Tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 17/01/2018 14:36

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố bài viết về phát triển xanh nhằm giảm các rủi ro từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam.

Hình ảnh một góc Hội An trong siêu bão nhiệt đới vào tháng 11.2017. Ảnh: Reuters
Hình ảnh một góc Hội An trong siêu bão nhiệt đới vào tháng 11.2017. Ảnh: Reuters

Nhiệt độ toàn cầu tăng và mực nước biển dâng cao khiến hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn ở nhiều nơi trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, Việt Nam gồng mình gánh chịu siêu bão nhiệt đới Damrey vào tháng 11.2017, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam tập trung ở các vùng ven biển trũng thấp, rất dễ bị tổn thương do BĐKH. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân vùng nông thôn di cư đến thành phố ngày càng nhiều. Tính từ năm 1900 đến nay tại Việt Nam, BĐKH khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy, nhiều vụ mùa đến kỳ thu hoạch bị mất trắng và gây thiệt hại trung bình 1% tăng trưởng kinh tế mỗi năm. Theo dự báo cụ thể, đến năm 2100, BĐKH ảnh hưởng đến đời sống của 12% dân số và làm giảm 10% tăng trưởng của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam xem việc ứng phó với BĐKH là vấn đề rất đáng quan tâm và thực thi nhiều chính sách về môi trường cùng với sáng kiến để giảm nhẹ rủi ro do BĐKH. Mô hình tăng trưởng xanh, bền vững và thân thiện môi trường là trọng tâm trong chương trình phát triển của Việt Nam, là xu thế của toàn cầu. Tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của BĐKH, đảm bảo sự phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn Thỏa thuận Paris 2016 - một thỏa thuận lịch sử toàn cầu chống BĐKH và cam kết giảm ít nhất 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Đồng thời đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc vào năm 2030, trong đó bao gồm triển khai các hành động cấp thiết để giải quyết các vấn đề BĐKH và các tác động của nó. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất do BĐKH, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về BĐKH để tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về BĐKH; chỉ đạo, điều phối thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về BĐKH. Ủy ban này hiện do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

IMF cho biết, các chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam nên tập trung: giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích các hộ, công ty và chính phủ theo đuổi chính sách tăng trưởng xanh... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ứng phó với thiên tai, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển cùng nhiều chính sách sáng tạo, khuyến khích đầu tư vào nguồn năng lượng sạch và cải tiến các công nghệ thân thiện môi trường. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm tình trạng tắc nghẽn, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực chính phủ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, thúc đẩy sáng tạo, tăng trưởng xanh là chìa khóa cần thiết để ứng phó với BĐKH.

NAM VIỆT

NAM VIỆT