Khoảng trống y tế học đường

NGUYỄN DƯƠNG - SONG ANH 20/01/2018 08:58

Ngày 17.1, Hội nghị Tỉnh ủy (mở rộng) đã thảo luận, lấy ý kiến góp ý kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII), trong đó có việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện nay, y tế học đường nhiều nơi vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.  Trong ảnh: Cán bộ y tế học đường kiểm tra sức khỏe học sinh  Trường Tiểu học Phan Thành Tài - Điện Bàn.Ảnh: DƯƠNG HIỀN
Hiện nay, y tế học đường nhiều nơi vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trong ảnh: Cán bộ y tế học đường kiểm tra sức khỏe học sinh Trường Tiểu học Phan Thành Tài - Điện Bàn.Ảnh: DƯƠNG HIỀN

Một trong những nội dung được đề cập tại Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, là sẽ “rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo đó, đội ngũ nhân viên phụ trách y tế học đường lâu nay tại các địa phương, sẽ được cơ cấu lại hoặc tinh giản như thế nào? Liệu các địa phương sẽ xoay xở ra sao để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh?

THIẾU VÀ YẾU

Một thực trạng ở Quảng Nam là đội ngũ cán bộ y tế học đường thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Có nhiều nơi là cán bộ kiêm nhiệm, cùng một lúc vừa là kế toán vừa là cán bộ y tế. Được nhìn nhận có vai trò quan trọng nhưng kể từ khi ra đời (năm 2005 Bộ GD&ĐT có thông tư yêu cầu các trường học thành lập Phòng y tế học đường), đội ngũ nhân viên y tế học đường gần như chưa được đánh giá đúng vai trò, vị trí.

Vẫn còn thiếu

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYTDP), hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 814 trường học các cấp, nhưng chỉ có 532 cán bộ y tế học đường phụ trách, chỉ mới đảm bảo 60%. “Những cán bộ y tế học đường này đều là giáo viên kiêm một lúc nhiều nhiệm vụ nên năng lực vẫn còn hạn chế. Nói thật, một cán bộ kế toán thì khó có thể đảm bảo được năng lực chuyên môn về y tế” - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiên - Phó khoa Sức khỏe cộng đồng (TTYTDP tỉnh) cho biết. Theo bác sĩ Tiên, với sự phát triển của mạng lưới y tế hiện nay thì chức năng chủ yếu của các cán bộ y tế học đường thường là sơ cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp để kịp thời chuyển học sinh đến bệnh viện. “Nhưng không phải sơ cứu là đơn giản đâu. Nếu không có chuyên môn thì khó biết được trong trường hợp nào thì nên làm cách nào. Gãy tay thì có thể đơn giản hơn, nhưng nếu gãy xương đùi mà không biết sơ cấp cứu đúng cách có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng” - bác sĩ Tiên nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó khoa Y tế công cộng của TTYT thị xã Điện Bàn cho biết, hiện có 25 cán bộ y tế học đường phụ trách 75 trường học các cấp ở địa phương, trong đó có 20 cán bộ y tế của 20 trạm y tế xã phường. Chính vì vậy, có nhiều cán bộ y tế học đường cùng lúc phụ trách nhiều trường khác nhau. “Mỗi cán bộ trạm y tế làm công tác y tế học đường sẽ chịu trách nhiệm phụ trách toàn bộ học sinh của các trường đóng trên địa bàn. Ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp thì mỗi tuần, người này sẽ theo lịch tiến hành đi kiểm tra ở những cơ sở mình phụ trách để truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, kiểm tra vệ sinh môi trường lớp học…” - bà Tuyết cho biết.

Đối với miền núi thì công tác này hầu như bỏ ngỏ. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT huyện Tây Giang, công tác y tế học đường ở đây chưa được đảm bảo. “Phần thì do cơ sở vật chất không có nên tình trạng “có trâu không có cày” thường xuyên diễn ra. Nghĩa là có cán bộ y tế đó nhưng không có dụng cụ khám chữa bệnh thì cũng đành chịu. Thêm vào đó, việc hợp đồng với các cán bộ y tế học đường này thuộc về phòng giáo dục huyện nên có trường có, trường không nhưng mình không thể can thiệp được” - bác sĩ Thông cho hay. Tương tự, các huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My... công tác này vẫn bỏ trống. “Mấy năm vừa rồi TTYT không phối hợp với bất kỳ một trường nào trên địa bàn để kiểm tra y tế học đường bởi không thấy họ liên hệ với mình. Chúng tôi chỉ tiến hành kiểm tra khi TTYTDP tỉnh đề nghị” - bác sĩ Phạm Thanh Bình - Giám đốc TTYT huyện Bắc Trà My cho biết.

