Chế độ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở: Ghi nhận tại Hội An

LÊ HIỀN 22/01/2018 10:11

LTS: Như Báo Quảng Nam đã có bài phản ánh, HĐND tỉnh quyết định từ ngày 1.1.2018 tạm dừng việc chi trả mức phụ cấp các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã vượt quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Liên quan đến sự việc trên, Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết của cộng tác viên Lê Hiền, ghi nhận câu chuyện của cán bộ không chuyên trách ở các địa phương trên địa bàn TP.Hội An và cả khó khăn trong công tác cán bộ ở cơ sở.

Tin liên quan

  • HĐND tỉnh quyết định tạm dừng hỗ trợ thêm cho cán bộ không chuyên trách cấp xã: Chấp hành theo quy định
Cán bộ không chuyên trách xã phường tham gia nhiều công tác ở địa phương nhưng chế độ và triển vọng phát triển còn nhiều bất cập.
Cán bộ không chuyên trách xã phường tham gia nhiều công tác ở địa phương nhưng chế độ và triển vọng phát triển còn nhiều bất cập.

Chế độ quá thấp

Hiện nay, TP.Hội An có 247 cán bộ không chuyên trách đang làm việc tại các xã, phường. Đây là những người người gần dân, nhiệt tình tham gia các hoạt động xây dựng địa phương và trực tiếp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Đánh giá về đội ngũ cán bộ không chuyên trách trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hội An - Kiều Cư nói: “Những thành công của cấp ủy, chính quyền các địa phương nói riêng và toàn thành phố nói chung trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực của đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Trong công việc thường ngày, cán bộ không chuyên trách luôn nêu cao tinh thần làm việc; sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với cán bộ chuyên trách. Ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách, đội ngũ cán bộ không chuyên trách cũng gắn bó với phong trào ở thôn, khối phố, tham gia hoạt động tại cơ sở”.

Mức hỗ trợ từ phụ cấp như hiện tại chỉ đủ để đổ xăng, trả cước điện thoại và lo chuyện “phải không” mà thôi. Biết là bấp bênh nhưng đã “trót” theo đuổi công việc nên nhiều người tự động viên mình tiếp tục công tác, cũng vì niềm vui được cống hiến cho xã hội, vì truyền thống cách mạng của gia đình hoặc vì trách nhiệm với cộng đồng
(Một cán bộ không chuyên trách ở phường Cẩm Nam chia sẻ)

Tuy nhiên theo quy định, hiện nay các chức danh không chuyên trách ở cấp xã như phó chủ tịch ủy ban MTTQ, phó các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, phó trưởng công an, cán bộ đài truyền thanh… đều không được hưởng lương, mà chỉ xếp hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 1,0 mức lương tối thiểu chung, tương đương với 1,3 triệu đồng. Xuất phát từ những khó khăn, bất cập về chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách, TP.Hội An đã vận dụng cơ chế, chính sách của tỉnh và có mức hỗ trợ thêm nhằm động viên cán bộ cơ sở yên tâm công tác (hỗ trợ phụ cấp thêm hệ số 0,3 mức lương tối thiểu chung đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và hỗ trợ phụ cấp thêm hệ số 0,5 mức lương tối thiểu chung đối với 2 chức danh phó trưởng công an, phó chỉ huy quân sự xã). Dù vậy, thu nhập mỗi tháng của cán bộ không chuyên trách vẫn không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống gia đình, đó là chưa kể chuyện “phải không” rất nhiều từ mối quan hệ tại cơ sở của cán bộ không chuyên trách. Bây giờ HĐND tỉnh dừng chính sách hỗ trợ thêm, đời sống của đội ngũ cán bộ này càng thêm khó khăn. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trong những năm gần đây, hầu hết địa phương ở Hội An đều xảy ra tình trạng cán bộ bán chuyên trách xin nghỉ việc. Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại phân tích: “Đối với cán bộ các xã, phường mà tập trung là cán bộ không chuyên trách, hiện giờ cũng có tư tưởng muốn nghỉ việc để ra ngoài làm. Bây giờ làm bảo vệ khách sạn mỗi tháng lương 4 - 5 triệu đồng; trong khi làm cán bộ không chuyên trách, dù đã làm 10 - 15 năm, mỗi tháng chỉ nhận khoảng 1,3 triệu đồng thì anh em lấy đâu mà sống. Tôi thấy, chừng đó bản thân anh em còn không đủ sống, lấy đâu mà lo cho gia đình. Vì vậy, dù địa phương luôn quan tâm động viên an tâm công tác, trong anh em cán bộ tư tưởng vẫn phần nào bị ảnh hưởng”.

