Khai thác cát sỏi lòng sông: Cần kiểm tra, giám sát thường xuyên
Việc cấp giấy phép cho hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, theo quy hoạch được duyệt. Nhưng vì sao một số nơi trong tỉnh vẫn còn xảy ra xung đột giữa người dân địa phương và doanh nghiệp?
Bãi cát lộ thiên ở xã Duy Hòa (Duy Xuyên). Ảnh: TRẦN HỮU |
Xung đột
Để phục vụ cho nhu cầu tận thu cát làm vật liệu xây dựng thông thường, tránh thất thoát tài nguyên, UBND tỉnh đã cân nhắc quy hoạch ngắn hạn, dài hạn. Hàng chục giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn qua địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn… được cấp nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định cho địa phương. Thế nhưng, một số nơi vẫn chưa tạo sự đồng thuận từ phía người dân. Mới đây, hàng chục hộ dân thôn Đông Yên, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đã kéo ra khu vực hiện trường 2 mỏ cát đóng chân trên địa bàn nhằm gây sức ép yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động, khắc phục hậu quả sạt lở đất sản xuất. Đơn kiến nghị tập thể với gần 40 hộ dân xóm Vĩnh An (thôn Đông Yên) đã gửi đến các ngành chức năng của tỉnh và huyện Duy Xuyên.
Theo các hộ dân, từ năm 2015 đến nay, đơn vị tư nhân khai thác cát An Thịnh và Công ty Nhất Tài đã khai thác cát tại khu đất cát xóm Vĩnh An (thôn Đông Yên). Hai doanh nghiệp này dùng máy hút cát ống lớn, hút sâu gây lở đất canh tác và đất ở làm mất hơn 30ha đất ven sông ở gò đất Non, gò Ông Út, gò Ông Nhất, gò Ông Nhì. Đến năm 2016, hoạt động khai thác cát tiếp tục gây bồi lấp hơn 35ha đất canh tác của nhân dân tại gò Ông Ba, gò Ông Bốn, gò Bắc Giang, có chỗ cát lấp từ 0,5 - 1m. Từ tháng 5.2017, mỏ cát của Công ty CP An Thịnh chuyển cho đơn vị khai thác mới là Công ty TNHH MTV Cử Minh Khoa. Nhiều năm nay, người dân kiến nghị dừng hoạt động tận thu cát nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa mỏ cát. Trước phản đối quyết liệt của người dân, chính quyền đề nghị doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhưng những ngày qua Công ty TNHH MTV Cử Minh Khoa vẫn bố trí xe cơ giới vận chuyển cát ra bên ngoài tiêu thụ. Trong khi đó, mỏ cát của Công ty TNHH Nhất Tài tạm dừng hoạt động, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đang tính đến giải pháp đối thoại.
Ở các khu vực cấp phép khai thác nhạy cảm khác, chính quyền và người dân tỏ ra lo lắng về hậu quả sạt lở đất. Trong hàng chục ki lô mét sạt lở dọc sông Vu Gia - Thu Bồn, số tiền bỏ ra xây đê kè rất lớn. Tại khu vực cầu Hà Nha (huyện Đại Lộc), theo tính toán 1km xây kè kiên cố tốn gần 25 tỷ đồng, trong khi tổng nguồn thu ngân sách từ 18 mỏ cát trên toàn huyện chỉ hơn 6 tỷ đồng. Còn tại sông Thu Bồn, đoạn qua TP.Hội An tuy không cấp phép hoạt động khai thác cát nhưng mức độ sạt lở thêm nghiêm trọng. Theo UBND TP.Hội An, đến nay ngân sách nhà nước bỏ ra hơn 140 tỷ đồng cho các công trình chống sạt lở bờ biển. Đề cập nguyên do dẫn đến thái độ kiên quyết phản đối tận thu cát của người dân, ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT cho rằng, ngoài yếu tố gây sạt lở, tác động đất canh tác, thời gian qua còn có biểu hiện đơn vị khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, không cắm mốc ranh giới rõ ràng, không đúng như giấy phép.
Cầu vượt cung
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục đơn vị được cấp phép khai thác cát sông, chủ yếu trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Phần lớn các mỏ được cấp phép, đơn vị khai thác đúng theo quy định trong giấy phép. Tuy nhiên, có vị trí khai thác không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, đất sản xuất của nhân dân. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, không nên quy hoạch cấp phép khai thác cát ở khu vực sông đối mặt với nguy cơ sạt lở thường xuyên. Còn ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị, cần hạn chế bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác cát sỏi đối với các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Thêm nữa, cần bắt buộc phải thực hiện đấu giá, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát nguồn thu và lựa chọn được các đơn vị có kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Công khai, minh bạch hóa các thông tin về nguồn thu - chi về cát sỏi lòng sông.
Sở Xây dựng thông tin, đến nay riêng trữ lượng cát xây dựng đã được cấp phép là hơn 5,6 triệu mét khối giai đoạn khai thác đến năm 2020 (công suất bình quân 1,4 triệu mét khối/năm) nhưng chỉ đáp ứng được hơn 51% so với nhu cầu dự báo hơn 2,7 triệu mét khối/năm. Nguồn cát lòng sông, kể cả bãi bồi tập trung chủ yếu tại 3 huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Chính vì nguồn cầu vượt cung nên tình trạng tận thu trái phép cát sỏi lòng sông tái diễn liên tục.
Theo UBND tỉnh, các ngành chức năng và chính quyền ngoài rà soát, khảo sát nhu cầu vật liệu xây dựng cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch phải mang tính khoa học, chống duy ý chí; cần gắn chặt lợi ích của địa phương với lợi ích toàn vùng, lợi ích toàn xã hội, lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Về giải pháp quản lý, theo ông Bùi Văn Ba, chính quyền các địa phương nhất quán thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Khoáng sản và Chỉ thị số 03, ngày 30.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức đầy đủ tính chất, hậu quả nghiêm trọng của hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi để có phương án ngăn chặn hiệu quả.
TRẦN HỮU