Năm 2017 cả nước có hơn 1,63 triệu người được giải quyết việc làm

DIỄM LỆ 17/01/2018 10:26

(QNO) - Sáng nay 17.1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết nhiệm vụ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng tham dự hội nghị. Đầu cầu tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì.

Ngành LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trong toàn quốc vào sáng nay, 17.1. Ảnh: D.LỆ
Ngành LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trong toàn quốc vào sáng nay 17.1. Trong ảnh: Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: D.LỆ

Theo báo cáo tại hội nghị, tỷ lệ lao động (LĐ) thiếu việc làm giảm dần qua các quý, tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng, chứng chỉ là 22,5%; thông qua Quỹ quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 110 nghìn LĐ. Năm 2017 giải quyết việc làm cho hơn 1,63 triệu người (đạt hơn 102% kế hoạch), trong đó tạo việc làm trong nước hơn 1,5 triệu người, đưa hơn 130 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của LĐ làm công hưởng lương quý III.2017 là 5,36 triệu đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính đến hết tháng 12.2017, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội là 13,811 triệu người, chiếm 25,2% lực lượng LĐ (trong đó 13,52 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 291 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện); tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 11,4 triệu người. Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho hơn 9 triệu lượt người, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho hơn 650 nghìn LĐ.

Toàn quốc đã rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể hồ sơ người có công còn tồn đọng với hơn 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công (3 đợt trong năm 2017) cho 1.250 liệt sĩ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi hơn 50 nghìn bằng Tổ quốc ghi công. Hỗ trợ gần 650 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ đảm bảo khang trang, bền đẹp.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 của toàn quốc giảm xuống còn khoảng dưới 7% (giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016). Tổng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 7.231 tỷ đồng, đã hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý… cho người nghèo. Ngành đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013 của Chính phủ cho hơn 2,78 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí ước tính cả năm gần 15 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ xã/phường phù hợp với trẻ em đạt 82%, 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. Toàn quốc đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp nạn nhân, trong đó xác định 517 trường hợp là nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân sau khi tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH toàn quốc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao, gồm đưa tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó có bằng, chứng chỉ 23 - 23,5%); giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 1 - 1,3%, trong đó bình quân các huyện nghèo giảm hơn 4%. Toàn ngành giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng LĐ đạt 26,5 - 28%; tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,2 triệu người; 99% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công...

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