Quê tôi sau ngày hiệp định
Quê tôi Điện Thái (Điện Bàn) ngày ấy là vùng “ngày quốc gia, đêm cộng sản”. Thấm thoắt đã bốn mươi lăm năm trôi qua, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh lúc người dân trở về vườn xưa chốn cũ sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973) như vẫn còn đeo đẳng. Bây giờ nhớ lại mùa xuân năm ấy, ký ức chợt ùa về trong tôi.
Bàu Miếu, Rộc Trường xưa nay đã dựng nên phố thị. Ảnh: P.Q.M |
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris giữa bốn bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam. Bản Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, trong đó có 3 điều quan trọng nhất: Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và thống nhất của Việt Nam; quân Mỹ và chư hầu phải rút hết khỏi Việt Nam; quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam Việt Nam. Ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam. |
Tháng 2.1973, người dân Phong Thử, Kỳ Lam, Bì Nhai..., phần lớn là những người cảm tình với cách mạng sau bao năm phải tản cư ở Vĩnh Điện, Hội An, hay tận Đà Nẵng, rồng rắn trở về quê. Người dân trở về với bao tâm trạng, vừa háo hức vừa lo âu, người xưa cảnh cũ tiêu điều sau gần chín năm ly hương. Họ trở về khai hoang phục hóa trên những cánh đồng đầy rẫy vết tích đạn bom, mịt mù bờ lau cỏ dại. Đất đai hoang tàn, những ngôi nhà cũ chỉ còn trơ trọi gạch ngói đổ nát phủ đầy cỏ dại. Nhớ khi xưa lúc tôi tròn tám tuổi, tôi được mẹ và chị cho đi theo về quê vào ngày Chủ nhật. Tôi mừng quýnh cả lên. Bởi trước đó tôi thường hỏi “quê mình ở đâu hở mẹ?”, mẹ nói quê mình trong vùng chiến tranh không thể ở được, còn Đà Nẵng mình chỉ là dân tản cư thôi. Đêm thứ Bảy tôi chờn vờn thao thức, mẹ tôi giục: “Ngủ đi con, để ngày mai còn theo mẹ về quê”. Nhưng tôi nhắm mắt giả vờ ngủ để trộm xem mẹ và chị Tám của tôi làm gì. Tôi thấy mẹ và chị lui cui sắp xếp cất giấu nào đèn pin, thuốc tây dưới đáy thùng cà rem, còn gạo thì đựng trong những bao vải sọc xanh cỡ nhỏ rồi bọc thêm vải ny lon cùng nhiều nhu yếu phẩm khác... Sau này tôi mới biết những thứ đó đem tiếp tế cho cách mạng.
Nay trở lại mảnh đất khai hoang sau ngày hiệp định ấy, tôi bồi hồi nhìn Bàu Miếu, Rộc Trường nhà cửa san sát khang trang dựng nên phố thị, và lúa vẫn xanh trên quê hương nông thôn mới. |
Khi chiếc xe lam về gần đến bót gác đồn Bình Long, ngã tư Nông Sơn, xe chạy qua cuốn tung khói bụi mù mịt... Buổi trưa ấy tôi theo chị đi lấy nước dưới hố bom, tôi bỗng thấy bầy cá mương bơi lội trông thật lạ. Vật dụng để nấu cơm là keo khô và cỏ tranh bên túp lều dựng tạm. Mẹ con tôi ăn cơm với cá khô, với canh rau tàu bay - món ăn lần đầu trong đời tôi nếm, nghe vừa hăng hăng vừa bùi bùi như rau cải cay. Thi thoảng tôi lại nghe những tiếng đì đùng lẻ tẻ (sau này tôi mới biết là tiếng súng bắn tỉa của các anh du kích ở làng trên), tiếp đó là tiếng hú còi của những chiếc xe jeep quân đội dùng để cứu thương chạy từ ngã ba Cẩm Lý thẳng hướng Vĩnh Điện... Ngày ấy, dù Hiệp định Paris đã ký kết nhưng giữa ta và địch vẫn căng bởi chiến thuật “lấn đất giành dân” của địch còn đeo bám. Trong khi cách mạng thì cố gắng vận động người dân trở về quê cũ. Người dân quê tôi ngày ấy làm ruộng chỉ canh tác những thửa gần tỉnh lộ 100; quẩn quanh ở xứ Bàu Miếu, Rộc Trường. Buổi sáng phải chờ cho binh lính ngụy gỡ mìn xong mới được đi làm, còn buổi chiều phải về sớm để chúng gài cắm mìn trở lại… Đất canh tác màu mỡ vô cùng, cấy lúa ba trăng ruộng rộc, tốt đến nỗi “rùm” chỉ toàn lá; may ra chỉ được lúa trì gieo trên ruộng cạn mới thu hoạch được ít nhiều. Còn khoai lang thì cũng toàn là lá, chứ củ thu hoạch phần lớn là “giải” - tên gọi của rễ, nó dài bằng ngón tay ngoằn ngoèo lại lốm đốm với lỗ thủng của chồi cỏ tranh. Còn đậu đũa thì dài và to gần bằng ngón tay xanh mướt mát, còn đậu xanh, đậu đen tha hồ mà ăn ngọn...
Một ký ức tôi còn nhớ mãi là mùa hè năm ấy, bà ngoại tôi mất, ngoại có ý định về quê như lời trăng trối trước lúc lâm chung. Nhưng người cháu nội duy nhất chỉ đưa được bà về đến đất Điện An, chôn nhờ trên mảnh đất gần tháp Bằng An, vì lý do an ninh, sau ngày giải phóng mới cải táng được. Và câu chuyện hai người chú họ của tôi ngày ấy rủ nhau về quê thăm lại vườn cũ. Hai ông về đến nơi, nhà cũ chỉ còn trơ trọi cái nền gạch. Ông em hăm hở đi trước vấp mìn, bỏ lại bảy đứa con cho thím tôi. Trong cơn hoảng loạn, thím tôi “bắt đền”: “Tại anh rủ về quê mà chồng tôi mất”. Ân hận kéo dài mãi, nên chú tôi mới rời Đà Nẵng vào Long Khánh (Đồng Nai) lập nghiệp.
Nay trở lại mảnh đất khai hoang sau ngày hiệp định ấy, tôi bồi hồi nhìn Bàu Miếu, Rộc Trường nhà cửa san sát khang trang dựng nên phố thị, và lúa vẫn xanh trên quê hương nông thôn mới. Về lại Bến Hục không còn nghe ì òm đất lở, mà bãi bồi đã hun hút, tầm nhìn xa xa là Tư Phú (Điện Quang, Điện Bàn). Bởi con sông Thu Bồn gần 20 năm qua đã bồi lại cho quê tôi...
Mùa xuân này trở lại quê hương, tôi cứ rưng rưng nhớ những ngày sau khi Hiệp định Paris ký kết, nhớ người còn người mất với bao cảnh vật đổi thay...
PHAN QUANG MƯỜI