Châu Âu cấm đánh cá bằng xung điện
Châu Âu quy định rất nghiêm ngặt về việc đánh bắt cá nhằm tránh khai thác kiểu tận diệt, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Một bến cá tại châu Âu. Ảnh: thetimes |
Ngày 16.1, với 400 phiếu ủng hộ, 302 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu chính thức ban hành lệnh cấm đánh cá bằng xung điện. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quy định này ra sao đối với Anh - thành viên đang đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu. Thật ra, châu Âu nghiêm cấm dùng điện đánh bắt cá từ năm 1998 nhưng 10 năm sau đó lại nới lỏng luật lệ này bằng cách cho phép tối đa 5% tổng số tàu cá của mỗi nước được dùng xung điện. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng phương pháp đánh bắt bằng xung điện, chất nổ trong đó bao gồm Việt Nam. Nhóm bảo vệ môi trường tại Pháp, Bloom hoan nghênh quyết định của châu Âu vì lo ngại việc đánh bắt cá bằng xung điện sẽ làm tổn thương đại dương cũng như cạn kiệt nguồn hải sản. Bloom xem quyết định trên là một “chiến thắng lịch sử cho đại dương, cho ngư dân đánh bắt cá bằng dụng cụ truyền thống thân thiện môi trường theo kiểu không tận diệt”.
Tuy cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào thực sự đầy đủ về tác động của đánh cá bằng xung điện và một số công ty đánh bắt cá tại châu Âu phản đối quy định trên khi cho rằng biện pháp xung điện đánh bắt cá ít tốn nhiên liệu, vì thế ít khói thải gây tổn hại môi trường. Được biết, hiện Hà Lan là nơi có ngư dân đánh bắt bằng phương pháp này lớn nhất tại châu Âu. Nhưng mới đây, hơn 200 đầu bếp hàng đầu tại châu Âu đã ký kết vào một văn bản tuyên bố nói không hay tẩy chay các loại hải sản được đánh bắt bằng xung điện. Lý do mà các đầu bếp đưa ra là hải sản bị điện giật sẽ có vết thâm bầm nên chất lượng của món ăn này sẽ rất kém; hơn nữa xung điện đánh bắt cá sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Một số siêu thị tại Anh như Waitrose hay tại Pháp là Intermarché tuyên bố rằng, tất cả loại hải sản được đánh bắt bằng xung điện, chất nổ sẽ không được phép vào kệ hàng của họ. Trên thực tế, phương pháp đánh bắt kiểu tận diệt này còn có thể đe dọa đến tính mạng của người sử dụng và những người xung quanh.
Châu Âu hiện là khu vực có nhiều quy định đánh bắt cá rất nghiêm ngặt. Như các tàu cá không được đánh bắt nhiều hơn hạn ngạch đã được cấp phép; ngoài việc đăng ký cụ thể ngày khởi hành thì việc đánh bắt cá loại nào hay địa điểm đánh bắt trên biển phải được khai báo cụ thể trước chuyến đi… Cạnh đó, châu Âu cũng cấm nhập khẩu hải sản từ các nước ngoài khu vực nếu như các chính phủ phó mặc không kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt cá bất hợp pháp. Rất nhiều quốc gia như Thái Lan, Campuchia từng bị châu Âu rút “thẻ vàng” để chống lại nạn đánh bắt cá trái phép tại các nước nói riêng và toàn cầu nói chung. Còn tại Mỹ, nghề đánh cá được kiểm soát bằng các luật chặt chẽ, người đánh cá phải có giấy phép đánh bắt loại cá xác định với kích thước tối thiểu, nếu không đạt tiêu chuẩn phải thả ngay. Việc chích điện bắt cá chỉ thực hiện trong một số trường hợp và được cơ quan nhà nước cho phép.
NAM VIỆT