Cười bên chân sóng

THÀNH CÔNG 19/01/2018 14:22

Những đôi bàn tay thô ráp chằng chịt sẹo, nhỏ nhoi trước những con sóng chụp lấy ghềnh đá. Duy chỉ có tiếng cười vang, át con sóng kia, loang ra dưới cái nắng sớm mai. Tháng Chạp, họ nhặt nhạnh cho mình chút lộc biển ngoài ghềnh, cho một cái tết ấm đơn sơ đang đến gần.

Rong mứt trở thành một thứ “lộc biển” trong mùa biển động. Ảnh: T.C
Rong mứt trở thành một thứ “lộc biển” trong mùa biển động. Ảnh: T.C

1. Nắng lấp lóa phía biển. Là nắng, sau chuỗi ngày dài xám xịt những gió máy và giận dữ của biển cả suốt mùa đông dài. Nghề biển năm nay buồn. Trong suốt những tháng dài mùa gió lớn, biển động, họ đã chờ ngày nắng hiếm hoi này lâu lắm. Từng chuỗi ngày dài bến mỏi thuyền nằm bờ, những người đàn ông ngáp vắn ngáp dài nghe tin đài dự báo bão, áp thấp. Thì họ, đàn bà biển, chạy với đủ nghề, để mưu sinh, chia sẻ với gia đình khi mành lưới không còn chạm sóng. Chạy chợ, phụ đám tiệc… đủ nghề, miễn là kiếm ngày công trang trải. Và giờ, khi gió lặng, thì tảo tần với một thứ công việc khác rất… biển: nhặt rong.

Chúng tôi đi ra ghềnh đá phía bãi Nồm của thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành). Sóng đánh, những phiến đá mòn dấu sóng, sơ sẩy là trượt chân. Nơi mép nước, lổm chổm những vỏ hàu, bỏ ốc bám, sắc như dao. Nhưng đã thấy lô nhô các bà, các mẹ víu vào mép sóng. Họ nhặt rong. Là rong mứt, thứ đặc sản của tháng Chạp, nhỏ xíu, chìm lẫn trên bờ rêu xanh mặt đá. Từng bàn tay thoăn thoắt nhặt lấy những đốm rong màu nâu xám cho vào chiếc rổ con. Bà  Nguyễn Thị Huệ, người trong thôn, sáu mươi lăm tuổi thì đã có gần năm mươi năm quen việc hái rong nơi ghềnh đá này. Lúc đầu, là thức dùng cho bữa cơm. Sau này, khi đã nhiều người hỏi mua, thì bán. Như một thứ đặc ân dành cho dân biển, cứ gần tháng Chạp, lại ra ghềnh nhặt rong để mưu sinh. Một cân rong mứt khô, giá bán hiện tại lên đến hơn hai triệu đồng. Mỗi bữa, nhặt nhạnh đơn sơ vậy, cũng kiếm được ít nhất vài trăm nghìn đồng. “Không biết có gọi là nghề được không, nhưng dân ở đây quen cái việc bứt rong mứt bán rồi. Mỗi năm chỉ có một mùa. Mà lạ, hễ năm nào mưa gió giằng dai là năm đó được mùa rong mứt, kiểu như trời bù bớt lỗ cho mấy chuyến biển không đi được” - bà cười, giọng vừa đủ nghe sau tiếng sóng biển vẫn đang ầm ào vỗ vào mạn đá.