Năng lực còn hạn chế

Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, việc cán bộ y tế học đường kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức năng sẽ khó đảm bảo được công việc và năng lực chuyên môn. “Dù hàng năm vẫn tổ chức các lớp, các khóa tập nhưng việc đó cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt về chuyên môn của các cán bộ này” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

Ngoại trừ các trường học ở TP.Tam Kỳ, Hội An đảm bảo 100% có cán bộ y tế học đường phụ trách; các địa phương khác đều đang lâm vào cảnh giật gấu vá vai: 1 người kiêm nhiệm nhiều chức năng, trong đó có y tế học đường. Thông thường, vì là nơi tiến hành sơ cấp cứu ban đầu nên chỉ cần trình độ y sĩ là đủ để đảm nhiệm. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều trường vẫn để cán bộ kế toán, thủ quỹ hay các giáo viên của trường đảm nhận công việc này. “Dù có trải qua nhiều lớp tập huấn nhưng khó cho một người tay ngang có thể hiểu hết được những chuyên môn của ngành y. Hơn nữa, chúng tôi dù muốn cũng không thể thực hiện nhiều các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho những cán bộ này do thiếu kinh phí. Đưa kế hoạch cụ thể lên nhiều lần nhưng vẫn không được duyệt chi thì cũng chịu” – bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiên - Phó khoa Sức khỏe cộng đồng (TTYTDP tỉnh) cho hay.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng trạm y tế xã, phường trên địa bàn của các trường nên phụ trách luôn việc này để thay thế cho những cán bộ không đủ năng lực. Tuy nhiên, theo khảo sát trên địa bàn tỉnh, các trường học vẫn muốn có một cán bộ chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho các học sinh, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học.

PHẬP PHỒNG LO LẮNG

Rất nhiều nhân viên y tế học đường tại các trường học và địa phương đang lo lắng hỏi nhau về câu chuyện tinh giản biên chế trong tương lai. Họ sẽ đi về đâu khi cả một quãng thời gian dài cống hiến nhưng vẫn chỉ mãi là những cán bộ hợp đồng?

Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em.
Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Làm nhiều, lương ít

Bà Nguyễn Thị Tuyết -  Phó khoa Y tế công cộng (TTYT Điện Bàn) cho biết, từ năm 2015, thị xã đã bắt đầu có xu hướng tinh giản số lượng nhân viên y tế học đường đứng ở các điểm trường. Có nhiều địa phương, nhân viên trạm y tế kiêm luôn công tác y tế học đường, hoặc là thêm một nhân viên nữa kiêm tất cả trường ở xã phường đó. “Các cán bộ này đảm nhận từ truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, đến kiểm tra vệ sinh môi trường lớp học… Cho nên, ngoài sự vững vàng về năng lực thực hành, nhân viên y tế trường học còn phải có kiến thức, phương pháp truyền thông để truyền tải, giáo dục học sinh về những vấn đề khá phức tạp và không dễ đề cập như giới tính, bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân…” - bà Tuyết nói. Tuy nhiên, hiện tại, với việc mỗi nhân viên y tế học đường ở địa phương phải quản lý số lượng học sinh lên đến cả hàng nghìn em, việc làm tốt những nhiệm vụ này không dễ dàng. Hàng loạt thách thức và áp lực đặt ra cho họ về yêu cầu chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý cho học sinh, đặc biệt việc chăm sóc sức khỏe đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học. Trong khi đó, chưa có văn bản nào quy định, cứ bao nhiêu học sinh thì cần có một nhân viên y tế trường học. Trước đây, nếu mỗi trường học có một nhân viên y tế, thì hiện tại, một nhân viên y tế phải phụ trách từ 2 trường trở lên.

Thầy Hà Phước Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thành Tài (phường Điện An, Điện Bàn) cho biết, hoạt động y tế học đường vẫn luôn được đánh giá là rất cần thiết và quan trọng, nhất là khi nhiều trường thực hiện hình thức bán trú. “Hầu hết thời gian ban ngày của các em là ở trường, vì thế việc có một cán bộ y tế có chuyên môn là vô cùng cần thiết. Ngoài nhiệm vụ sơ, cấp cứu ban đầu cho học sinh, cán bộ còn chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, việc có một cán bộ y tế trường học trong nhà trường, đặc biệt là các trường bán trú là điều rất cần thiết. Chưa kể, hiện tại muốn đạt trường chuẩn cấp quốc gia thì buộc trường đó phải trang bị phòng y tế học đường” - thầy Mạnh nói.

