Lạc bước quê mình...
1. Nhiều lần vào TP.Tam Kỳ, tôi đã đi lạc đường, vì phố xá bây giờ chỉnh trang rộng ra rất nhiều. Nhưng ngay ở Đà Nẵng, nơi tôi sống cả nửa thế kỷ, vẫn đi lạc.
Chợ Cồn Đà Nẵng những năm 1980. |
Khi ra Đà Nẵng lần đầu, nhìn cái rạp hát Trưng Vương bên cạnh khu giải trí và nhà lao Con Gà, cứ như bây giờ nhìn thấy nhà hát Con Sò bên nước Úc, như một kỳ quan. Còn cái làng quê của mình chỉ nhỏ như lòng một bàn tay! Chừng ấy năm trôi qua, khi cha tôi đã ngoài 80 tuổi, đi lại khó khăn. Mỗi bận tôi chở ông đi quanh thành phố, chạy hết con đường thênh thang ven vịnh Thanh Bình lên Nam Ô, ra Mỹ Khê rồi quay lại những khu phố mới ở Khuê Trung, Hòa Cường để cho ông thấy sự thay đổi nhanh chóng của một đô thị, ông lại nói: “Đà Nẵng hồi nớ chỉ như lòng bàn tay. Giờ, thả tau đi một mình, chắc lạc!”.
Câu nói của ông cụ khiến tôi giật mình. Mới cách tuần trước, chính tôi cũng đã bị lạc trên đường Lê Duẩn rồi còn gì! Chạy xe máy từ phía sông Hàn lên, định rẽ vào lối Ông Ích Khiêm để ghé chợ Cồn mà thế nào lại phóng đến tận ngã ba Cai Lang mới giật mình quay lại. Té ra trong tâm thức vẫn cứ nghĩ là chưa tới Cầu Vồng và quên khuấy rằng con dốc đó đã bị san bằng từ lúc nào rồi. Lại một hôm đưa anh bạn Việt kiều đi tìm mua đất làm nhà ở khu phố mới dọc đường Phan Đăng Lưu, chạy lung tung vào những khu bàn cờ ngang dọc mà chẳng biết lối ra. Lúc định vị được thì đã thấy mình đang đứng chình ình trước cái Metro siêu thị ở đoạn Đò - Xu - cầu - Bà - Xự. Anh bạn hỏi vậy cái chùa Bà Quảng bây giờ còn không? Tôi lại ú ở chẳng biết đi lối nào để tới đó…
Một đoạn của đường Bạch Đằng xưa.Ảnh: Internet) |
Đi lạc giữa phố phường quê hương, nói mà nghe “dị òm”!
Đà Nẵng thay đổi nhanh quá! - bạn tôi nói. Rồi anh nhớ lại: đường Thành Thái (Trần Quốc Toản bây giờ) có mấy quán ăn Tàu. Còn trên đường Phan Đình Phùng có tiệm kem Diệp Hải Dung. Đường Yên Báy có khách sạn OK gần phở Cấp Tiến. Bánh mì ông Tý, tiệm cà phê Xướng, nhà sách Văn Hóa và phở bò viên Thái Ngư ở ngã tư chợ Cồn. Quán cà phê Thăng Long bên hông chợ vườn hoa. Bình dân thư quán gần nhà thương thí trên đường Hùng Vương. Những Thế giới tửu gia, nhà hàng Thời đại gần nhà thờ Con Gà. Mấy khu nhà “chính phủ” dọc đường Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm. Gần Kho Đạn với con đường “ngắn nhất” Đào Duy Từ, còn có khu chợ Hàng Heo. Hãng xe ca Lệ Thủy gần chợ mới Huyện. Lò bún Bà Liệu, ngã tư Chợ Cống, xóm Giếng Bộng, Giếng Đôi, kiệt Tân Lập, khu Thanh Bồ, Đức Lợi, xóm Trẹm, bến Mía, bến Phà, những khu ổ chuột Đường Rầy, xóm Chuối, đường Đất Đỏ, hầm Bứa… Bây giờ đâu mất rồi hè? Những cái tên, những địa danh anh bạn tôi hỏi trong nỗi hoài cổ đó đã “thương hải biến vi tang điền” trong những tháng năm quặn mình đứng lên của Đà Nẵng, cũng có chút gì chạnh lòng người nghe, bởi bao nhiêu ký ức lại tràn về…
Tôi xấu hổ những lúc lạc đường trong thành phố mới, nhưng bạn tôi thì khác. Anh đăm đắm với những cái tên đã trở thành thân thuộc của tuổi thơ chúng tôi những năm 50 - 60 thế kỷ trước. Và anh nói: “Chính những kỷ niệm, những nỗi nhớ giản dị mà không phai lạt đó đã được định nghĩa là quê hương, là tình yêu của mỗi người. Đó cũng là Đà Nẵng của tôi!”.
2. Cuối năm ngồi nhớ lại những câu ca dao xưa của người Quảng: “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà. Lòng ta thương nhớ bạn, nước mắt và trộn cơm”… Là nhớ lại trận bão Chanchu cay xé lòng mươi năm trước. Cuồng phong và biển khơi đã cướp đi sinh mạng bao nhiêu ngư dân trẻ trong lịch sử Đà Nẵng, Quảng Nam cho tới bây giờ? Bao nhiêu thiếu phụ hồn treo cột buồm ngóng trông về phía mặt trời mọc mỗi ngày vắng xa? Những dải mây màu lụa nõn phía xa kia đẹp bao nhiêu dưới cái nhìn của các thi sĩ thì cũng chừng ấy nỗi lòng của những người tình quê biển ngóng chờ bạn ở khơi xa. Một nền kinh tế biển bao giờ sẽ trở thành niềm kiêu hãnh của người Quảng? Chỉ thu gọn vào chuyện khai thác hải sản thôi thì bao lâu nữa sẽ có những đội hải thuyền với những trang thiết bị đánh bắt, chế biến, cung ứng dịch vụ hiện đại có thể ở lâu dài năm ba tháng giữa đại dương như các nước? Lúc đó, những chiếc thuyền gỗ vài mươi sức ngựa chắc sẽ nghỉ chân ở một góc bảo tàng nghề cá và du khách sẽ phải mua vé vào xem như một di sản của quá khứ…
Giữa những bước nhảy vọt về hạ tầng đô thị, người lao động xứ biển quê tôi rõ ràng đang còn lạc bước trên đường đến tương lai là như vậy đó. Câu ca cũ lắm rồi. Số phận những ngư dân từ rất lâu vẫn chưa thay đổi bao nhiêu… Đến đây, ta chợt nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng viết, đại ý, một đất nước có trên ba ngàn cây số bờ biển mà sao suốt trong lịch sử cứ nhìn ra biển với bao nhiêu điều húy kỵ, lo âu. Và, quê hương Đà Nẵng, Quảng Nam, những địa phương bên bờ biển, đến bao giờ mới thẳng tiến một cách hùng dũng ra biển lớn?
NGUYỄN SÔNG HÀN