Bà Huệ luôn có bạn đồng hành. Cũng là hàng xóm láng giềng trong làng biển, mà nghe giọng, không cần nhìn mặt đã biết tên. Họ ra ghềnh đá từ khi trời vừa sáng, rồi cứ lần theo từng mỏm đá nhặt rong, đến lúc con nước lớn thì về. Rong mứt vừa nhỏ, vừa nhẹ, phơi khô lại thì cả buổi trời chỉ còn lưng rổ. Người trước, kẻ sau, họ chia nhau từng vỉa đá, dọc theo mép biển. Bữa nhiều, bữa ít, được cái rong mau mọc, thành thử suốt mùa, có công việc để kiếm thêm. Bà Đào Thị Giáo đi sau bà Huệ, dùng chiếc nạo sắt nhỏ nạo từng vụn rong trên mặt đá. Sáng nay bà đi muộn, hơn tiếng đồng hồ, mới chỉ được lưng rổ. Hình như con nước đã lên, vì phía mép sóng, không còn thấy rõ những mảng rêu xanh rì như khi nãy, nơi rong mứt nằm lẫn. Cứ mỗi lần con sóng rút ra xa, bà Giáo lại thoăn thoắt tay nhặt nhạnh. Rồi lại chờ sóng vỗ lên đá, rút xuống. Cả người bà chìm trong sóng, ướt đẫm…

2. Mùa rong mứt. Đi dọc làng, đã thấy những mảng phên tre vuông vức xếp đầy rong biển phơi khắp sân. Rong đem về rửa sạch hai ba lần nước, nhặt kỹ, rồi xếp đều phơi khô. Món này không đủ để bán, nên giá cứ tăng theo từng năm một. Ông Phạm Văn Dục (thôn Thuận An) đánh trần, tỉ mẩn xếp từng mảnh rong lên tấm phên tre, lầm rầm kể, hơn nửa tháng trời rồi mới thấy nắng. Mẻ rong buổi sáng, tính khô, cũng tầm gần một ký. Hai vợ chồng ông Dục hái được nhiều hơn người khác, vì dùng thuyền thúng, bơi ra tận hòn Mang từ sáng sớm để lấy rong. Thu nhập, có khi cũng chẳng kém những người đi biển. “Làm rong mứt, ngó thì đơn giản, nhưng cũng phải sắm áo mưa, áo phao, đeo găng tay cho kỹ, không thì vỏ hà, cạnh đá cắt nát hết tay. Đi làm thì ngó chừng sóng. Bữa biển êm thì không sao, chớ gió chướng một tí thì cũng phải ở nhà, không dám ra” - ông Dục nói. Cả mùa này, chuyến biển đếm trên đầu ngón tay. Thu nhập, lại chính nhờ những cọng rong mứt bé xíu mà ông bà thu lượm được từ hòn Mang, hòn Dứa. Phía ấy, người đi ít hơn, rong mứt nhiều hơn. Nhưng đổi lại, cũng là hiểm nguy chực chờ, khi muốn đến được, chiếc thuyền thúng phải băng qua hàng trăm con sóng. Chúng tôi chợt nhớ những người đàn bà mình đã gặp bên ghềnh đá. Mấy mươi năm sống bên bờ sóng này, mà vẫn phải dò dẫm từng bước chân. Bàn tay bà Giáo, bà Huệ đã chai sần, nhưng vẫn hằn bao vết sẹo vì chạm hà, vì đá cắt, vì bám víu trên từng tảng rêu xanh trơn nhẫy phía ghềnh…

Biển không phải lúc nào cũng hiền hòa. Mới đây thôi, một phụ nữ ở Cù Lao Chàm cũng bị chết đuối khi hái rong. Ở Tam Hải, cũng đã từng có người bị sóng cuốn. Nhưng như một quy luật, người ở biển, trước hết phải bám víu lấy biển để sinh tồn. Rong mứt chỉ mọc vào mùa đông, mùa biển động. Người hái rong, ngoài kinh nghiệm, cũng phải đánh cược chính mình. May mắn, những ngày này, biển chừng đã êm, sau một mùa dài cuồng nộ. Phía ghềnh, rong mứt dày hơn, nhưng sóng không còn hung hãn như những ngày trước nữa. Bà Huệ, bà Giáo, và những người dân biển, đã có thể mỉm cười, sau mỗi sáng đi về để hái rong. Bên chân sóng, tôi nghe họ kể cho nhau về tết, về những thứ sẽ dành để sắm sửa cho ngày cuối năm. Có tiếng cười, nhỏ thôi, nhưng cũng đủ vang và giòn hơn tiếng sóng. Có chút hương xuân đang về, theo câu chuyện của những người đàn bà, bên ghềnh đá.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG