Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Chú trọng giám sát an toàn thực phẩm
Còn nhiều nỗi lo
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh trong vận động, giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020; trong năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong hệ thống MTTQ nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Trong đó, thành lập đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP tại Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Y tế và các huyện Đại Lộc, Núi Thành. Ở Đại Lộc, đoàn đã trực tiếp giám sát UBND xã Đại Minh, khảo sát thực tế 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh; còn tại Núi Thành, đoàn giám sát UBND thị trấn Núi Thành, khảo sát thực tế 3 cơ sở. Qua giám sát nhận thấy, việc chỉ đạo, triển khai công tác ATTP được nhiều địa phương quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Ban chỉ đạo liên ngành các cấp đã tổ chức khá tốt công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý kịp thời những vi phạm về điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP theo đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý; nhất là trong những đợt cao điểm như dịp lễ, tết, Tháng hành động vì ATTP. Qua thanh tra, hầu hết cơ sở đã thực hiện đúng quy định về ATTP.
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện giám sát vệ sinh ATTP tại UBND huyện Núi Thành. |
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền ở một số địa phương đối với việc đảm bảo ATTP vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ở cấp xã đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP, phân công Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban nhưng với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo vẫn chưa quyết liệt, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Có địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP; phân công cán bộ không rõ ràng, thiếu kiểm tra, đánh giá trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ công chức (nhất là ở cấp xã) đảm nhận công tác ATTP. Những điều đó dẫn đến số lượng cán bộ xã, cán bộ huyện trực tiếp tham mưu về ATTP hiện nay không nhiều, phần lớn kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, kiến thức về ATTP còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị đầu tư thiếu, không đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác hậu kiểm, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP chưa được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã cơ cấu chưa đảm bảo đủ thành phần, nhiều nơi chỉ có ngành y tế. Các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các địa phương chủ yếu tập trung vào một số thời điểm nhất định và còn mang tính phong trào; chưa làm tốt công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố... nên nhận thức của người dân chưa có chuyển biến rõ rệt, vì vậy chưa tạo được thói quen tốt trong vệ sinh ATTP.
“Nói không với thực phẩm bẩn”
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức tại hộ nên khó quản lý. Ý thức tuân thủ quy định pháp luật về đảm bảo ATTP của một bộ phận các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa tốt. Vì lợi nhuận của mình, một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm bất chấp đến sức khỏe người tiêu dùng, luôn có hoạt động đối phó với các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Nhiều cơ sở kinh doanh bảo quản thực phẩm còn sơ sài, mẫu lưu thực phẩm không đủ về số lượng; giấy đăng ký kinh doanh hết hạn; một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có hồ sơ kinh doanh và các giấy tờ liên quan; kiến thức pháp luật về ATTP của những chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được trang bị đầy đủ, chưa ý thức được tầm quan trọng của vệ sinh ATTP... Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng chưa có thói quen quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Những hạn chế, yếu kém về ATTP nói trên, trước hết là do sự thiếu quyết liệt trong quản lý của chính quyền các cấp, sự nhận thức chưa tốt và cố tình vi phạm của doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm và cũng có một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng. Trong đó có trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên khi chưa chú trọng đúng mức công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP cho người dân. Để khắc phục hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP, trong năm 2018 Ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở cần phối hợp tốt hơn nữa trong công tác vận động và giám sát về ATTP; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân về vệ sinh ATTP. Đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định của pháp luật; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, phổ biến kiến thức về cách lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, MTTQ các cấp tiếp tục chú trọng vận động nhân dân tự giác chấp hành Luật ATTP với khẩu hiệu hành động “Nói không với thực phẩm bẩn” và mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm ATTP. Vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và người dân thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tự giác ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo ATTP; thiết lập hệ thống thông tin hỏi - đáp, tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin vi phạm pháp luật về ATTP. Song song với đó, Mặt trận phải đẩy mạnh phối hợp triển khai công tác giám sát ATTP, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm, trong đó lưu ý đến các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều như: rau, thịt cá, rượu bia, nước giải khát, dịch vụ ăn uống...
NGUYỄN VĂN LONG
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)