảm sút, hoang mang, bọn chúng không còn đi càn quét mà co cụm tại các đồn Châu Sơn, Lạc Sơn, Núi Gia, Liệt Kiểm. Một số bỏ súng về với gia đình, về với cách mạng”.
Bên cạnh đó, trong những ngày đầu xuân Quý Sửu (1973), dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Quế Tiên, các xã Sơn Hòa, Sơn An, Bình Lâm, các mẹ các chị gia đình có con em là binh sĩ ngụy tổ chức thành từng đoàn mang theo bánh kẹo, thuốc lá lên thăm người thân ở các chốt điểm của địch. Ông Nguyễn Văn Bá - nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Tiên còn cho biết: “Tết năm đó ta tổ chức thi đấu bóng chuyền với quân ngụy, chiếu phim giải phóng, gặp mặt “Nhà hòa hợp dân tộc”. Thông qua các hình thức trên, ta có điều kiện trực tiếp đánh sâu vào tâm lý ngụy quân, vận động họ bỏ hàng ngũ về với gia đình”. Vì vậy, trong thời gian đó tâm lý quân địch đã hoang mang dao động, không chịu đi lấn chiếm, một số quay về với cách mạng. Đây là thắng lợi lớn trong công tác đấu tranh chính trị - binh địch vận của chúng ta sau Hiệp định Paris. “Nhà hòa hợp dân tộc” là một điển hình trong công tác đấu tranh chính trị - binh địch vận mà Đảng bộ huyện Quế Tiên đã vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Trước tình hình phong trào cách mạng ở Quế Tiên phát triển mạnh về mọi mặt, bọn địch thấy nếu kéo dài hòa hoãn sẽ không có lợi cho chúng. Vì vậy, chúng trở mặt, phá bỏ hiệp định, đốt “Nhà hòa hợp dân tộc”, cho phi pháo bắn bừa bãi vào làng. Tuy nhiên chúng đã bị lực lượng vũ trang của ta bao vây tấn công các chốt điểm, tiêu diệt và làm tiêu hao sinh lực. Từ đó huyện Quế Tiên còn tập trung xây dựng mọi mặt tạo điều kiện để Khu ủy 5 chuyển căn cứ từ Nước Oa về đóng tại xã Phước Trà lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày toàn thắng.
LÊ NĂNG ĐÔNG