Buôn bán xăng dầu trái phép trên biển
Hàng loạt vụ tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trái phép trong thời gian qua đã báo động về tình hình gian lận thương mại trên lĩnh vực này.
Lực lượng cảnh sát biển bắt giữ vụ buôn bán xăng dầu lậu trên biển. |
Nhiều vụ vi phạm
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (xã Tam Quang, Núi Thành) vừa bắt giữ, xử phạt 2 tàu nước ngoài vận chuyển dầu DO trái phép trên biển cho thấy tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến rất phức tạp. Qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ tàu Charlotte do ông Wismart Marthin (quốc tịch Indonesia) làm thuyền trưởng đang vận chuyển 9.015,634m3 dầu DO mà không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vào tháng 10.2017. Tương tự, tàu Pacific Ocean do ông Aldrinus Hasiholan Pakpahan (quốc tịch Indonesia) cũng bị tạm giữ vì vận chuyển 100m3 dầu DO không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng nói là thuyền trưởng và các thuyền viên của 2 tàu kể trên không chấp hành các yêu cầu của cảnh sát biển mà ngang ngược chống trả hòng tẩu thoát. Qua điều tra, đấu tranh, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tàu nói trên với tổng số tiền hơn 332 triệu đồng, tịch thu số dầu DO bán, sung công quỹ hơn 89 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 10.1.2017, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng vận chuyển, buôn bán dầu DO trái phép, gồm Trần Đình Vũ, Nguyễn Văn Quang (cùng trú xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành) và Phan Hoàng Vương (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành). Thời điểm bắt giữ, lực lượng biên phòng đã phát hiện trong xe tải 92C-00409 của ông Quang có 27 can dầu DO loại 30 lít, trong nhà ông Vương có 8 can dầu DO loại 30 lít đều không có hóa đơn chứng từ. Ngày 11.1.2017, qua kiểm tra nhà ông Vũ, ngành chức năng phát hiện 24 thùng phuy chứa dầu DO loại 200 lít, 20 can dầu DO loại 30 lít cũng không có giấy tờ hợp lệ kèm theo. Sau khi niêm phong toàn bộ tang vật và đấu tranh buộc các đối tượng khai nhận gian lận thương mại, ngành biên phòng đã xử phạt ông Vũ, ông Vương 10 triệu đồng/người, phạt ông Quang 1 triệu đồng đồng thời tịch thu tang vật, bán sung công quỹ.
Do mức chênh lệch gần 10 nghìn đồng/lít dầu nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, kinh doanh xăng dầu trái phép. Ngày 8.4.2017, tại cửa hàng xăng dầu Duy Lộc (xã Đại Lãnh, Đại Lộc), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an tỉnh) đã kiểm tra, bắt giữ ông Vũ Xuân Đô (Mang Yang, Gia Lai), bà Dương Thị Kim Huệ (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bán 2.800 lít dầu diêzen không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho ông Hoàng Hải Lộc - chủ cửa hàng xăng dầu Duy Lộc. Phòng PC46 niêm phong, tạm giữ 2.800 lít dầu để điều tra. Qua xác minh, lực lượng đã xác định toàn bộ số dầu trên đều là dầu lậu, chuyển hồ sơ cho Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) phạt 3 đối tượng hơn 140 triệu đồng, bán 2.800 lít dầu sung công quỹ.
Cuộc chiến cam go
Quảng Nam có 2 cảng biển lớn là Cửa Đại (TP.Hội An) và An Hòa (Núi Thành) cùng hàng chục bến, cảng nhỏ ở khắp các sông, biển với hàng trăm lượt tàu, thuyền ra, vào mỗi ngày. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa, khai thác hải sản hay dịch vụ du lịch là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng buôn lậu tổ chức trao đổi xăng dầu trái phép. Các lực lượng chức năng gồm cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường đã chủ động nắm chắc tình hình, tuần tra, chốt chặn, mật phục, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người và phương tiện hoạt động trên các tuyến sông, biển. Nhờ đó, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển, mua bán, trao đổi xăng dầu trái phép đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, các vụ việc bắt giữ kể trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, tình trạng mua bán xăng dầu trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đại tá Nguyễn Bá Thông - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại trên lĩnh vực xăng dầu ngày càng cam go hơn trước bởi các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi hơn, chống trả manh động hơn. Trong khi đó các quy định pháp luật về thẩm quyền, nguyên tắc hoạt động, biên chế, tổ chức, phương tiện, trang bị kỹ thuật còn hạn chế, chồng chéo, thiếu mạch lạc, thậm chí bất cập gây rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Vì thế, trong trận chiến này, cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhận định, trận chiến chống buôn bán xăng dầu trái phép rất cam go, quyết liệt và đặc biệt khó khăn trong dịp cuối năm. Buôn bán xăng dầu trái phép không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn có thể xáo trộn thị trường xăng dầu nói chung. Trong đấu tranh chống vấn nạn này cần chú ý đến các thành phần cung cấp dịch vụ cho tàu biển. Họ ít am hiểu pháp luật nên cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh doanh, vận chuyển xăng dầu, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong lĩnh vực này. “Các lực lượng chuyên ngành như công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, cục thuế cần phối hợp chặt chẽ, nắm chắc tình hình, trao đổi thông tin, kiểm soát hiệu quả nạn vận chuyển, buôn bán xăng dầu trái phép. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện, hàng hóa qua lại nơi biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các cảng, các cửa sông, luồng lạch để khống chế” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT