Hồi nớ, ở Kỳ Kim
Kỳ Kim là tên của một làng thời kháng chiến chống Pháp, thuộc xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ ngày nay. Nhà tôi thuộc thôn Kim Đới - cái đai bằng vàng, của xã. Nói cái đai vàng là nói cho đẹp vậy thôi chứ thực sự làng tôi nghèo lắm; nghèo đến nỗi từ ông bà cụ già trở xuống đến thằng bé còn bồng trên tay mẹ đều chỉ mặc một màu áo vải ta thô nhuộm đen và có nhiều năm người làng thiếu đói đến nỗi có nhà phải ăn củ chuối.
Nhà tôi phía bờ nam sông Trường Giang; bờ bắc con sông là làng Tĩnh Thủy (cũng có người gọi là Tỉnh Thủy - TS). Tĩnh Thủy là một bãi biển ngang khá đẹp, bãi cát và đồi cát trắng phau; biển êm đềm và xanh trong như ngọc bích. Có thể coi vùng biển ngang Tĩnh Thủy như một cái mỏ cá; cá nhiều vô kể đến nỗi người ta đánh lưới quát ven bờ chừng trăm mét đã có thể bắt được nhiều cá hố, cá nục gai. Bữa ăn của người làng phụ thuộc vào vùng bờ biển ấy. Người ta chỉ cần đem một tấm lưới bén lội ra khỏi bờ chừng vài chục mét, thả lưới xuống và lội qua lại phía trong bờ chừng hai giác là đã có vài ký cá đem về làm bữa trưa hay bữa chiều.
Chữ tôi viết đầu tiên trên bảng đen là chữ M… Chữ M dịu dàng đó đã đi theo suốt cuộc đời tôi; khiến tâm hồn tôi sau này lãng mạn bay bổng. Có lẽ phụ âm M là âm tiết mở đầu cho các từ Mẹ, May mắn, Minh mẫn, Mélodie (giai điệu), Majeur (trưởng), Mélancolique (lãng mạn)... chăng? |
Cuộc chiến tranh đáng sợ của người Pháp khiến người ta lãng quên đi những dấu mốc thời gian trong đời sống của một con người. Chuyện ngày sinh tháng đẻ, sức khỏe của một đứa bé thì không ai đủ thì giờ để nhớ đến nữa. Cái chính là cha mẹ cố giữ được mạng sống của đứa bé trong chiến tranh, thoát qua khỏi những dịch bệnh đau ốm và đừng để con bị đói khát. Cha mẹ tôi đã bảo bọc tuổi thơ tôi như vậy. Tôi sinh ra ở đâu đó trong một xã miền núi của vùng kháng chiến Tam Kỳ; sau ba ngày tuổi thì được mẹ bồng về cái làng biển này để tránh họa chiến tranh. Trong ký ức thơ ấu của mình, tôi còn nhớ nhà tôi là một ngôi nhà tranh dựng trên một mảnh đất sát đường làng; đi ra khỏi nhà là một vạt rừng và đi ra nữa là một đồi cát trắng phau chỉ mọc toàn cây sim cao ngất.
Căn bản là tôi không được đi học. Làng có một ngôi trường nhỏ lợp ngói được gọi là trường Xóm, có một người cán bộ Việt Minh giàu lòng yêu thương trẻ thơ là ông Đinh Chấn làm nhà giáo, dạy cho trẻ con học lớp vỡ lòng. Trường Xóm đứng trơ vơ giữa một sân cát khá rộng, đối mặt với một vạt rừng dương liễu. Người anh ruột của tôi học vỡ lòng tại đó, buổi sáng. Có một ngày đẹp trời khi tôi lên sáu tuổi, cha đưa tôi lên trường, thưa với thầy cho tôi xin học lớp vỡ lòng buổi chiều. Thầy nhận tôi vào lớp.
Đó là lần đầu tiên, tôi được tiếp cận với văn hóa giáo dục. Chữ tôi viết đầu tiên trên bảng đen là chữ M. Tôi không hiểu làm sao mà thầy bảo tôi viết chữ M lên bảng và khi tôi viết xong, thầy bảo cả lớp vỗ tay khen ngợi. Chữ M dịu dàng đó đã đi theo suốt cuộc đời tôi; khiến tâm hồn tôi sau này lãng mạn bay bổng. Có lẽ phụ âm M là âm tiết mở đầu cho các từ Mẹ, May mắn, Minh mẫn, Mélodie (giai điệu), Majeur (trưởng), Mélancolique (lãng mạn)... chăng?
Có một buổi sáng, máy bay năm đầu của Pháp bay qua đó và bắn đại liên xuống trường Xóm. Thầy bảo cả lớp nhanh chân chạy trốn vào rừng sim. Anh tôi may mắn không bị thương nhưng cha mẹ tôi sợ nên không cho hai con theo học nữa. Thầy của chúng tôi cũng bỏ trường lớp ra đi kháng chiến. Trường Xóm tan hoang, chẳng còn ai dạy ai học. Tiếng ê a đọc bài của bầy trẻ con không còn nữa, làng quê trở về với cái không khí lặng lẽ, u buồn như nó vốn có từ xa xưa. Vậy là chúng tôi thất học từ đó.
Tuổi thơ của tôi thật thiếu thốn, đói khổ. Thời ấy, thuốc men không có, điều kiện dinh dưỡng không có nên đứa bé nào cũng gầy ốm chứ không chỉ riêng tôi. Tôi không hiểu phép lạ nào đã cho tôi sống sót sau những trận đau ban đỏ, đau trái rạ. Tôi không hiểu phép lạ nào đã cho tôi đủ sức chịu đựng cái nóng nung người giữa những mùa hè gió se sắt thổi; giữa những mùa đông rét buốt tê cóng cả chân tay. Thời ấy, trẻ con rất thiếu áo quần; nhà nào khá lắm mỗi năm mới may cho con được một chiếc áo và một chiếc quần đùi mới. Tôi mặc những chiếc áo cũ được vá nhiều mảnh vải khác màu như một tay tiểu khất cái; mùa hè thì cởi trần để áo khỏi ra mồ hôi dễ bị chấy rận, mùa đông thì mặc nhiều lớp áo mong chống lạnh cho ngực và bụng. Vậy nhưng hai chân và hai cánh tay thì không biết giấu vào đâu.
Chính vì vậy, trong suốt ba tháng mùa đông, cha mẹ tôi thường đốt bếp lửa giữa nhà cho con cái sưởi ấm người trước khi đi ngủ. Trên bếp lửa ấy, mẹ tôi hay nấu nước chè xanh, rang đậu phụng hay rang bắp để các con ăn chơi. Tiêu chuẩn ăn chơi cũng rất “kiệm ước”: đậu phụng đã lột vỏ hay bắp chỉ rang đúng một lon. Không biết từ đâu, mẹ tôi có được một chiếc lon sữa bò đóng hẳn nhãn hiệu Mont Blanc (Bạch Sơn - Núi Trắng) của Pháp danh tiếng! Chiếc lon được dùng đong đủ thứ trên đời, láng lẩy!
(Còn nữa)
VŨ ĐỨC SAO BIỂN