Tìm không ra người thay thế

Ngoài lý do phụ cấp không đáng kể so với mức lương làm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ bên ngoài, không ít cán bộ không chuyên trách muốn nghỉ việc vì sự… chạnh lòng. Đều là cán bộ làm việc cho Nhà nước, được cấp trên ra quyết định công nhận chức danh, nhiệm vụ, nhưng chế độ chính sách khác nhau hoàn toàn. Theo quy định, cán bộ không chuyên trách mỗi tuần phải có mặt ở cơ quan 3 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế đội ngũ này luôn phải thường xuyên có mặt ở cơ sở hoặc nơi công tác để làm việc chuyên môn phụ trách hoặc tham gia tuyên truyền vận động nhân dân; họp thôn, tổ dân cư… “Mức hỗ trợ từ phụ cấp như hiện tại đôi khi chỉ đủ để đổ xăng, trả cước điện thoại và lo chuyện “phải không” mà thôi. Biết là bấp bênh nhưng đã “trót” theo đuổi công việc nên nhiều người tự động viên mình tiếp tục công tác, cũng vì niềm vui được cống hiến cho xã hội, vì truyền thống cách mạng của gia đình hoặc vì trách nhiệm với cộng đồng” - một cán bộ không chuyên trách ở phường Cẩm Nam chia sẻ.

Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ không chuyên trách ở nhiều xã, phường của TP.Hội An gặp rất nhiều khó khăn. Như tại phường Cẩm Nam mới đây, tìm không ra người đảm nhiệm chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường. Bởi khi biết thông tin đảm nhận chức danh không chuyên trách với phụ cấp thấp nên không ai đầu quân cho phường. Cuối cùng địa phương đã phải đưa một dân quân có bằng trung cấp đi đào tạo thêm chuyên ngành trung cấp quân sự để sau này bố trí. Hay như ở xã Cẩm Kim sau khi Phó Trưởng Công an xã và cán bộ Đài Truyền thanh xin nghỉ việc, vị trí cán bộ Đài Truyền thanh đã tìm được người thay thế, còn chức danh Phó Trưởng công an xã đến nay vẫn còn bị “trống”.

Kiến nghị điều chỉnh

Trong khi tìm không ra người thay thế các chức danh không chuyên trách hết tuổi làm việc hoặc xin nghỉ việc thì các xã, phường ở Hội An cũng rất khó tìm hướng để phát triển cán bộ không chuyên trách thành công chức chuyên trách. Định biên có hạn, chờ đến khi thành phố “rút” lãnh đạo chủ chốt lên một cấp hoặc khi có cán bộ chuyên trách về hưu mới có chỗ trống để phát triển, bố trí cán bộ không chuyên trách thay thế. Vì vậy, trong thời gian dài chờ đợi, cán bộ không chuyên trách phải đảm nhận nhiệm vụ được giao từ năm này sang năm khác. Nhiều người vào xã phường làm việc từ khi còn trẻ, sau mười mấy năm công tác vẫn là cán bộ không chuyên trách. Ông Nguyễn Đình Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hội An nói: “Chế độ thấp, chưa nói. Điều rất khó là ảnh hưởng đến tư tưởng, khi mà cán bộ không chuyên trách không có thời hạn để vào được chuyên trách. Cho nên việc quy hoạch, bố trí cán bộ không chuyên trách hiện nay rất khó khăn. Nếu cứ đà này, chỉ vài năm nữa là chúng ta không giữ chân được cán bộ không chuyên trách, họ nghỉ việc là thiếu cán bộ xã, phường”.

Nhìn thấy những bất cập đối với chế độ và việc sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ không chuyên trách xã phường, tại Hội nghị Thành ủy Hội An mới đây, Bí thư Thành ủy Kiều Cư cho biết, Hội An sẽ tiếp tục có kiến nghị, đề xuất với tỉnh và Trung ương xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan. “Người ta tốt nghiệp đại học chính quy về làm mà nhận lương có hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, làm sao đủ sống? Nếu chúng ta hỗ trợ thêm thì trái quy định, chi sai quy định. Chúng ta cần phải kiến nghị với tỉnh, với Trung ương để nghiên cứu, điều chỉnh lại việc này” - ông Kiều Cư nói.

LÊ HIỀN

LÊ HIỀN