Được nhìn nhận có vai trò quan trọng như vậy, nhưng đội ngũ nhân viên y tế học đường trong trường học gần như chưa được đánh giá đúng vai trò, vị trí. Chị Nguyễn Thị Phúc Lộc - nhân viên y tế học đường phụ trách 3 trường tiểu học và THCS trên địa bàn phường Điện An (Điện Bàn) chia sẻ, hiện tại, ngoài lương cơ bản của bậc cao đẳng, Lộc được phụ cấp thêm 25% từ cơ chế tự chủ tài chính của nhà trường, với tổng thu nhập một tháng chưa đến 3 triệu đồng. “Tháng 10.2011, mình là nhân viên y tế học đường được tuyển dụng đầu tiên của Điện Bàn, nhận quyết định phụ trách công tác y tế học đường của 4 trường các cấp mầm non, tiểu học, THCS của Điện An. Đến năm 2015, thì có chủ trương cán bộ kiêm nhiệm, mình được Phòng Giáo dục Điện Bàn ký hợp đồng phụ trách y tế cho 2 trường tiểu học và 1 trường THCS, còn trường mầm non thì có nhân viên kế toán kiêm nhiệm y tế. Quản lý sức khỏe cho hơn 2.000 em học sinh, thật sự không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, mình vẫn cố bám trụ, làm tốt công việc vì hy vọng định biên của ngành giáo dục trong tương lai sẽ có ngạch y tế học đường” - Lộc nói. Thế nhưng, mấy hôm nay, Lộc cùng 20 anh chị em nhân viên y tế học đường trên địa bàn đang nhấp nhổm không yên vì nghe nói có chủ trương tinh giản cho các vị trí kế toán và y tế học đường. “Nếu bị tinh giản hợp đồng, mình cũng không biết sẽ làm gì cho tương lai, vì đã gắn bó khá lâu với công tác y tế học đường này” - Lộc chia sẻ.  

Không được thi tuyển biên chế

Chuyên môn thì do Trung tâm y tế quản lý, trong khi lương hướng, thu nhập thì do Phòng Giáo dục quyết, chưa kể bao nhiều lần tuyển dụng viên chức, vẫn không có chức danh y tế học đường để thi hoặc xét tuyển. Bao nhiêu năm họ vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng. Liệu khi triển khai thực hiện nội dung cơ cấu lại, tinh giản đối với chức danh kế toán, y tế học đường theo Nghị quyết 19 sắp tới đây, những người này sẽ đi về đâu? Trong khi trước đó, hồi tháng 7.2017, các nhân viên y tế học đường khắp nơi vui mừng vì Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập, có tên chức danh của mình. “Mình được nhận vào làm nhân viên y tế học đường từ năm 2011 – cũng là đợt tuyển nhân viên y tế học đường đầu tiên của Điện Bàn khi ấy, cho đến nay, ngành giáo dục đã qua 3 lần thi và xét tuyển viên chức, nhưng chưa lần nào có chức danh y tế học đường cả. Hơn 6 năm làm việc, cống hiến chỉ mong đến ngày vào biên chế, nhưng nay nghe thông tin sẽ tinh giản những cán bộ hợp đồng như mình thì rất hoang mang. Không biết mình sẽ đi về đâu khi tất cả thời gian mình đã gắn bó với công việc này. Liệu có cơ sở nào nhận mình sau khi bị tinh giản hay không” - chị Nguyễn Thị Phúc Lộc lo lắng.

Tương tự, chị Mạc Thị Thu Oánh, nhân viên y tế học đường Trường Mẫu giáo Vành Khuyên 2 (TP.Tam Kỳ) cũng đang phập phồng lo cho số phận của mình. “Ngay từ khi ra trường mình đã xin vào đây làm, tính đến nay đã hơn 6 năm. Nhiều lần mình cùng các chị em trong ngành đăng ký thi tuyển viên chức nhưng không đủ điều kiện. Muốn thi thì phải có giấy phép hành nghề, mà muốn có giấy phép hành nghề thì phải công tác tại những cơ sở y tế, có điều trị cho một số lượng bệnh nhân cụ thể nên từ đó đến nay vẫn mãi là cán bộ hợp đồng. Giờ lại phập phồng với việc tinh giản” - chị Oánh cho biết.

Rất nhiều trường hợp giống như chị Lộc, chị Oánh, đang rất lo lắng cho tương lai. Tiếp tục công việc vì có thu nhập ổn định, vì yêu nghề, nhưng chẳng biết ngày mai có được tiếp tục hay không. “Thôi thì cứ làm đã. Rồi sau này tính đường tiếp chứ biết sao. Chỉ tiếc những năm tháng đã cống hiến, nay có thể tiêu tan hết” - chị Lộc thở dài.

CƠ CẤU LẠI THEO HƯỚNG NÀO?

Theo khảo sát của Báo Quảng Nam, đa số trường học, nhất là bậc mẫu giáo, tiểu học đều muốn mỗi trường có một cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều khó khăn cần có bài toán phù hợp. Đây là những ý kiến chúng tôi ghi nhận được.

Cán bộ y tế học đường chăm sóc sức khỏe học sinh Trường Mầm non Vành Khuyên 2 - Tam Kỳ. Ảnh: DƯƠNG HIỀN
Cán bộ y tế học đường chăm sóc sức khỏe học sinh Trường Mầm non Vành Khuyên 2 - Tam Kỳ. Ảnh: DƯƠNG HIỀN

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh

Thực tế cho thấy số lượng và chất lượng của các cán bộ y tế học đường giữa các địa phương, vùng miền đang có độ vênh nhau rất rõ. Từ đó tính hiệu quả không được đảm bảo. Tuy nhiên, để nói tinh giảm biên chế ngay tất cả thì chưa thể, bởi còn tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi nơi để có sự cơ cấu lại, điều chỉnh cho phù hợp. Cái nào chưa rõ thì cân nhắc làm thí điểm để rút kinh nghiệm, rồi có phương án điều chỉnh phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Có thể cách tổ chức, sắp xếp như hiện tại chưa thực sự phù hợp nên hiệu quả yếu. Vì vậy, trong thời gian tới phải có sự thay đổi, không làm theo đơn vị hành chính (mỗi trường, mỗi vùng có cán bộ y tế hay trạm y tế xã, phường...) mà làm theo khu dân cư. Sắp tới, ngành y tế cũng sẽ tiến hành xây dựng địa bàn, khu dân cư hay các liên trường đạt chuẩn về y tế. Không nhất thiết phải mỗi trường có một cán bộ phụ trách mà có thể là một người phụ trách nhiều trường, nhưng những cán bộ này phải thực sự có năng lực, đảm bảo tính hiệu quả. Cái này đã giao Sở Y tế đào tạo, nâng cấp các cán bộ tiệm cận với tiêu chuẩn chuyên môn, đủ để đáp ứng nhu cầu công việc.

Còn việc tinh giản biên chế cần phải có lộ trình cụ thể để tất cả kịp thích ứng. Sau đó, tùy theo từng trường hợp cụ thể để có cách sắp xếp hợp lý nhất.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn

Tôi nghĩ nếu không có nhân viên y tế học đường thì các trường học rất khó, đặc biệt là các cấp như mẫu giáo, tiểu học. Nhưng nếu thực hiện chủ trương không bố trí cán bộ y tế cho trường học thì về lâu dài mình phải có phương án khác thay thế. Không bố trí cán bộ y tế học đường theo chủ trương của Nghị quyết 19 thì phải chỉ đạo ngành y tế, giáo dục tổ chức các lớp tập huấn định kỳ cho giáo viên về kiến thức cơ bản sơ cấp cứu ban đầu. Trước khi vào năm học mới thì sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho toàn thể giáo viên. Thiết nghĩ, trong quá trình học thì các giáo viên tiểu học và mầm non cũng đã được đào tạo cơ bản ban đầu. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường quản lý công tác y tế học đường do các trạm y tế xã phường kiêm nhiệm phụ trách.
Bà Nguyễn Thị Diệu Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên 2 (Tam Kỳ)

Đối với các cấp trường như mẫu giáo, tiểu học thì mỗi trường nên có một cán bộ y tế để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Bởi vì lứa tuổi này đau ốm thất thường, trong khi giáo viên năng lực về y tế cũng rất hạn chế. Nhất là khi các trường tổ chức hình thức bán trú thì không chỉ chăm lo sức khỏe cho trẻ mà còn cả vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nữa.

Ông Trần Văn Tuệ - Trưởng khoa Y tếdự phòng - TTYT Tam Kỳ

Cần có cán bộ y tế phụ trách cho mỗi trường để đảm bảo các vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Lứa tuổi nhỏ, hiếu động nên khó có thể kiểm soát hết được nếu một người kiêm nhiệm nhiều trường trên địa bàn. Nếu có thể được thì nên biên chế cho các cán bộ phụ trách này và giao về cho ngành y tế quản lý, chi trả lương. Như thế sẽ hiệu quả hơn.

Chị Nguyễn Thị Thùy (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ)

Tôi có con nhỏ đang học mầm non. Tôi nghĩ trong nhà trường rất cần có cán bộ y tế, đơn giản như các cháu chẳng may có vấn đề về sức khỏe thì cán bộ y tế là người có chuyên môn, lại ở ngay tại chỗ để kịp thời có những biện pháp cứu chữa ban đầu. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe của các cháu, cũng tạo sự yên tâm cho các gia đình. Tuy nhiên, những cán bộ y tế này phải có nghiệp vụ chuyên môn nhất định để đảm bảo được công việc. Do đó, các nhà trường cũng cần xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng khi bố trí cán bộ phụ trách y tế trong nhà trường, không nên để kế toán kiêm nhiệm y tế, hoặc y tế lại kiêm nhiệm thủ quỹ.

NGUYỄN DƯƠNG - SONG ANH

NGUYỄN DƯƠNG - SONG ANH